(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch, các gia đình thường làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên.
Những món ăn được nấu trong dịp Tết Hàn thực để cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội. Đặc biệt, trong dịp này người đi xa quê sẽ đoàn tụ cùng gia đình, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình.
Tháng 3 Âm lịch, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa Hè. Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát. Món ăn này vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực.
Theo các chuyên gia văn hoá, việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.
Cách làm bánh trôi, bánh chay Tết Hàn thực không quá cầu kỳ, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tự thực hiện.
Hướng dẫn làm bánh trôi Tết Hàn thực
Chuẩn bị nguyên liệu: 500 gr bột gạo nếp, 50 gr bột gạo tẻ, 100 gr đường đỏ viên đã cắt sẵn, 1 bát vừng rang; ít dừa nạo, 1 thìa cà phê nước hoa bưởi.
Dùng phới lồng trộn đều bột nếp và bột tẻ, từ từ đổ nước vào bột, trộn đều để bột và nước hoà quyện hoàn toàn. Để hỗn hợp nghỉ trong khoảng 3 tiếng cho bột lắng, tách bột và nước thành 2 phần.
Đổ bớt nước và cho bột vào khăn xô, buộc túm lại và treo lên để róc hết nước. Sau khoảng 1 tiếng, bạn mở khăn kiểm tra, nếu bột mịn, không dính tay thì có thể bắt tay vào nặn bánh.
Chia bột thành những sợi dài, đường kính 1,5-2 cm, dùng dao cắt chúng theo chiều dài khoảng một đốt ngón tay. Vê tròn và ấn dẹt viên bột, rồi đặt một viên đường đỏ vào giữa. Bao bột lại sao cho bột bọc kín viên đường rồi vê tròn lại.
Đun sôi nước rồi vặn lửa nhỏ vừa, rồi nhẹ nhàng thả các viên bánh trôi đã nặn vào. Bánh đã chín sẽ nổi lên mặt nước. Lúc này, hãy vớt bánh ra và thả vào chậu nước đun sôi để nguội để bánh bớt dính. Sau đó, cho bánh ra đĩa và gạn bớt nước.
Dùng đầu ngón tay ướt chấm vào bát vừng rang và chấm lên mặt bánh để đĩa bánh trôi nước của bạn trở nên đẹp mắt hơn.
Hướng dẫn làm bánh trôi ngũ sắc Tết Hàn thực
Nguyên liệu:
- Bột gạo nếp: 400gr (làm nhiều màu thì mua khoảng 2-3 gói bột khô).
Nếu không có bột nếp khô có thể mua bột trắng ướt xay bán sẵn mang về tãi ra mâm rộng, hong cho khô, có nắng đem phơi nắng để bột khô rồi mới trộn được màu.
- Đường viên để làm nhân bánh mua ở các chợ.
- Hạt vừng đã tách vỏ và rang chín vàng (dùng vừng đen hoặc vàng đều được)
- Dừa nạo (không bắt buộc)
- Cơm gấc (ruột gấc): 100gr, thêm chút rượu trắng để gấc được đỏ hơn (trộn gấc với rượu trong 20-30 phút gấc sẽ đỏ màu và thơm hơn)
- Hoa đậu biếc khô
- Hạt dành dành một thìa cà phê, nếu không có hạt dành dành thì thay bằng 50gr bí đỏ
- 50gr lá cẩm tím, tuỳ theo mùa, nếu không có lá cẩm tím thì dùng bắp cải tím
- 8gr bột matcha trà xanh, nếu không có bột trà xanh thay bằng 50gr lá nếp hay lá dứa (màu lá dứa sẽ không đậm như trà xanh)
- 4gr bột ca cao để làm màu nâu
- 50gr củ dền để tạo màu hồng
(Ngoài các màu trên có thể làm màu đen từ bột tinh than tre, màu cam từ cà rốt, màu hồng từ thanh long ruột đỏ, bí đỏ... hoặc các màu bột củ quả bán sẵn)
Cách làm:
- Tạo bột màu đỏ từ gấc: Ruột gấc sau khi trộn với rượu trắng khoảng 30 phút màu sẽ đỏ tươi hơn. Đi bao tay vào bóp nhẹ nhàng cho nhuyễn, thêm vào vài thìa nước ấm, lọc gấc qua rây để thu được phần gấc mịn nhất.
Đổ 100gr hoặc 200gr bột khô ra bát to, từ từ đổ phần gấc đã lọc kĩ qua rây, trộn đều đến khi thành khối dẻo mịn không dính tay là được.
Không đổ hết phần thịt gấc vào bột một lúc vì như thế không kiểm soát được độ nhão, khô mà cứ từ từ múc từng thìa canh, làm nhiều thì tăng lượng bột khô và gấc lên. Bột nhào xong bọc lại bằng màng bọc thực phẩm để không bị khô.
- Tạo bột màu xanh từ bột trà xanh: Cho 8gr bột trà xanh vào bát thêm 50ml nước nóng hoà tan bột trà xanh, lọc qua một lần rây để bỏ bớt cặn trà xanh.
Đổ 100gr bột nếp ra bát, từ từ đổ nước trà xanh vào, vừa đổ vừa dùng thìa khuấy nếu đủ nước dừng lại, thiếu nước thì thêm chút nước ấm khoảng 40 độ vào nhào đến khi bột dẻo mịn không bị dính tay là được (sau đó bọc màng thực phẩm tránh bột bị khô).
- Tạo bột màu nâu từ ca cao: Cho 100gr bột nếp ra bát, thêm 10-15gr bột ca cao, trộn đều,từ từ đổ nước ấm vào nhào đến khi bột dẻo mịn không dính tay là được (bọc lại bằng màng bọc thực phẩm).
- Tạo màu hồng từ củ dền: Củ dền gọt vỏ, rửa sạch thái miếng nhỏ thêm chút nước cho vào máy xay nhuyễn, lọc qua rây lấy phần nước cốt.
Nếu muốn đậm thì để nguyên màu, còn muốn nhạt hơn thì hoà thêm nước. Nước củ dền khi đun sôi và chưa đun cho hai màu khác nhau, màu chưa đun thì tươi hơn.
Cho 100gr bột nếp vào bát, đổ từ từ nước củ dền vào, nhào bột đến khi mịn dẻo rồi bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, cách làm và lượng bột giống như các màu khác.
- Tạo màu xanh từ hoa đậu biếc: Cho 5 bông hoa đậu biếc cho vào bát, đổ chút nước sôi già ngâm vài phút lấy phần nước cốt hoa đậu biếc, lọc qua rây đổ vào phần bột nhào như những màu khác.
- Tạo màu tím từ lá cẩm: Lá cẩm rửa sạch, cho nước và lá cẩm vào nồi đun khoảng 15 phút cho ra màu thì tắt bếp, chắt phần nước màu bỏ phần lá, lọc qua rây.
Nếu không có lá cẩm tím thì thay thế bằng lá bắp cải tím xay nhuyễn, lọc qua rây để lấy nước cốt nhưng do mùi hơi hăng nên khắc phục bằng cho thêm vani.
Màu tím đậm nhạt có thể tự điều chỉnh bằng cách để nguyên bản hoặc thêm nước ấm hoà loãng.
Lưu ý nhào bột bằng nước ấm, bột sẽ luôn dẻo mịn để đựoc lâu, tránh nhào bằng nước lạnh và nước quá nóng làm bột chín khi nặn sẽ bị dính tay.
Chuẩn bị một nồi nước và một âu nước lạnh. Đun sôi nồi nước. Muôi thủng...
Làm lần lượt từng màu, làm bánh màu trắng trước, các màu đậm để sau cùng vì dễ phai ra các màu khác. Trong quá trình luộc bánh nếu nước luộc phai màu nhiều thì nên thay nồi nước luộc khác.
Cho lượng bột nhỏ ra tay, vê tròn rồi ấn dẹt miếng bột, đặt viên đường vào giữa nhẹ nhàng gấp các mép bao viên đường lại rồi vê tròn thả vào nồi nước đang sôi, lần lượt làm đến hết bột.
Sau khi bánh chín nổi lên trên thì dùng muôi thủng vớt ra âu nước lạnh đã chuẩn bị sẵn (lưu ý vì làm bột khô bánh lâu chín hơn bột tươi nên để thời gian luộc lâu hơn so với bột tươi rồi hãy vớt ra, vì nhiều khi bên ngoài bánh chín nhưng bên trong vẫn cứng).
Sau khi luộc bánh xong thì xếp lẫn lộn các màu ra đĩa, nhẹ nhàng chấm ngón trỏ vào nước rồi lại chấm vào vừng rang chín, tiếp tục chấm nhẹ vào bánh là bánh sẽ đều vừng, vừng bám chặt bánh làm cho bánh đẹp hơn là rắc. Nếu thích ăn thêm dừa nạo rắc lên trên.
- Gợi ý mâm lễ cúng Tết Hàn thực 2022 đầy đủ
- Bài cúng Tết Hàn thực: Văn khấn Tết Hàn thực 2022
- Tết Hàn thực 2022: Nguồn gốc, ý nghĩa, văn khấn và những điều cần lưu ý
Hướng dẫn làm bánh chay Tết Hàn thực
Chuẩn bị nguyên liệu: 200 gr bột nếp, 200 gr đậu xanh không vỏ, 100 gr bột năng hoặc bột sắn dây, 200 gr đường, ít tinh dầu hoa bưởi hoặc dầu chuối, vừng trắng rang chín.
Làm vỏ bánh: Cho bột nếp vào tô to, sau đó thêm từng ít nước ấm vào trộn đều. Khi thấy bột vừa đủ độ ẩm thì dừng lại, nhồi cho tới khi bột thành một khối mịn dẻo.
Làm nhân bánh: Đậu xanh vo sạch, ngâm nước 2 - 4 tiếng cho hạt đậu nở mềm, sau đó đổ ra rửa lại cho sạch. Cho đậu vào xửng và hấp tới khi chín mềm thì tắt bếp. Đổ đậu ra chảo và thêm đường, bật bếp xào cho nhân đậu tan đều với đường, dẻo mịn và khô ráo có thể vo viên được là tắt bếp. Cho thêm chút dầu hoa bưởi và đảo đều rồi để cho nhân đậu nguội bớt. Chia đều nhân đậu thành những viên đều nhau, sau đó vo viên lại cho tròn, bọc kín lại để nhân không bị khô.
Tạo hình bánh chay: Ngắt một miếng bột vừa phải rồi vo tròn. Sau đó ấn dẹt miếng bột, cho nhân vào giữa và vo lại cho kín, sau đó bạn lăn cho bánh tròn đều. Tiếp theo, bạn ấn dẹt chiếc bánh và tạo một hõm giữa sao cho giống chiếc bánh chay là được.
Nấu bánh: Đổ nước vào nồi đun sôi, sau đó thả bánh vào luộc. Khi thấy bánh chín nổi lên thì luộc thêm 1-2 phút nữa rồi tắt bếp, vớt bánh ra thả vào tô nước lạnh 3 phút cho nguội.
Nấu nước chè: Tận dụng nồi nước luộc bánh chay để nấu chè, thêm đường cho đủ ngọt, nấu cho sôi lên. Cho bột năng hoặc bột sắn dây vào bát và thêm nước khuấy đều cho tan, tiếp theo bạn chế từ từ vào nồi chè, vừa chế vừa khuấy để chè không bị vón cục. Khi thấy nồi chè có độ sánh đặc thì là tắt bếp, cho thêm chút tinh dầu hoa bưởi hoặc dầu chuối cho thơm.
Thành phẩm: Vớt bánh chay bày ra bát, sau đó bạn múc phần chè vừa nấu vào cùng, rắc thêm vừng trắng rang chín lên trên là hoàn thành.
Tham khảo bài văn khấn Tết Hàn thực trong Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa thông tin
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là... Ngụ tại...
Hôm nay là ngày 3 tháng 3, gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ... (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Anh Tuấn (tổng hợp)
Tags