Huế: Trả lại số tiền người dân đã đóng góp cho Lễ hội đâm trâu

Thứ Năm, 30/08/2018 19:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến công tác chấn chỉnh, xử lý những vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng cho biết, ngày 30/8, với sự giám sát của Thanh tra Sở và đơn vị chức năng, xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà) đã trả lại toàn bộ số tiền hơn 10 triệu đồng thu của các hộ dân đóng góp cho Lễ hội đâm trâu (dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay). 

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng, việc thu tiền của các hộ dân cho Lễ hội này là tự phát ở cơ sở, địa phương không xin chủ trương của cấp có thẩm quyền. Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND thị xã Hương Trà tiếp tục có những chấn chỉnh tiếp theo để sự việc tương tự không xảy ra trên địa bàn. 

Theo ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến, đâm trâu là lễ hội truyền thống, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Pa-Hy trên địa bàn. Trước đây, theo dự kiến, 5 năm sẽ tổ chức lễ hội một lần.

Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, địa phương dự kiến sẽ 10 năm sẽ tổ chức lễ hội một lần. Lần gần đây nhất địa phương tổ chức lễ hội đâm trâu vào tháng 11/2008. 

Năm nay, các già làng, trưởng bản tại địa phương này đã tổ chức họp và thống nhất tổ chức lễ hội vào ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11. Việc làm này do các già làng, trưởng bản đồng ý phương án, chính quyền xã (đại diện là các trưởng thôn) đứng ra vận động nhân dân đóng góp. 

Trước đó, Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 598/VHCS-NSVH gửi Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của báo chí về kế hoạch tổ chức lễ hội đâm trâu tại xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà), từ đó có biện pháp chấn chỉnh, kịp thời xử lý những vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. 

Lễ hội đâm trâu
Lễ hội đâm trâu. Ảnh: Internet

Công văn nêu rõ: Đề nghị Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng việc không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc, không cấp phép tổ chức lễ hội đâm trâu mà không phải là lễ hội truyền thống, vì mục đích trục lợi cá nhân. 

Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế rà soát hồ sơ về nguồn gốc, quy trình tổ chức lễ hội đâm trâu trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm Công điện số 240/CĐ-TTg của Thủ tướng với nội dung: "Nghiêm cấm việc thương mại hóa lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm; thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh, góp phần quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương tới nhân dân và bạn bè quốc tế". 

Cũng trong công văn này, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế có báo cáo gửi về Cục trước ngày 10/9 để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Bộ VHTTDL lên tiếng quanh thông tin về lễ hội đâm trâu ở Huế

Bộ VHTTDL lên tiếng quanh thông tin về lễ hội đâm trâu ở Huế

Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có Công văn số 598/VHCS-NSVH gửi Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về lễ hội đâm trâu tại xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà).

Quốc Việt/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›