Truyện dài Kho báu trong thành phố của Nguyễn Khắc Cường lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024. Nếu tính từ tập truyện ngắn Buổi chiều không có tơ trời (1993), Nguyễn Khắc Cường mất gần 30 năm để trở lại con đường sáng tác, lại chọn chủ đề thiếu nhi.
Nguyễn Khắc Cường hiện làm việc tại báo Tuổi trẻ. Trước đó, anh làm báo thiếu nhi từ năm 1993. Truyện dài Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch (2022) của anh từng đoạt giải B tại Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023.
* Vì sao anh mất một thời gian khá dài mới trở lại vai trò tác giả và viết sách cho thiếu nhi?
- Tôi cũng đang tự hỏi mình như vậy.
Mấy hôm trước, đọc báo thấy trong Top 10 chung khảo Giải Dế Mèn có cả tôi và nhà văn Lý Lan, tôi rất xúc động. Năm 1991, lúc tôi còn là sinh viên, chị Lý Lan đã viết bài giới thiệu tôi trên báo Văn nghệ TP.HCM với rất nhiều kỳ vọng trên đường sáng tác, bởi lúc đó tôi có một số truyện ngắn được sinh viên học sinh thời đó quan tâm. Không ngờ sau bài giới thiệu của chị Lý Lan, tôi "lặn" một hơi dài đến 30 năm.
Năm 2021, nhân bị cách ly do nhiễm Covid-19, rảnh quá không biết làm gì, tôi bèn viết Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch. Viết xong, có đà, tôi làm tiếp Kho báu trong thành phố.
* Mèo Joni mặt tịt ngoài đời thực khơi nguồn để anh viết "Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch", còn nguồn cảm hứng nào cho "Kho báu trong thành phố"? Chất liệu từ cuộc sống thường nhật đóng vai trò thế nào trong những sáng tác của anh?
- Bạn có xem bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực) không? Nhờ phim này mà những trò chơi dân gian của Hàn Quốc phổ biến khắp thế giới. Ngẫm lại, tôi thấy nước mình cũng có nhiều trò chơi rất vui, rất lý thú, tôi muốn lưu lại trong truyện của mình, nhất là khi nhiều trò đang bị trẻ em lãng quên.
Các em bây giờ có thể say mê với trò chơi trong điện thoại, máy tính… nhưng lại không biết chơi tạt lon, đá dế, chơi u, chọi cầu, búng thun… Thật tiếc! Chơi những trò dân dã đó các em được chạy, nhảy, la hét… tức là có cơ hội phát triển thể chất, rèn sự nhanh nhạy, khéo léo, chứ không có nguy cơ bị cận thị, béo phì, thụ động như nhiều bạn nhỏ suốt ngày ngồi một chỗ đọc truyện tranh hoặc dán mắt vào điện thoại.
Tôi nghĩ trò chơi trẻ em cũng là một loại di sản văn hóa, nó được trẻ em sáng tạo trong từng bối cảnh sống, từng điều kiện kinh tế xã hội. Ví dụ như những trò tôi kể trong sách, dụng cụ để chơi rất đơn giản, là những thứ dễ kiếm, dễ tìm, không tốn tiền mua như cái lon sữa bò, cọng thun, que kem,… rất phù hợp với điều kiện sống khó khăn thời bao cấp. Chơi như vậy mà chúng tôi lớn lên khỏe mạnh, có ký ức đẹp về bạn bè, chòm xóm. Với tôi, những trò chơi đúng là "kho báu", tôi có nhiều cảm xúc nên viết ra không mấy khó khăn.
Ngoài ra, tôi thấy hiện nay có nhiều bậc cha mẹ dành rất ít thời gian cho con, nhất là khi con ở tuổi thiếu niên. Tôi viết cuốn truyện này như một gợi ý. 51 ông bố trong truyện đã lôi con ra khỏi nhà tham gia một trò chơi truyền hình. Khi họ đua tranh với nhau, vượt qua các thử thách trên đường phố, họ sẽ giúp con mình khám phá ra nhiều giá trị khác từ cuộc sống.
Thật ra, những điều hay ho chúng ta cũng có thể bắt gặp trong sách vở, phim ảnh, Internet… nhưng nếu được trải nghiệm thực tế, cảm xúc của chúng ta sẽ dâng đầy và nó sẽ trở thành lớp phù sa bồi đắp tâm hồn mình, ký ức mình. Vì vậy, các ông bố bà mẹ đừng tiếc thời gian làm bạn cùng con, chơi với con.
* Viết cho thiếu nhi có phải là dự định đường dài của anh?
- Tôi không biết có viết dài lâu được không, nói trước bước không tới. Nhưng thiếu nhi đúng là nguồn cảm hứng của tôi.
* Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, công việc nhà báo có hỗ trợ gì cho công việc viết văn của anh không?
- Tôi nghĩ có hỗ trợ nhiều. Những trăn trở trong công việc làm báo cũng là suy nghĩ của tôi khi viết truyện. Làm sao để các em đừng chán câu chuyện mình đang kể? Mình cần gửi thông điệp gì vào câu chuyện này?
Hôm nọ có bạn đọc Kho báu trong thành phố, chỉ ra một chi tiết mà khi viết tôi không để ý, vì nó chảy ra rất tự nhiên, theo mạch truyện, đó là tôi đề cập đến số điện thoại tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Bạn đó hỏi có phải tôi muốn truyền thông số điện thoại này không? Ồ, hóa ra đoạn đó tôi viết bằng ý thức của người làm báo.
* Với anh, điều gì khó khăn khi viết cho thiếu nhi?
- Hiểu được các em là điều khó nhất. Các em đang thích gì, muốn gì, tâm lý đọc ra sao, ngôn ngữ hàng ngày thế nào, làm sao để các em chịu nghe mình nói…? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi phải đi tìm câu trả lời mỗi ngày, để làm báo.
* Theo anh, những giải thưởng dành cho sách thiếu nhi hiện nay có đóng góp như thế nào trong việc đi tìm các câu hỏi đó?
- Các giải thưởng không chỉ giúp bạn đọc định vị được những cuốn sách hay, có ý nghĩa, mà còn kích thích người cầm bút nỗ lực sáng tạo, dù rằng nhiều người viết cho thiếu nhi không hẳn là vì giải thưởng. Bạn có công nhận là mảng sách thiếu nhi mấy năm gần đây rất khởi sắc không? Hình thức sách đẹp, nội dung đề tài phong phú, quan trọng là bên cạnh nhiều cây bút quen thuộc, lĩnh vực này đã xuất hiện nhiều tên tuổi mới và họ cũng có mặt trong các giải thưởng.
Để văn học thiếu nhi phát triển mạnh hơn, theo tôi, ngoài việc tổ chức các cuộc thi, các giải thưởng, nhà nước nên có thêm giải pháp hỗ trợ các nhà xuất bản để sách được phát hành nhiều hơn, đến được với nhiều độc giả thiếu nhi hơn, nhất là các đầu sách được giải.
* Cảm ơn anh.
"Với tôi, những trò chơi trẻ em đúng là "kho báu", tôi có nhiều cảm xúc nên viết ra không mấy khó khăn" - nhà văn Nguyễn Khắc Cường.
Tags