'Hồng Hà nữ sĩ': Tôn vinh cuộc đời nhân vật lịch sử Đoàn Thị Điểm

Chủ nhật, 15/10/2023 08:30 GMT+7

Google News

Sau 4 năm ấp ủ, bộ phim điện ảnh thuộc đề tài lịch sử Hồng Hà nữ sĩ về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã chính thức được ra mắt.

Vào tối 14/10 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội đã diễn ra buổi chiếu mở màn ra mắt phim điện ảnh Hồng Hà nữ sĩ về nhân vật lịch sử có thật sống ở thế kỷ 18 – nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Bà là tác giả tập Truyền kỳ tân phả (chữ Hán), truyện thơ Chinh phụ ngâm (bản chữ Nôm) - được bà dịch từ nguyên bản Chinh phụ ngâm khúc (viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn).

'Hồng Hà nữ sĩ': Tôn vinh cuộc đời nhân vật lịch sử Đoàn Thị Điểm - Ảnh 1.

Đội ngũ làm phim Hồng Hà nữ sĩ

Hồng Hà nữ sĩ xoay quanh cuộc đời của nữ sĩ tài sắc Đoàn Thị Điểm, về mối tình không thành cùng Tiến sĩ Đặng Trần Côn cũng như việc bà dịch Chinh phụ ngâm của ông, và cả về cuộc kết hôn ngắn ngủi với Tiến sĩ Nguyễn Kiều.

Câu chuyện bắt đầu từ khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, gặp gỡ Đặng Trần Côn cho đến khi gia đình gặp biến cố lớn, bà phải trở về quê dạy học, bốc thuốc, viết văn nuôi dạy các cháu và chăm sóc người nhà. Sau đó, bà lấy Tiến sĩ Nguyễn Kiều và thay chồng nuôi dạy con riêng của chồng, chờ đợi ông đi sứ trở về. Người phụ nữ tài sắc ấy mất ở tuổi 43 khi trên đường theo chồng vào làm Tổng trấn Nghệ An.

'Hồng Hà nữ sĩ': Tôn vinh cuộc đời nhân vật lịch sử Đoàn Thị Điểm - Ảnh 2.

Anh Đào trong vai Đoàn Thị Điểm

Trong đó, khán giả sẽ được thấy mối tình giữa Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, hai con người tài hoa đến với nhau vì tài năng, nhưng cũng chỉ vì một câu thơ mà xa nhau. Tuy vậy, chính tình yêu sâu đậm giữa cả hai và hoàn cảnh khó khăn của người mình yêu đã trở thành nguồn cảm hứng để Đặng Trần Côn viết và Đoàn Thị Điểm dịch nên bản tình ca bất hủ Chinh phụ ngâm.

'Hồng Hà nữ sĩ': Tôn vinh cuộc đời nhân vật lịch sử Đoàn Thị Điểm - Ảnh 3.

Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn (Quốc Toàn)

Thông qua câu chuyện, bộ phim phản ánh một chế độ đang suy vong với những con người tài năng, đạo đức như Đặng Trần Côn, Nguyễn Kiều, Thượng thư Lê Anh Tuấn... khi đối diện với những tệ nạn trong xã hội. Sự bất lực của những con người tri thức giàu lòng yêu nước và thương dân nhưng phải đối mặt trước áp lực từ thế lực của Chúa và những tên quan tàn ác, khinh rẻ tri thức.

Lấy chuyện xưa để nói ngày nay, các cảnh trong phim với biểu hiện của sự tham nhũng, kém cỏi của quan chức, việc khinh rẻ kiến thức và tình trạng mua bán chức vụ hay các chi tiết về đức hy sinh, lòng hiếu thảo... là một hồi chuông cảnh tỉnh ở thời hiện đại, cực kỳ ý nghĩa trong bối cảnh đạo đức xã hội nhiều báo động.

'Hồng Hà nữ sĩ': Tôn vinh cuộc đời nhân vật lịch sử Đoàn Thị Điểm - Ảnh 4.

Đoàn Thị Điểm trở thành vợ sau của TS Nguyễn Kiều (Vĩnh Xương)

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết dự án này từ khi tác giả đặt bút viết kịch bản cho đến khi được chiếu ra mắt buổi đầu tiên mất đúng 4 năm. Điện ảnh miền Bắc một năm chỉ có khoảng 2-3 bộ phim điện ảnh được Cục điện ảnh (Bộ VHTTDL) đặt hàng và Hồng Hà nữ sĩ là một trong số đó.

Để thực hiện một bộ phim lịch sử về một nhân vật có thật sống cách đây gần 300 năm với kinh phí có hạn, từ phục trang và bối cảnh đều phải làm rất công phu khi đâu đâu cũng là cột điện cao thế là điều không hề dễ dàng.

'Hồng Hà nữ sĩ': Tôn vinh cuộc đời nhân vật lịch sử Đoàn Thị Điểm - Ảnh 5.

Bối cảnh và tạo hình của các nhân vật được làm chỉn chu dù kinh phí hạn hẹp

Tuy vậy, đoàn làm phim đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành bộ phim Hồng Hà nữ sĩ trọn vẹn.

Hồng Hà nữ sĩ dự kiến sẽ tham dự Liên hoan phim Việt Nam 2023 tại Đà Lạt vào tháng 11 tới và được công chiếu rộng rãi vào cuối năm nay.

Minh Châu. Ảnh: BTC

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›