(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuốn tiểu sử về Cary Grant mang tựa đề Cary Grant: A Brilliant Disguise (Cary Grant: Một sự ngụy trang rực rỡ) vừa ra mắt ngày 20/10, tác giả Scott Eyman đã phơi bày toàn bộ những bi kịch mà ngôi sao này phải gánh chịu trong cuộc đời mình.
Trước đó, trong 40 năm sự nghiệp với 73 phim điện ảnh, Cary Grant (1902- 1986) luôn lôi cuốn khán giả với vẻ quyến rũ và nam tính điển trai trên màn bạc. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
“Grant là một nhân vật hoàn toàn được tạo nên và tôi đóng một vai. Không khi nào tôi thực sự là Cary Grant. Nhưng tôi nghĩ Cary Grant đã mang lại những điều kỳ diệu cho cuộc đời mình” - câu nói của Grant được trích trong cuốn sách.
Tuổi thơ đầy bóng tối
Sinh năm 1902, Grant, tên thật là Archibald “Archie” Leach, đến từ Bristol (Anh). Cha Grant, Elias, là một kẻ nghiện rượu, may quần áo để kiếm sống. Grant chuyển đến sống cùng bà ngoại nhưng bà ngoại cũng là một người say rượu nên ở đó, ông cũng không tìm được sự an ủi cho mình.
Đến năm 14 tuổi, sau khi bỏ học, Leach từng phải lang thang trên khắp các bến cảng để tìm việc làm và nỗ lực mua được một chiếc vé rời khỏi Anh. Cậu quyết định tham gia đoàn kịch Pender và nhận thấy đây là “nơi đầy những tiếng cười, những người mặc đủ loại trang phục và làm đủ mọi trò khéo léo. Họ vui vẻ đi khắp đó đây và vô tư. Họ vui vẻ cười, sống và yêu”.
Leach đến New York cùng với các nghệ sĩ biểu diễn tạp kỹ vào giữa những năm 1920 để tìm kiếm danh tiếng. Vẻ điển trai của anh rất hợp với những vở nhạc kịch nhẹ pha chút lãng mạn ở nhà hát New York. Trước khi chuyển đến Hollywood trong bối cảnh trình diễn tạp kỹ không còn hút khách, Leach còn kiếm tiền bằng việc bán bán cà vạt ở Broadway.
Ở New York, Leach có mối quan hệ tốt với các nghệ sĩ khác như George, Gracie Burns và Jack Benny. Anh hiểu rằng mình phải đổi tên, cũng như học cách nói khác với giọng mẹ đẻ nhằm che đi sự thiếu học của mình.
Tại New York, Grant gặp Fay Wray, nữ diễn viên đã tạo được danh tiếng với phim King Kong (1933). Grant đã gắn bó với cô trong nhiều năm và hy vọng tỏa sáng ở Hollywood. Hãng Paramount nhìn thấy tiềm năng ở Grant và năm 1932, ở tuổi 28, Leach xuất hiện trong bộ phim điện ảnh đầu tiên của mình với tên mới - Cary Grant.
Và cái tên ấy cũng là điểm mốc giúp ông mãi chôn chặt cội nguồn của mình. Để rồi, sự nghiệp của Grant đạt đỉnh cao sau hơn 20 vai diễn trong các phim như: The Philadelphia Story, North By Northwest, Notorious, His Girl Friday, To Catch A Thief, Bringing Up Baby và The Bishop's Wife...
Cuộc sống riêng bi kịch
Grant luôn phải đối phó với lòng tự ái và tính khí nóng nảy của mình và đã phải trải qua nhiều năm trị liệu để làm “nhẹ nhõm” mọi thứ. Với sự giúp đỡ của Tiến sĩ Mortimer Hartman và hơn 100 buổi điều trị mà ông coi là “thay đổi cuộc sống”, cuối cùng Grant cũng ngừng đổ lỗi cho cha mẹ về những gì đã đến với mình.
“Tôi học được rằng không ai khác khiến tôi không hạnh phúc ngoài bản thân tôi. Tôi đã gặp rất nhiều vấn đề trong nhiều năm nhưng đó là vấn đề của Archie Leach, không phải của Cary Grant” - những chia sẻ của Grant được trích dẫn trong cuốn sách.
Có sự nghiệp lừng lẫy nhưng cùng thời gian đó ông lại gây nhiều bàn tán khi chuyển đến sống trong một căn nhà thuê cùng nam tài tử điển trai Randolph Scott. 2 người chẳng hề ngại ngần tạo dáng chụp ảnh công khai quanh hồ bơi. Nhiều tư liệu cho thấy Cary Grant là người lưỡng tính.
Thời gian đó, Grant cũng có tình cảm với Virginia Cherrill và nữ diễn viên này đã trở thành vợ đầu tiên của ông. Nhưng rồi, khi biết tin mẹ mình chưa chết mà phải ở trong một nhà thương điên từ nhiều năm qua, Grant rơi vào cơn sốc và thường xuyên say rượu.
10 tháng sau khi kết hôn, Cherrill đâm đơn ly hôn ông. “Tôi từng yêu Cary nhưng anh ấy chỉ yêu bản thân mình. Tôi không có cơ hội” - Cherrill chia sẻ.
Với vẻ điển trai và danh tiếng ngày càng gia tăng, Grant “đốn tim” nhiều phụ nữ và năm 1945, ông kết hôn với Barbara Hutton. Dù vậy, người vợ này phàn nàn Cary khác hẳn với hình ảnh trên màn bạc và không phải “lúc nào cũng vui vẻ cười đùa và nghịch ngợm”. Cuộc hôn nhân ấy cũng chỉ kéo dài 3 năm.
Người vợ thứ 3 là nữ diễn viên Betsy Drake - người sau này cũng phải ly dị. Chưa hết, Grant còn yêu Sophia Loren một cách điên cuồng trong thời gian quay phim ở Tây Ban Nha. Được biết, Grant đã cầu hôn nữ diễn viên Italy (dù lúc đó đã kết hôn với Drake) nhưng đã bị Sophia từ chối.
Như những gì kể lại, Grant cảm thấy “chơi vơi” khi không được Sophia đáp lại tình cảm. Trước đó, ông chưa bao giờ gặp chuyện này “Cô ấy đã làm tan nát trái tim tôi” - Grant than vãn.
Bị ám ảnh là người kém học
Grant quản lý cả sự nghiệp và cơ hội kinh doanh của mình theo cách rất kỹ tính. Ông luôn bảo vệ hình ảnh của mình và đã từ chối các vai diễn trong phim The Third Man, A Star Is Born và Lolita.
Trên phim trường, Grant thường khiến đồng nghiệp phát điên khi mãi nói về trang phục và góc máy. Với khối tài sản trị giá hàng triệu USD nhưng Grant là người sống chi li, tằn tiện. Ông tiết kiệm từng đồng một và tương truyền rằng khách đến nhà có thể tìm thấy những chiếc bánh mì đã ăn dở trong tủ lạnh và những chiếc cúc áo được cắt từ áo sơ mi cũ trước khi vứt đi.
Và, Grant có thể là một người bạn và người tình hào phóng nhưng người khác phải đáp ứng các điều kiện của ông. Grant trải qua nhiều cuộc tình và 5 cuộc hôn nhân thất bại, nhưng tất cả những người đã đi qua đời ông đều không thể chịu nổi, bởi Grant là người không dễ sống chung. Ông là người thích kiểm soát, không thoải mái khi ở trong đám đông, có phần hơi cô độc, thích ăn tối trước TV và có nhiều thói quen lập dị khác.
Đáng nói, nỗi sợ hãi lớn nhất của Grant là bị phát hiện là một kẻ lừa đảo: Bên dưới tất cả sự hào nhoáng và bóng bẩy, ông chỉ là một cậu bé Bristol kém học và không được yêu thương. Đáng buồn thay, sự ám ảnh đó vẫn không rời bỏ Grant cho đến khi ông qua đời ở tuổi 82 vào năm 1986.
Cary Grant được Viện Điện ảnh Mỹ xếp vào vị trí thứ 2 trong danh sách “Ngôi sao nam vĩ đại nhất mọi thời”. Năm 1970, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh trao tặng ông giải Oscar danh dự bởi “sự lão luyện vô song trong nghệ thuật điện ảnh cùng với sự kính trọng và yêu mến của đồng nghiệp”. |
Việt Lâm
Tags