Tuổi 40 là thời điểm cuối trong sự nghiệp của 1 VĐV. Đó là giai đoạn mà thể lực, trí lực đều không còn sung mãn để tranh tài ở đẳng cấp cao nhất của bất cứ môn thể thao nào. Cristiano Ronaldo đã sang Ả Rập thi đấu, Lionel Messi dưỡng già ở Mỹ, hay Rafael Nadal cùng Tiger Woods đều dành thời gian tại phòng trị liệu hơn là ngoài sân đấu. Ấy vậy mà ở tuổi 40, Tiến Minh vẫn là tay vợt hàng đầu Việt Nam. Tại giải vô địch cầu lông cá nhân quốc gia vào tháng trước, Tiến Minh đã giành chức vô địch, đánh bại người được coi là số 1 quốc gia lúc này là Nguyễn Hải Đăng chỉ sau 2 ván. Đó là lần thứ 15 trong lịch sử, Tiến Minh giành chức vô địch quốc gia. Sự suy giảm về sức bền và độ nhanh nhẹn được bù đắp bằng kinh nghiệm dạn dày giúp cựu top 10 thế giới "bắt bài" các đàn em trẻ trung hơn.
Nhưng người ta không thấy một nụ cười quá tươi khi lên bục nhận giải của Tiến Minh. Vị thế huyền thoại giới cầu lông Việt Nam là không phải bàn cãi. Bằng đam mê và nội lực, tay vợt TP.HCM đã bứt phá từ giới hạn này tới giới hạn khác, vinh quang ghi tên mình vào bảng danh sách những vận động viên cầu lông hàng đầu thế giới. 1 HCĐ thế giới, 1 HCĐ Asian Games, 10 danh hiệu BWF Grand Prix, cùng vị trí hạng 5 thế giới vào năm 2010 là những thành tích mà các đàn em của anh rất khó có thể tái lập. Những câu chuyện kiểu 1 chấp 2 thành viên tuyển cầu lông Hà Nội, hay những màn so tài không lùi bước trước Lee Chong Wei càng giúp vị thế của Tiến Minh trở nên bất di bất dịch trong lòng NHM. Và cũng từ đó, tay vợt sinh năm 1983 càng thêm trăn trở. Chừng nào Tiến Minh còn là đối thủ khó với các đàn em, cầu lông Việt Nam khi ấy vẫn chưa thể thực sự vươn mình và phát triển.
Sự vĩ đại của một huyền thoại không dừng lại ở những thành tích khi thi đấu của người ấy. Nó còn được đánh giá bởi di sản mà anh để lại cho thế hệ sau này. Park Ji Sung hay Son Heung-min đều mở những học viện bóng đá tại quê nhà. Rafael Nadal cũng có Tennis Academy ở Mallorca. Tiến Minh chưa thể tự mình mở 1 trung tâm hoành tráng như vậy. Tuy nhiên, anh vẫn nỗ lực hết khả năng của mình, để "niềm đam mê cầu lông không bao giờ ngừng chảy trên đất nước mình".
Hành trình cống hiến, chinh phục đỉnh cao của Tiến Minh cùng bao hoài bão đã được tay vợt gói trọn và gửi gắm vào đứa con tinh thần mang tên TM Legend. TM Legend được kỳ vọng là một "Trạm" dừng để tiếp thêm năng lượng, truyền ngọn lửa khát khao từ vận động viên huyền thoại cho thế hệ vận động viên trẻ, cũng như toàn bộ người yêu cầu lông có động lực để theo đuổi đam mê của mình.
Tiến Minh trực tiếp đồng hành và tham gia phát triển bộ sưu tập cùng Kamito, từ khâu lên ý tưởng, tư vấn kỹ thuật, đánh giá thực tế... nhằm đem tới những sản phẩm hoàn hảo nhất và trải nghiệm trọn vẹn cho người dùng. Bạn sẽ được "chạm" tới những sản phẩm cầu lông chất lượng quốc tế do chính người Việt làm ra, "chạm" tới cảm giác thi đấu thăng hoa, bền bỉ như chính phong cách thi đấu của tay vợt huyền thoại. Bộ sưu tập gồm những sản phẩm cơ bản nhất gồm quần áo, giày cầu lông, vợt, túi đồ…
Ông Tống Đức Thuận, chủ tịch của Kamito, đồng thời công bố Quỹ Trạm tiếp đam mê do Kamito sáng lập và vận động viên Nguyễn Tiến Minh làm đại sứ với số tiền ban đầu ban đầu là 200 triệu đồng nhằm phát triển phong trào cầu lông và các hoạt động thể chất thông qua cầu lông, đúng với tinh thần cống hiến cho xã hội mà Kamito luôn theo đuổi. Quỹ sẽ liên tục được hỗ trợ từ các hoạt động kinh doanh của thương hiệu Kamito để có thêm nguồn lực phát triển các hoạt động.
HM
Thể thao & Văn hóa