Tập thơ thiếu nhi đầu tay Vương quốc nhỏ bí mật (NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks) của Hà mã đi bộ (bút danh của Lã Thanh Hà, sinh năm 1993) đã mở ra một thế giới trẻ thơ đầy màu nhiệm với những rung động nhẹ nhàng, giản dị mà tinh tế, sâu sắc. Làm thơ và viết truyện cho trẻ em vừa là sở thích, vừa là một cách để Hà hiểu và kết nối nhiều hơn với thế giới tâm hồn của các em nhỏ - những người đã và đang là mối quan tâm rất lớn của Hà trong công việc cũng như đời sống.
Đây cũng là tập thơ duy nhất lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024. Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với tác giả Lã Thanh Hà.
Viết từ những rung động hàng ngày
* Tập thơ này được ra đời như thế nào, Hà nhỉ?
- Tập thơ này được sáng tác trong một khoảng thời gian khá dài, vì tôi không làm thơ với mục đích hướng đến một tập thơ ngay từ đầu.
Tập thơ bao gồm những bài thơ tôi sáng tác từ những rung động hàng ngày trong suốt 2 năm. Khi thấy cũng nhiều nhiều, đủ cho 1 tập thơ rồi,tôi mới tập hợp và sắp xếp lại thành tập thơ này. Việc chia phần trong tập thơ cũng là sau cùng.
Tôi cũng cảm thấy rất may mắn vì Crabit Kidbooks tìm được họa sĩ Như Quỳnh minh họa cho tập thơ. Khi mô tả mong muốn về tranh cho họa sĩ, tôi cũng không mô tả quá nhiều, chỉ có một số từ khóa như là trong, tối giản, tươi sáng, nhưng Quỳnh đã làm chính xác, thậm chí là còn hơn những gì tôi có thể hình dung. Nếu nhìn vào các chi tiết nhỏ trong tranh của Quỳnh sẽ thấy bạn thực sự rất hiểu thơ. Vương quốc nhỏ bí mật sẽ không thể trọn vẹn nếu không có tranh minh họa của Quỳnh.
* Hà có nhắc đến việc chia phần trong tập thơ này. Có cảm giác 4 chủ đề lần lượt trong tập thơ như một hành trình để khám phá thế giới diệu kỳ của trẻ thơ và cuối hành trình sẽ dẫn đến "Vương quốc nhỏ bí mật"- cũng là bài thơ cuối cùng của tập thơ. Hà có nghĩ vậy không?
- Tập thơ được chia làm 4 phần. Phần 1 là "Ôi chà rất xanh". Có lẽ, tôi muốn bắt đầu với thiên nhiên, với những vần thơ xanh tươi khi nói về tuổi thơ.
Thứ nhất, vì tôi luôn thấy trẻ rất hạnh phúc khi được ở trong thiên nhiên, kiểu hạnh phúc ngọt lành và yên bình chứ không phải là trạng thái kích thích. Khi nhìn những đứa trẻ được chơi đùa trong thiên nhiên tôi luôn cảm thấy đó là một ân sủng. Thứ hai, vì tôi cũng có một tuổi thơ như thế, tôi viết từ những cảm giác còn đọng lại trong tâm trí và cơ thể của mình. Tôi cũng có nhiều thời gian ở thành phố, nhìn thấy những khoảng xanh thu hẹp dần lại và thời gian trong thiên nhiên của trẻ ngày càng ít đi, nên tôi mong biết đâu khi đọc những bài thơ ở phần này, ba mẹ và các bạn nhỏ đâu đó nuôi dưỡng được "màu xanh" bên trong mình.
Sang đến phần thứ 2 là "Ơ kìa rất vui". Phần này tôi viết về những khoảnh khắc mà ở đó những điều nhỏ bé, giản dị và bình thường cũng có thể trở thành những trò chơi hoặc những tưởng tượng thú vị trong mắt trẻ thơ. Nếu có cơ hội được gần trẻ, chơi với trẻ, mình sẽ thấy được "lây" cái cảm giác nhìn mọi vật bằng "đôi mắt mới" như vậy, rất tươi mới và lấp lánh.
* Còn những phần còn lại thì sao?
- Xanh rồi, vui rồi, tôi viết về "thương". Vì tình thương chắc chắn là một dưỡng chất không thể thiếu không chỉ với tuổi thơ mà còn với cả người lớn nữa. "Ơi à rất thương" gồm những bài thơ để mình thấy thương trẻ, thấy được thương bởi trẻ nữa, thương những cái dễ thương và cả những cái hơi khó thương một chút. Ở phần này tôi muốn viết những lời vỗ về và xoa dịu nhất.
Và cuối cùng là một chút cổ tích ở phần "Êm êm ngày xửa". Vì tôi nghĩ mộng tưởng, hoặc cổ tích là những thứ không thể thiếu được với trẻ thơ. Tôi dành những bài thơ có màu sắc cổ tích nhất, những gì màu nhiệm nhất ở phần này. "Vương quốc nhỏ bí mật" ở phần này, dĩ nhiên rồi, vì với tôi thế giới của chúng ta khi còn nhỏ cũng có rất nhiều điều màu nhiệm, và là "ngày xưa êm êm" của rất nhiều người lớn.
Mang vào thơ cảm giác… "con trẻ"
* Hẳn nhiều độc giả sẽ tò mò về một tác giả trẻ với tập thơ đầu tay lại viết thơ cho thiếu nhi. Hà có thể cho biết khi sáng tác thơ, Hà thường lấy cảm hứng từ đâu?
- Tôi thường lấy cảm hứng từ các bạn nhỏ và từ thiên nhiên. Phần nhiều bài thơ đến trong lúc tôi đi dạo một mình, một số bài thơ đến từ những câu chuyện thật của các em bé mà tôi được nghe hoặc được quan sát.
Khi ở cạnh trẻ con, tôi luôn cảm thấy mình đang được nhận lấy một thứ cảm giác "con trẻ", rất khó gọi tên cụ thể, nhưng tôi sẽ cố giữ lấy cái cảm giác đó để mang vào trong thơ.
* Còn về thời gian, Hà mất bao lâu cho một bài thơ được ra đời?
- Để ra đời một bài thơ cũng không cố định, bài nhanh chỉ khoảng 15 phút, có bài thì 1 - 2 tuần, từ lúc có tứ thơ đến lúc hoàn thiện.
* Được biết Hà tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu về trẻ em và gia đình, đang là thành viên của nhóm điều phối dự án Trường học Hạnh phúc ở Hà Nội. Liệu Hà có cho rằng đây là cơ hội, lợi thế của mình khi sáng tác thơ vì có sự thấu hiểu, gần gũi nhất định với các em?
-Tôi không cho rằng chuyên ngành của mình là lợi thế hoặc bất lợi, vì sự hiểu thật ra có thể ở rất nhiều khía cạnh, chứ không chỉ ở trong học thuật. Tôi chỉ có thể khẳng định, việc tôi học hoặc làm thơ cho trẻ em đều đến từ mối quan tâm không đổi của tôi về trẻ, từ hứng thú quan sát, phân tích tuổi thơ và mong muốn hiểu về tuổi thơ một cách sâu sắc.
Thơ hoặc công việc, hoặc ngành học có bổ trợ cho nhau và chắc chắn là đều tác động đến "lăng kính" của tôi, nhưng cũng giống như việc tôi ăn gì, xem gì, nghe gì và làm gì hàng ngày thôi. Bình thường như vậy và quan trọng như vậy.
"Chắc chắn ai cũng có một vương quốc nhỏ bí mật của riêng mình rồi.Tôi thì luôn cảm thấy hạnh phúc khi được một em bé hé lộ chút ít về "vương quốc" đó của em" - Lã Thanh Hà.
Tiếp tục viết với tâm thế "một người bạn" của trẻ thơ
* Vậy từ trải nghiệm của cá nhân cả khi tiếp xúc với trẻ thơ và khi sáng tác thơ thiếu nhi, theo Hà làm thơ cho các em có khó không?
- Tôi cũng không biết làm thơ cho trẻ em có khó hay không, vì tôi làm nó một cách tự nhiên thôi. Ví dụ bảo tôi viết thơ kiểu khác, tôi sẽ thấy khó hơn. Nên chắc là tùy từng người. Điều quan trọng với tôi là tâm thế của một người bạn, muốn chia sẻ những điều đẹp đẽ, hay ho, những thứ lấp lánh với các em nhỏ.
Tôi thấy, cái khó nhất với cá nhân tôi là giữ cho mình không "lên lớp" giảng giải, dạy dỗ. Vì mình là người lớn mà, trước con trẻ mình dễ có xu hướng trở nên như vậy. Tôi chỉ mong là khi đọc một bài thơ, các bé sẽ cảm giác giống như có một người bạn đang chỉ cho các bé thấy: "Ô, cái này đẹp chưa này, hay chưa này", hoặc đôi khi chỉ đơn giản là "Ô, nhìn này, nghe này". Chỉ thế thôi!
* Với tập thơ đầu tay gây được nhiều thiện cảm, ấn tượng, Hà có dự định trở thành một tác giả chuyên nghiệp, một nhà thơ viết cho thiếu nhi?
- Tôi sẽ vẫn tiếp tục viết, với tâm thế "một người bạn" đang tìm kiếm và chỉ ra những thứ để ngắm nhìn và lắng nghe trong đời sống hàng ngày. Tôi mong các bạn nhỏ sẽ đọc thơ và đâu đó thích thơ của tôi. Còn những danh xưng khác với tôi thế nào cũng được.
* Trở lại với "Vương quốc nhỏ bí mật", tại sao lại là cái tên này? Phải chăng mỗi đứa trẻ đều có một vương quốc nhỏ bí mật của riêng mình, và mỗi người lớn cũng từng có một vương quốc như thế, có lẽ cả Hà cũng vậy?
- Chắc chắn ai cũng có một vương quốc nhỏ bí mật của riêng mình rồi.Tôi thì luôn cảm thấy hạnh phúc khi được một em bé hé lộ chút ít về "vương quốc" đó của em.
Cả tập thơ này là về tuổi thơ, về những điều mà tôi mong sẽ hiện diện trong thế giới của mỗi đứa trẻ. Cho nên tôi chọn Vương quốc nhỏ bí mật là tên tập thơ, để biết đâu khi đọc, người đọc sẽ nhớ về "vương quốc" của riêng mình và những điều mà mình cần gìn giữ, tôn trọng trong "vương quốc" của con trẻ.
Với cả nó cũng là một cái tên nghe khá bí ẩn, mộng mơ nữa. Lúc đi đọc thơ cho các bạn nhỏ, tôi thấy các bạn ấy cũng thường tỏ ra khá hứng thú và tò mò khi nghe cái tên này.
Hóa ra thời này vẫn còn nhiều người… thích thơ
* Được biết, mới đây Hà có tham dự sự kiện "Vương quốc nhỏ bí mật choem" do Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tổ chức. Hà đã đọc thơ thiếu nhi của mình cho nhiều người nghe, cùng với âm nhạc nữa. Hà cảm thấy như thế nào?
- Bao giờ khi đọc thơ của mình cho mọi người nghe tôi đều thấy rất áp lực. Vì nó là…thơ của mình ấy, mà nhất lại là đọc cho người lớn. Thường khi đọc thơ cho các bạn nhỏ tôi sẽ làm cùng nhiều hoạt động lắm, các bạn ấy chỉ nghe thơ như là một gợi ý để làm hoạt động và sau đó kể câu chuyện của mình.
Đọc thơ cho người lớn nghe, mà lại còn là thơ thiếu nhi nữa, cảm giác như mình đang biểu diễn - mà đúng là thế thật. Cá nhân tôi cũng thích việc tự ngẫm ngợi một bài thơ một mình nên tôi cũng không biết khi đi nghe thơ mọi người sẽ thấy sao. Chắc đó là lý do tôi áp lực.
* Nhưng khi nghe thơ của Hà mọi người hưởng ứng chứ?
- Hôm ấy và một vài sự kiện đọc thơ khác, tôi thường gỡ bỏ được cảm giác áp lực ban đầu của mình sau khi đọc xong, vì mọi người thường rất hưởng ứng. Tôi cũng rất biết ơn mọi người vì đã chia sẻ cho tôi biết cảm nghĩ của mọi người sau khi nghe thơ. Hóa ra thời này vẫn còn, mà còn rất nhiều người đọc thơ và nghe thơ, lại còn thích thơ nữa.
* Sự kiện hôm đó, có cả mẹ của Hà nghe đọc thơ nữa. Cảm xúc của Hà ra sao?
- Khi nhìn những bức ảnh mẹ ngồi nghe thơ hôm đó tôi rất xúc động. Hôm ấy tôi cũng không định mời mẹ đến nghe từ đầu, vì nghĩ nó cũng chỉ là một sự kiện nhỏ, mà mẹ thì ở Ninh Bình, để di chuyển ra Hà Nội tôi sợ mẹ mất công. Nhưng hôm đó tôi lại bị ốm, sốt 39 độ. Những lúc ốm như vậy thì chỉ có mẹ mới chăm được mình. Mẹ ra chăm tôi rồi đi cùng tôi đến buổi đọc thơ. Có mẹ ở đấy tôi cảm thấy rất ấm áp và vững tâm.
* Cảm ơn Hà về cuộc trò chuyện!
Về nhà thơ và họa sĩ minh họa
Hà mã đi bộ (Lã Thanh Hà, sinh 1993) sinh ra và lớn lên ở tỉnh Ninh Bình. Thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu về gia đình và trẻ em tại University of New Mexico năm 2022, với học bổng toàn phần của Fulbright, Mỹ. Làm thơ và viết truyện cho trẻ em là sở thích đã được duy trì trong nhiều năm.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Như Quỳnh (sinh 1997) làm việc với vai trò họa sĩ minh họa từ năm 2020 cho đến nay. Ngoài minh họa và vẽ tranh, Như Quỳnh còn làm đồ thủ công, nhiếp ảnh sắp đặt.
Tags