LTS: Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973-27/01/2023), nhà thơ, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc, cựu chiến binh Nguyễn Thụy Kha đã có bài viết đầy cảm xúc về những giai điệu hát mừng hòa bình.
1. Phải đổ biết bao xương máu, hòa bình mới trở lại Việt Nam ở cả hai miền bằng Hiệp định Paris. Đấy là ngày hòa bình trở lại sau bao năm khốc liệt. Dù mong manh thì niềm vui đón mừng hòa bình cũng đã được hát lên ở cả hai miền.
Ở miền Bắc, ngay sau Hiệp định Paris được ký kết, vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam giọng nam cao đặc biệt của ca sĩ Doãn Tần qua nhạc phẩm Đường chúng ta đi của nhạc sĩ Huy Du với lời thơ của nhà thơ Xuân Sách.
Thực ra nhạc phẩm này đã được viết từ năm 1968 trong không khí Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Nó nằm trong tổ khúc hợp xướng của các nhạc sĩ quân đội viết cho sự kiện này. Nhưng do lỡ hẹn vì thực tế chiến trường khốc liệt. Mãi tới khi Hiệp định Paris được ký kết nó mới được tung lên làn sóng điện. Chỉ có khác là thay cho giọng nữ của ca sĩ Kim Oanh là giọng của ca sĩ đàn em Doãn Tần. Khi ấy, đơn vị tôi đang ở Trường Sơn. Giai điệu nhạc phẩm đã chan chứa, bừng sáng trong tâm hồn mọi người lính và cả thiên nhiên Trường Sơn sau bao năm bị tàn phá bằng bom đạn và chất độc da cam của Mỹ.
Có một nhạc phẩm mới được ra đời dành cho sự kiện này và cũng được lan truyền trên làn sóng điện không kém gì Đường chúng ta đi. Đó là nhạc phẩm Lá cờ chiến thắng của nhạc sĩ Phan Thanh Nam. Nhạc phẩm được viết bằng chủ đề một tác phẩm mà chính ông đã viết ngay sau ngày Hiệp định Geneve được kí kết - Lá cờ tháng Tám. Từ giai điệu mở đầu: "Tung bay là tung bay cờ đỏ sao vàng", nhạc sĩ Phan Thanh Nam đã mở đầu Trên đường vui hôm nay bằng giai điệu: "Tung bay là tung bay, cờ chiến thắng đã tung bay/ Trên khắp Việt Nam ta hôm nay, rực ánh sao vàng…" Ông tiếp tục phát triển: "Ngọn cờ của ta chói vinh quang/ Từ mũi Cà Mau đến núi Ngọc/ Sao bay sao bay đẹp trời tổ quốc/ Một dãy Trường Sơn rất hiên ngang/ Một dáng Việt Nam đẹp vô vàn/ Suốt bốn ngàn năm lịch sử huy hoàng…". Đến cuối nhạc phẩm, ông đã mường tượng ra ngày thống nhất: "Sài Gòn ơi, Thành Huế ơi!/ Cùng nhau hòa bài ca, xây tương lai".
Chính tôi bằng cái giọng chẳng hay lắm của mình nhưng vì niềm vui đã gắng nghe và thuộc nhạc phẩm này để ôm đàn hát cho đồng đội dọc Trường Sơn trong bất kỳ cuộc vui nào.
Ca khúc "Đường chúng ta đi" do Nghệ sĩ Doãn Tần thể hiện
2. Nhưng lúc ấy, tôi làm sao biết được, ở miền Nam có giai điệu nào hát mừng sự kiện hoà bình này. Mãi sau ngày thống nhất đất nước, tôi mới dần dà tìm hiểu ra vào thời khắc ấy, đồng bào ở miền Nam đã hát mừng ngày hoà bình trở lại bằng những giai điệu nào? Các bạn bè ở miền Nam thời kỳ ấy, sau trở thành thân thiết tôi mới biết sự kiện này, Phạm Duy đã viết 10 bài và ông gọi là Bình ca sau những Tâm ca, Đạo ca. Bài Bình ca 1 được viết chắc là rất nhanh với điệu thứ đô trưởng, điệp khúc: "Cũng vì hòa bình đã về đây".
Nhưng 10 bài Bình ca của Phạm Duy ít lan tỏa với miền Bắc so với Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn. Nối vòng tay lớn được viết ra như trào dâng cuồn cuộn một ước mơ hòa bình đã dần nén trong tâm hồn nhạc sĩ từ lâu lắm. Nhạc phẩm được mở thoáng đãng và thanh thoát "Rừng núi dang tay nối lại biển xa - Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà".
Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn ngay lập tức đã ngấm vào người miền Nam, nhất là thanh niên. Nhạc phẩm có sức mạnh của một bài ca cộng đồng nên sau ngày thống nhất, nhất là từ thời kỳ Đổi mới, nó đã thành bản đồng ca của sinh viên, học sinh những ngày dã ngoại, những đêm lửa trại.
Tôi nghe Nối vòng tay lớn lần đầu tiên vào dịp Tết Ất Mão 1975 khi cùng đội văn nghệ đơn vị vào giao lưu với các tù binh trên vùng núi Quảng Nam. Họ là những sinh viên, học sinh sinh bị địch tổng động viên vào lính. Họ bị bắt trong trận Thượng Đức nửa cuối 1974. Nghe họ hát và sau đó giao lưu, trò chuyện, mới biết khát vọng hòa bình ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng đều lớn lao như nhau. Sau cuộc giao lưu ấy, chúng tôi mang âm hưởng hòa bình này qua trận "điểm huyệt" Buôn Ma Thuột tháng 3/1975 và đến giữa trưa 30/4/1975 được nghe chính tác giả hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn với mong ước cả đất nước cùng vun đắp cho hòa bình từ đây.
Vài năm sau, khi tìm hiểu sáng tác Trịnh Công Sơn, tôi mới biết sau hòa đàm Paris ký kết, Trịnh Công Sơn viết rất nhiều ca khúc khi hòa bình trở lại. Đấy là những Đồng dao hòa bình, Cánh đồng hòa bình, Đôi mắt nào mở ra, Ta thấy gì đêm nay, Dựng lại nhà, dựng lại người, Hãy đi cùng nhau, Chờ nhìn quê hương sáng chói…
Khát vọng hòa bình là khát vọng nhân bản của từng con người. Nó không thuộc về bên nào cả. Nó ở trên hận thù. Nhưng đó là lý thuyết, trong thực tế, ngay ở Việt Nam thôi, đã có một thời dài, chúng ra cho rằng khát vọng hòa bình là của bên thắng. Điều ấy, mới đúng một nửa. Đúng ở chỗ nếu chúng ta không có khát vọng hòa bình thì chúng ta không đủ sức mạnh để chiến thắng được. Đấy chính là chiến thắng của hòa bình. Nhưng không lẽ nhiều người bên thua lại không có khát vọng hòa bình. Bởi thế, muốn nhìn thấy toàn cảnh khát vọng hòa bình thì phải mở lòng ra...
Ca khúc "Nối vòng tay lớn" do ca sĩ Khánh Ly thể hiện
Nhân viết bài này, tôi muốn kể câu chuyện thật tình về việc ứng xử riêng với những nhạc phẩm của tác giả Nối vòng tay lớn. Đầu năm 2013 (tức là sau 12 năm sau ngày Trịnh Công Sơn rời cõi tạm), tôi cùng nhạc sĩ Vĩnh Cát và Đỗ Hồng Quân được Cục Nghệ thuật biểu diễn mời vào Hội đồng thẩm định của Cục để thẩm định cấp phép 13 nhạc phẩm Trịnh Công Sơn viết phản chiến và mừng hòa bình. Cũng phải bàn đi, tính lại, tranh luận cùng nhau nhiều giờ đồng hồ. Chẳng hạn, ở nhạc phẩm Chờ nhìn quê hương sáng chói có câu: "Anh lính ngồi chờ - Trên đồi hoang vu…", có vị nói rằng: "Lính này là lính nào, không cấp phép được đâu". Tôi nhỏ nhẹ trả lời: "Lính của cả hai bên, trong đó có tôi đều chờ nhìn quê hương sáng chói". Tôi nói thêm: "Phải nhớ rằng Trịnh Công Sơn không đứng về bên nào, phe nào cả. Ông đứng về phía nhân dân". Vậy là mọi người tán thành. Bài Người mẹ Ô Lý có câu: "Chân mẹ già sao run quá/ Qua xương trắng với máu hồng". Có người bảo: "Ca từ này ghê quá, không nên phổ biến". Tôi cũng điềm tĩnh nói: "Bài này là anh Sơn viết về những người mẹ phải rời mặt trận Quảng Trị ác liệt vào Huế sơ tán. Trên thực tế, còn ghê sợ hơn cả ca từ này. Anh Sơn hay dùng các thủ pháp như ấn tượng, siêu thực, tượng trưng trong ca từ của mình. Có gì đâu mà ghê". Cuối cùng, Người mẹ Ô Lý cũng đã được thẩm định. Tranh luận hết cỡ, cuối cùng trong 13 bài được đề nghị thẩm định, có 8 bài được cấp phép.
Rồi Hà Nội đã đặt tên phố Trịnh Công Sơn. Đặt tên tức là tôn vinh giá trị của người đó, cũng như chấp nhận những cống hiến của người đó cho đất nước.
3. Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ trong bài viết này là về một nhạc phẩm khác của Trịnh Công Sơn cũng viết về sự kiện này "Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui/ Mẹ hãy ra xem đường phố ngập người/ Đêm nay hòa bình mắt mẹ buồn như kinh...".
Tài năng Trịnh Công Sơn đã cho ông nhìn thấy những điều chưa trọn vẹn dù hòa bình mới được lập lại. Quả nhiên điều đó đã xảy ra, chỉ ít thời gian sau khi chính thể Việt Nam Cộng hòa "bằng mặt mà không bằng lòng". Những cuộc lấn chiếm vùng giải phóng bắt đầu diễn ra. Một thời kỳ chống lấn chiếm đã mở ra...
Mục đích cuối cùng của ta là đi tới thống nhất đất nước sau khi Mỹ rút quân về nước. Mùa Hè 1974, ta nhổ chốt Đăk-pék trên địa đầu đường 14 Tây Nguyên nối từ Kon Tum đến Buôn Ma Thuột. Sau đó là Thượng Đức, rồi Bình Long và đến Buôn Ma Thuột. Rồi Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ý nguyện hòa bình thống nhất từ Hiệp định Paris đã thành hiện thực sau hai năm được ký kết.