Bản thảo tranh truyện Thư viện kỳ bí của tác giả nhí Lê Sinh Hùng (14 tuổi) đến từ Đà Lạt kể về một thư viện đặc biệt. Ở nơi đó, có những nhân vật thức dậy, bước ra khỏi trang sách khi đêm xuống để vui chơi với nhau, rồi lại trở về cuốn sách của mình khi bình minh lên.
Bên cạnh phần truyện, Lê Sinh Hùng cũng tự vẽ minh họa và tô màu cho tác phẩm của mình. Phần tranh vẽ phục vụ rất đắc lực cho phần chữ. Với sự trọn vẹn nội tại, bản thảo Thư viện kỳ bí cũng đã được chuyển thể kịch bản và dàn dựng thành vở diễn trên sân khấu nhà trường. Đây cũng là tác phẩm duy nhất do thiếu nhi sáng tác lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 1/6 tại Hà Nội.
Bài học từ hành trình để nhân vật thức tỉnh
Thư viện kỳ bí mở đầu ấn tượng: Một người đàn ông trong đêm tình cờ đi ngang qua một thư viện cổ kính nằm nép mình dưới những tán thông ở Đà Lạt. Ông nhìn thấy "những chiếc bóng nhỏ xíu bay qua bay lại trong ánh sáng mờ mờ" nên hoảng sợ tưởng là bóng ma. Thực ra, đó chỉ là những nhân vật trong các cuốn sách "sống dậy" vào ban đêm, mỗi khi vắng người.
Hoặc, một chi tiết khác, thư viện được "quản lý" bởi một chú chó cần mẫn tên Lu. Sau này có thêm chú mèo hoang tên Luna ghé qua và ở lại cùng Lu chăm sóc thư viện. Đây cũng là một chi tiết đặc biệt mà Lê Sinh Hùng bật mí: "Ý tưởng của truyện nảy ra khi có một con mèo hoang đi lạc vào nhà con. Con đã nuôi nó với một chú chó nữa, tên 2 đứa là Lu và Luna. Khoảng năm sau, mèo Luna đi mất. Vài tháng sau đó, Lu cũng mất theo. Và con đặt quyết tâm phải hoàn thành câu chuyện này để nhớ tới 2 người bạn của mình".
Đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, Thư viện kỳ bí của Hùng có câu chuyện chính về một kẻ xấu chuyên phá hoại cây xanh từ cuốn sách The Lorax của Dr Seuss và lạc sang cuốn sách Lịch sử thành phố Đà Lạt. Đó là Once-ler, kẻ đã phá tan hoang cả khu rừng trong The Lorax để lấy nguyên liệu sản xuất khăn choàng bất chấp sự ngăn cản của thần rừng Lorax. Khi "lạc" sang cuốn sách Lịch sử thành phố Đà Lạt, hắn không chịu ra khỏi cuốn sách và bắt đầu chặt phá cây nơi đây. Thế rồi, các nhân vật từ các cuốn sách khác phải hợp sức làm thức tỉnh Once-ler.
"Buổi tối con thường đọc sách với mẹ, nên đã đưa vào truyện một số cuốn sách mà con thích như The Lorax của Dr Seuss, Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài…" - Hùng cho biết - "Đây cũng là những cuốn sách có những nhân vật phù hợp với nội dung của truyện khi mẹ gợi ý cho con nên có thêm thông điệp về bảo vệ môi trường".
Đọc Thư viện kỳ bí dễ thấy những câu chuyện xung quanh nhân vật Once-ler được xây dựng với những chi tiết có sức nặng, để lần lượt các thông điệp nảy ra tự nhiên từng những câu chữ hồn nhiên, trong sáng. Đó là hành trình qua những trang sách mở ra những thế giới mới đầy màu sắc của Lu và Luna để tìm cách thức tỉnh Once-ler. Đó là lời khuyên của Dế Mèn từ sách Dế Mèn phiêu lưu ký về bài học đường đời từ những chuyến đi sẽ giúp Once-ler sửa đổi bản thân.
Hoặc, đó còn là hành trình tự thức tỉnh của Once-ler ở mỗi cuốn sách mà hắn đi qua khi chứng kiến băng tan ở Bắc Cực, cháy rừng ở Amazon, săn bắn động vật hoang dã ở Nam Phi. Để rồi cuối hành trình, khi chứng kiến Người Trồng Rừng - nhân vật từ cuốn sách của Jean Giono - đang miệt mài trồng lại những cây thông đã mất ở Đà Lạt, Once-ler đã nhận ra bài học "giá trị thực sự của cây cối không phải để tạo ra hàng hóa mà là để duy trì sự cân bằng và vẻ đẹp của thiên nhiên". Và khi trở lại cuốn sách của mình, Once-ler đã trở thành một người bảo vệ và phục hồi môi trường.
Kể vậy để thấy hành trình thức tỉnh của Once-ler là một điểm nhấn trong Thư viện kỳ bí. Như lời Hùng bộc bạch: "Nếu để một nhân vật nào đó bị đánh bại hay tiêu diệt sẽ không có tính nhân văn. Con thấy không nên làm vậy trong câu chuyện của mình. Ngược lại, nếu mình thức tỉnh được một nhân vật, không chỉ mình giúp được nhân vật mà mình còn giúp được mọi người xung quanh với những bài học ý nghĩa".
"Nếu để một nhân vật nào đó bị đánh bại hay tiêu diệt sẽ không có tính nhân văn. Con thấy không nên làm vậy trong câu chuyện của mình" - tác giả nhí Lê Sinh Hùng.
"Quả ngọt" từ tình yêu sách
Đây không phải là lần đầu tiên tác giả nhí Lê Sinh Hùng đến với Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn. Năm 2022, Hùng cũng đã từng đứng trên sân khấu của Dế Mèn cùng với mẹ và các bạn của mình khi lọt vào Top 8 vòng chung kết - chấm điểm với Bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ (NXB Phụ nữ Việt Nam). Bộ sách là tập hợp 7 truyện tranh song ngữ Việt - Anh của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm viết lời, được vẽ minh họa và chuyển ngữ bởi các bạn nhỏ từ 9 - 12 tuổi của Ô cửa sách - một dự án phát triển văn hóa đọc, khơi dậy niềm ham mê đọc sách ở trẻ em chị sáng lập và vận hành từ năm 2018).
Với bộ sách lọt Top 8 Dế Mèn năm đó, Hùng đóng vai trò vẽ minh họa và chuyển ngữ cho một số tập truyện của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm, cũng chính là mẹ mình.
Tác giả Thanh Tâm nhớ lại: "Hùng chỉ thực sự sáng tác truyện cách đây khoảng 2 năm, từ động lực đầu tiên khi con và các bạn thực hiện Bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ. Lần đó, ra Hà Nội dự lễ trao giải Dế Mèn 2022, tôi có dẫn con cùng các bạn đến NXB Phụ nữ Việt Nam và được giám đốc NXB tặng rất nhiều sách. Tôi nghĩ, đó là giây phút đầu tiên con nghĩ đến việc sau này có thể có một cuốn sách do chính mình viết ra. Từ đó, con chập chững đưa ra những ý tưởng và bắt đầu sáng tác những tập truyện đầu tiên".
Riêng với Thư viện kỳ bí, tác giả Thanh Tâm bày tỏ nhiều sự xúc động. Chị nói: "Những tình yêu thương tôi vun vén bấy lâu cho con đã thành hình. Trong nhà tôi, lúc nào cũng có chó, có mèo và có sách. Tôi thấy rất rõ tình yêu chó, tình yêu mèo, tình yêu sách đã thấm vào trong con đủ nhiều, đủ sâu sắc để giúp con có thể viết ra một câu chuyện như vậy".
"Tôi đã đọc sách cùng con từ lúc Hùng còn nhỏ xíu. Sau đó, có một khoảng thời gian, tôi rất bận rộn với công việc nên ngưng lại" - chị kể tiếp - "Và, khi tôi nhận ra mình đã bỏ lỡ quá nhiều những ngày hạnh phúc bên con, cũng là lúc tôi ngừng công việc của mình lại để quay trở lại với việc đọc sách cùng con. Cho tới bây giờ, Hùng đã 14 tuổi, nhưng tôi vẫn duy trì thói quen ấy. Mặc dù có thể tốc độ đọc của con còn nhanh hơn tôi, nhưng tôi và con vẫn thích đọc to cuốn sách lên cùng với nhau".
Cũng bởi thói quen đọc sách và chứng kiến sự trưởng thành của con như thế mà mẹ của Hùng luôn tin rằng: "Nếu chúng ta chịu khó vun bồi tình yêu sách cho con từ bé thì đến một lúc nào đó, mọi thứ giống như một cái cây đã trồng đủ lâu sẽ tự cho hoa và cho quả".
Đặc biệt hơn, thế mẹ Tâm và Hùng còn có những người bạn đặc biệt khác ở dự án Ô cửa sách - nơi mà mọi sự sáng tạo của thiếu nhi luôn được tôn trọng tối đa. Đó cũng là cách mà chị nuôi dưỡng và khích lệ cho Hùng và các em thiếu nhi khác khả năng sáng tạo ngay từ khi còn nhỏ. Cụ thể, cứ mỗi cuối tuần vào Chủ nhật ở Ô cửa sách, Hùng và các bạn được hướng dẫn về sáng tác, minh họa, được đưa đi chơi, đi khám phá nhiều nơi để có cảm hứng, có ý tưởng phục vụ cho việc viết, vẽ.
Đáng nói, theo lời chị Tâm, những hướng dẫn như vậy không phải để các em thiếu nhi trở thành những nhà văn, mà trước hết, để các con có thể tự do trong suy nghĩ của mình, để các con có thể viết nên những câu chuyện của riêng mình.
"Hùng có những chia sẻ rất thực tế rằng, khi nào con đã đảm bảo công việc học tập, con sẽ dành thời gian cho việc sáng tác. Con nghĩ rằng con sẽ không trở thành một nhà văn" - chị Tâm kể - "Nhưng tình yêu văn chương sẽ luôn luôn tồn tại trong con như một sự bổ khuyết cho cuộc đời, để con có thể tiếp tục nuôi dưỡng thói quen đọc sách, sáng tác, viết truyện vào thời điểm hoàn thành những công việc đảm bảo cho cuộc sống của mình.
Top 10 chung khảo Giải Dế Mèn 2024
(Xếp theo thứ tự a, b, c của tên tác phẩm)
1. Chùm sách thiếu nhi trong bộ "Vun đắp tâm hồn" (của nhà văn May, NXB Kim Đồng)
2. Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn)
3. Cuộc phiêu lưu của Dế Út (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng)
4. Dưới khung trời ngát xanh (bản thảo truyện dài của Lữ Mai)
5. Kho báu trong thành phố (truyện dài của Nguyễn Khắc Cường, NXB Trẻ)
6. Mật hiệu OGO (truyện dài, 6 tập của Kiều Bích Hương, NXB Kim Đồng)
7. Thư viện kỳ bí (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi)
8. Trạng Quỳnh thời nhí nhố (series phim hoạt hình 3D do Alpha Animation Studio kết hợp cùng SConnect Việt Nam sản xuất)
9. Tự truyện một con heo (truyện dài của Lý Lan, NXB Trẻ)
10. Vương quốc nhỏ bí mật (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks)
Tags