Huyền thoại điền kinh Việt Nam, Bùi Lương, vừa qua đời chiều 30/6/2024 ở tuổi 86. Đây là mất mát to lớn đối với nền thể thao Việt Nam nói chung và cộng đồng chạy bộ nói riêng.
Bùi Lương là tượng đài điền kinh Việt Nam
Trong giới điền kinh, huyền thoại Bùi Lương được xem như tượng đài với hành trình 60 năm gắn bó cùng bộ môn, trong đó có 20 năm (1957-1977) là VĐV và 40 năm (1980-2020) ở vị trí huấn luyện.
Là con thứ ba trong một gia đình có năm anh em trai, từ nhỏ cậu bé Bùi Lương đã luôn đứng trong ba hạng đầu ở các giải điền kinh học sinh Sài Gòn trong những năm đầu thập niên 1950.
Đến 1955, được gửi ra Bắc học tập rồi trở thành công nhân của Nhà máy Ximăng Hải Phòng hay những tháng xung phong đi bộ đội, ông chưa một lần rời xa đường chạy.
Cho tới hiện nay, Bùi Lương được xem là VĐV giàu thành tích nhất của điền kinh Việt Nam ở cự ly dài khi đã 9 lần vô địch giải việt dã báo Tiền Phong (trong đó có 8 lần vô địch liên tiếp từ năm 1967-1974), liên tục phá kỷ lục ở cự ly 5.000m và 10.000m. Ông là VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 1980, HLV tiêu biểu năm 2003, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 năm 1980, Huân chương chống Mỹ hạng nhì.
Năm 1980, đã 41 tuổi ông mới đi học Đại học TDTT Từ Sơn và bắt đầu sự nghiệp làm thầy gắn với điền kinh Hà Nội và quốc gia. 30 năm huấn luyện, học trò của ông - từ Đặng Thị Tèo, Nguyễn Thu Phương, Lưu Văn Hùng, Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Thị Hoà, Phạm Thị Hiên... giành huy chương trong nước và quốc tế, nổi tiếng khắp nơi, còn ông vẫn là cái bóng thầm lặng phía sau bởi đó chính là tình yêu dành cho đường chạy.
Những năm cuối đời, Cứ đều đặn hàng ngày từ lúc trời chưa sáng rõ bất kể nắng mưa. "Đều như vắt chanh", hàng ngày, "bố" Bùi Lương đều chạy đủ 5 cây số mới về nhà.
Không còn tham huấn luyện đỉnh cao nhưng "bố" Bùi Lương vẫn "được săn đón" ở các CLB chạy phong trào. Mỗi buổi sáng, ông đều có mặt ở công viên Thanh Xuân (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) để truyền kinh nghiệm cho người yêu chạy. Cụ được dân chạy phong trào gọi bằng cái tên thân mật là "bố" Bùi Lương.
Tags