Khai thác góc nhìn của trẻ nhỏ trong những tình huống thường ngày ở nhà và ở trường, bộ truyện tranh 6 tập Mật hiệu OGO (NXB Kim Đồng) của Kiều Bích Hương đã thể hiện sinh động đời sống của trẻ em ở nước ngoài và những tình thế "dở khóc dở cười" khi các em là thành viên của một gia đình đa văn hóa.
Với những ấn tượng này, Mật hiệu OGO đã "ghi danh" vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024. Đang sống tại Bỉ, nhà văn Kiều Bích Hương có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Mật hiệu "Ối giời ơi"
* "Mật hiệu OGO" là một cái tên gây tò mò. Vậy, nó được nảy ra như thế nào, để rồi trở thành một tứ truyện đưa độc giả vào tác phẩm với câu hỏi: Khi nào thì các nhân vật phát mật hiệu OGO?
- OGO là viết tắt của "ối giời ơi" - cụm từ người Việt Nam thường dùng để thể hiện cảm xúc trước một tình huống bất thường. Người nước ngoài yêu tiếng Việt cũng thích cụm từ này vì ý nghĩa và âm điệu ngộ nghĩnh của nó.
Từ khi định cư ở Bỉ, tiếp xúc với tiếng Hà Lan hàng ngày, tôi cũng tò mò và thích sử dụng các thán từ biểu lộ cảm xúc của người bản xứ. Trước các loại cảm xúc cơ bản của con người, việc biểu đạt chúng bằng ngôn ngữ nào cũng có những âm điệu tương đồng một cách thú vị. Cụm từ OMG (Oh My God) được cả thế giới biết và sử dụng, người Việt cũng nên phổ biến OGO chứ nhỉ?
Ngoài đời, chỉ các thán từ trong xưng hô giao tiếp hàng ngày như "dạ", "vâng", "ơi", "ôi", "ừ", "ơ" cũng khiến người học - cụ thể là chồng và các con tôi - phải phát "mật hiệu OGO" (có biến) rồi. Và từ gốc rễ những từ, cụm từ nhỏ bé ấy lại rất giàu câu chuyện văn hóa. Chẳng hạn, Phạm Hổ viết dễ thương thế này "Lông vàng mát dịu/Mắt đen sáng ngời/Ơi chú gà ơi!/Ta yêu chú lắm". Nhưng chồng tôi về Việt Nam lại dùng từ ơi hỏng một cách toàn diện thế này "Chào bà ơi/Chào ông ơi/Chào mẹ ơi/Chào em ơi".
Có quá nhiều va chạm do khác biệt văn hóa và bất đồng ngôn ngữ thường ngày, khiến các nhân vật phát "mật hiệu OGO" trong bộ truyện này.
* Bộ truyện này kể về câu chuyện của cậu bé Kobe có bố là người Bỉ, mẹ là người Việt Nam. Phải chăng, chị viết nó với cảm hứng chính từ gia đình mình?
- Ngay từ đầu, nhân vật chính Kobe đã giải thích: "Khi bố nói "Ối giời ơi", sẽ đau đầu. Khi mẹ nói "Ối giời ơi", sẽ đau tim. Khi trẻ con nói "Ối giời ơi", sẽ vui tai". Tôi là người viết nhỏ. Viết những gì gần với mình nhất là dễ chịu nhất. Gia đình nhỏcủa tôi là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho tôi cầm bút.
* Vậy kể về câu chuyện của gia đình mình trong một tác phẩm cho thiếu nhi có là một lợi thế?
- Chất liệu để viết luôn có sẵn quanh ta, bất kể từ gia đình hay từ bên ngoài, quan trọng là mình có thấy đáng viết và có hứng viết không. Đối với người viết, đáng sợ nhất là hôm nay còn cảm nhận điều này thật thú vị hay ho, hôm sau đã thấy nhạt nhẽo vô nghĩa rồi.
May mắn, sự khác biệt văn hóa luôn hối thúc tôi phải viết cái gì đó. Đây mới chính là lợi thế. Và viết về các con theo kiểu được lớn lên cùng chúng từng ngày là một niềm vui âm ỉ bền vững, còn lâu mới chán (cười).
"Tôi là người viết nhỏ. Viết những gì gần với mình nhất là dễ chịu nhất" - nhà văn Kiều Bích Hương.
Càng đi nhiều, càng ở xa, trong ta lại… rất Việt Nam
* Qua 6 tập truyện với những tình huống thường ngày ở nhà và ở trường, "Mật hiệu OGO" đã thể hiện sinh động đời sống của trẻ em ở nước ngoài. Đâu là tập truyện khiến chị tâm đắc nhất khi nói về những đứa trẻ đang sống trong môi trường đa văn hóa?
- Câu hỏi này khó quá, giống như hỏi tôi yêu ai nhất trong 3 đứa con tôi. Nhưng tôi sẽ trả lời theo hướng thiên vị đứa con nào có sở thích giống tôi nhất. Đó là tập 6 của bộ truyện.
Ở tập này, cậu bé Kobe ngại đọc lười viết đã chấp nhận yêu cầu của mẹ là viết nhật ký về hành trình một tuần đi Áo trượt tuyết cùng cả lớp. Bằng cách viết nhật ký gửi mẹ, cậu bé gián tiếp chấp nhận để mẹ tiếp tục đồng hành cùng mình và những người bạn. Với người mẹ, đây là món quà vô giá. Cũng ở tập này, cậu bé người Ukraina xuất hiện làm xáo trộn đời sống thường ngày của gia đình Kobe. Do được đào tạo kiểu "sốc từ trong nôi" nên những khoảng cách đã được kéo gần lại, những vết thương đã được chính bọn trẻ hồn nhiên chữa lành cho nhau.
* Mật hiệu OGO khá nổi bật về hình ảnh người mẹ Việt Nam luôn hiện diện trong bất cứ tình huống sống nào của những đứa con với tình yêu thương, sự lắng nghe. Vậy theo chị, người lớn nên có sự đồng hành như thế nào với con trẻ trong hành trình trưởng thành, đặc biệt khi sống trong một môi trường như ở "Mật hiệu OGO"?
- Sự đồng hành của người mẹ trong Mật hiệu OGO còn vì tình thế bất khả kháng: Người mẹ không thông thạo ngôn ngữ và chưa tường tận đời sống văn hóa ở đây nên phải nhờ con làm cầu nối. Kobe- người phiên dịch trong nhà - dĩ nhiên rất khó chịu với cách áp đặt kiểu Việt Nam của mẹ nhưng cũng hãnh diện đồng hành để dạy cho mẹ bớt... OGO.
Nhờ quá trình này mẹ và con được trải nghiệm nhiều thú vị và hưởng lợi từ sự khác biệt của một gia đình đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Nếu không ở hoàn cảnh của mẹ Kobe, người lớn cũng nên thử thay đổi thói quen một chút, hỏi con làm giúp, nhờ con chỉ dẫn việc này việc kia thay vì chỉ sai bảo và áp đặt. Như thế, có thể chúng ta sẽ đặt được bước chân vững chắc tronghành trình trưởng thành của con.
* Trong bộ sách có những câu chuyện về Việt Nam được khai thác khá đậm như chuyện đón Giao thừa theo lịch Âm, chuyện cái nón, chuyện ăn chân gà, chuyện nắng nóng ở Việt Nam, rồi muôn vàn những thành ngữ - tục ngữ Việt Nam được đan cài. Với những yếu tố rất Việt Nam như thế, chị muốn gửi gắm điều gì?
- Thực ra tôi muốn gửi gắm điều này cho người lớn. Khi trẻ, chúng ta thường hay ước được bay cao, đi xa. Càng đi nhiều, càng ở xa, trong ta lại thấy mình (rất) là Việt Nam.
Chọn được giọng điệu "chống đối" một cách hài hước
* Viết bộ sách bằng góc nhìn của một cậu bé lên 10, chị có cảm thấy khó khăn không - nhất là khi phải tránh mang lại cảm giác kiểu "giả giọng thiếu nhi"?
- Viết cho trẻ em và viết về trẻ em, khó khăn nhất là tìm ra giọng điệu phù hợp thiếu nhi và ngôn từ phù hợp thời đại. Với Mật hiệu OGO, khi chọn được giọng điệu chống đối một cách hài hước, khá giống tính cách của các con tôi và bạn bè chúng, tôi coi như mình đã bắt được mạch để viết rồi.
* "Mật hiệu OGO" là tập truyện thiếu nhi đầu tay của chị nhưng đã nhận được khá nhiều thiện cảm của độc giả. Chị có dự định đi đường dài với mảng sáng tác cho thiếu nhi?
- Tôi lớn lên và hưởng lợi rất nhiều từ văn học thiếu nhi, từ Dế Mèn phiêu lưu ký, Góc sân và khoảng trời, Những ngày đi lưu động cho đến Hoàng tử bé, Cánh buồm đỏ thắm, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Harry Potter... Nhưng viết cho thiếu nhi không nằm trong dự định ban đầu của tôi. Quá khó. Ngay cả khi nhà văn Hồ Anh Thái, người luôn động viên tôi viết, gợi ý nên thử với NXB Kim Đồng xem sao, tôi cũng chưa dám nghĩ sẽ viết cho thiếu nhi.
Nhưng trong quá trình kết nối bạn bè Việt Nam ở nước ngoài muốn sáng tác và gửi tác phẩm tới NXB Kim Đồng, tôi nghĩ tại sao không đầu tư cho mảng văn học thiếu nhi do người Việt ở nước ngoài viết? Đặc biệt mảng sáng tác cho thiếu nhi và về thiếu nhi người Việt/gốc Việt ở nước ngoài còn rất ít, nếu như không muốn nói quá hiếm.
Rất mừng là NXB Kim Đồng rất cởi mở, nhiệt tình đón nhận các tác phẩm của bạn bè tôi giới thiệu và của chính tôi nữa. Đây cũng là động lực để tôi mạnh dạn viết mảng này. Và dĩ nhiên, tôi mong đủ duyên để đi được đường dài.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Vài nét về tác giả Kiều Bích Hương
Kiều Bích Hương sinh năm 1976, là tác giả gốc Việt hiện sống cùng gia đình tại Bỉ. Ngoài việc cộng tác với nhiều tờ báo trong nước, chị cũng là thành viên sáng lập Kênh Việt Happiness Station -Trạm hạnh phúc - Chạm cảm xúc, có trụ sở tại Bỉ nhằm quy tụ các cộng tác viên yêu tiếng Việt trên thế giới với mong muốn giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Kiều Bích Hương đã xuất bản gồm Vợ Đông chồng Tây; Đàn bà yêu thành phố; Đây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ.
Tags