Thầy Trình cho hay bản thân vẫn còn đam mê với sự nghiệp dẫn dắt học sinh đi thi đấu quốc tế. Tuy nhiên thầy sẵn sàng lùi về phía sau để "nhường" vị trí cho thế hệ trẻ.
Cách đây 43 năm ở thủ đô nước Anh, Lê Bá Khánh Trình - khi đó vẫn là một cậu học trò 17 tuổi đại diện cho đội tuyển Việt Nam đã đoạt giải Nhất trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) với số điểm tuyệt đối 40/40. Hồi hương với loạt thành tích ấn tượng, Lê Bá Khánh Trình được truyền thông ưu ái gọi với biệt danh là “cậu bé vàng Toán học".
Hơn 40 năm trôi qua, "cậu bé vàng" năm đó vẫn được coi là "huyền thoại Toán học Việt Nam", chỉ khác chăng giờ mọi người quen gọi người ấy bằng một danh xưng gần gũi hơn - TS. Lê Bá Khánh Trình hay thầy Trình. Dù đạt nhiều thành tích ấn tượng trên con đường nghiên cứu nhưng sau tất cả, thầy Trình lại chọn gắn bó với nghiệp bảng đen phấn trắng.
Suốt nhiều năm qua, thầy miệt mài dìu dắt những thế hệ học sinh tài năng của Việt Nam đi thi tại đấu trường quốc tế. Có lẽ với thầy Trình, nhìn thấy học trò tiến bộ hơn từng ngày đem lại ý nghĩa chẳng kém hơn việc tự mình phát hiện những công trình nghiên cứu phức tạp.
Trong ngày đầu năm mới, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện để lắng nghe chia sẻ của thầy Trình về năm 2022 đã đi qua cũng như hành trình mấy chục năm đồng hành cùng Toán học nước nhà của thầy. Thầy Trình vẫn giữ được nét khiêm tốn và điềm đạm của những người con miền Trung không lẫn đi đâu được. Thầy nói rằng bản thân vẫn còn ngọn lửa đam mê với sự nghiệp dẫn dắt học sinh đi thi quốc tế, tuy nhiên thầy sẵn sàng lùi về phía sau, nhường bước cho những người trẻ hơn như một sự một tiếp nối và chuyển giao giữa các thế hệ học sinh tài năng của Việt Nam.
TS. Lê Bá Khánh Trình và chia sẻ đầu năm về Toán học và sự nghiệp dẫn dắt học sinh giỏi đi thi đấu quốc tế
"Đi thi quốc tế thì cần rèn ngang tài với người ta, chứ sao lại bảo không cần thành tích?"
Chào thầy Trình. Những ngày cuối năm, cuộc sống thường nhật của thầy trôi qua như thế nào?
Tôi bận rộn hơn thường, bởi vì có nhiều chuyện phải giải quyết. Cho đến hiện tại tôi vẫn chưa thể dọn dẹp gì cả, chưa dẫn được vợ con đi chơi đâu. Điều này rất đáng tiếc.
Đến nay, thầy đã có thể dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn sau một năm bận bịu với công việc chưa?
Cái đó không phụ thuộc vào tôi. Tôi nghĩ là ai cũng có mong muốn vậy thôi. Đôi khi dù mình muốn đi đâu đó với vợ con nhưng bất ngờ lại có lời mời nào đó, tôi không thể từ chối được.
Về riêng sự nghiệp giảng dạy và dìu dắt học sinh đi thi tại đấu trường quốc tế, thầy đánh giá chung một năm 2022 đã trôi qua như thế nào?
Năm 2022 theo tôi đánh giá là tốt. Đầu tiên, dù tình hình dịch bệnh còn nhiều khó khăn nhưng việc tổ chức và tuyển chọn học sinh giỏi diễn ra khá tốt đẹp và suôn sẻ. Đây cũng là lần đầu tiên sau 2 năm, cả đoàn được đi thi trực tiếp, đến tại nước chủ nhà chứ không phải thi online như trước. Cái này tốt hơn rất nhiều. Bởi vì thông qua đó, học sinh có dịp gặp gỡ các đoàn, có không khí đi thi.
Và kết quả thi năm nay của chúng ta cũng đáng khích lệ. Trong hơn 100 nước đi thì đoàn ta đứng thứ 4 toàn đoàn, có 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.
Nhiều người cho rằng cách lựa chọn đội tuyển thi đấu quốc tế của nước ta còn mang tính "luyện gà", cốt yếu chỉ để có thành tích cao. Thầy nhận định sao về quan niệm này?
Theo tôi, quan niệm này tồn tại cũng lâu rồi. Bây giờ không biết ai luyện nhiều hơn ai. Tôi đánh giá nước ta "luyện gà" ở loại trung bình, không cao, không thấp. Bởi các em học chủ yếu học ở trường. Học sinh nào say mê Toán thì trường mới tập hợp thành đội tuyển thi quốc gia. Thi quốc gia sau đó mới chọn đội tuyển thi quốc tế. Tập trung xong đội tuyển thì chỉ còn chưa đầy 2 tháng cho các em ôn luyện thêm.
Còn nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ… trong năm học sinh của họ đã được được tập trung ở một nơi. Ban đầu họ tập trung khoảng 30 em. Sau đó học sinh được học tập và thi thường xuyên, từ đó lựa chọn đội tuyển dần dần. Còn những nước châu Á khác thì truyền thống luyện học sinh giỏi của họ thì khỏi phải nói.
Riêng từ "luyện gà", tôi nghĩ nên dùng từ nhẹ nhàng hơn. Bây giờ có nhiều "gà" khác cao thủ hơn "gà” mình nhiều, họ luyện ghê hơn mình. Vì họ nghĩ đi thi phải làm cho học sinh ngẩng mặt lên một chút. Đi thi quốc tế thì phải cố rèn luyện ngang sức ngang tài người ta, để không bẽ mặt với các nước khác, chứ sao lại bảo không cần thành tích được?
Quan niệm "luyện gà" có thể tồn tại cách đây 20 - 30 năm, khi những nước đó chưa chú trọng lắm vào kỳ thi thì mình đã tập trung hơn họ rồi. Còn bây giờ thì ngược lại. Trong khi "gà" của nước người ta được chăm chút hơn thì mình chỉ làm ở mức độ vừa phải.
Vậy nghĩa là quốc gia nào đi thi Toán quốc tế cũng hướng đến mục tiêu thành tích trước nhất, chứ không riêng Việt Nam?
Tất nhiên rồi. Đặc biệt là những nước lớn, nếu bị điểm kém họ sẽ không vui. Họ không chịu để có thành tích thấp đâu, bao giờ cũng cố gắng để cạnh tranh 3 vị trí top đầu. Khi nói chuyện với các trưởng đoàn, có thể thấy rõ sự ganh đua, nước nào cũng muốn đạt thành tích tốt cả thôi.
Tôi không thể bảo con phải thích Toán được
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, cá nhân thầy nhận thấy giữa một học sinh học Toán ở bậc phổ thông và một học sinh học Toán để thi quốc tế có gì khác nhau?
Với học trò phổ thông, thầy cô chủ yếu giảng dạy bài toán chuẩn mực, kiến thức nhẹ nhàng. Mục đích chủ yếu là giúp em hiểu công thức, áp dụng được để thi Đại học và các bài thi phổ thông khác.
Còn những bạn thi học sinh giỏi quốc tế, phương pháp giáo dục họ lại khác hẳn. Kiến thức Toán học đi sâu hơn không chỉ đòi hỏi các em nắm được vấn đề, mà còn phải tư duy. Để giáo dục các bạn học sinh giỏi thì cần tạo cho họ một sự say mê. Điều này không khó vì bản thân những bài toán hay có thể tạo cho em nhiều hứng thú, cũng như rèn luyện tư duy tốt.
Về đời sống tinh thần, bên học sinh học phổ thông có thể thoải mái hơn rất nhiều. Các em học "vừa phải", do đó có điều kiện để tiếp thu những thứ khác chẳng hạn như âm nhạc, thời trang, kể cả trò chơi điện tử… Còn những em thi đấu quốc tế phải rèn luyện nhiều hơn, chấp nhận từ bỏ thời gian tận hưởng cuộc sống không nhiều bằng học sinh phổ thông.
Có quan điểm rằng: Học sinh nước ta chỉ giỏi giải Toán, giỏi học lý thuyết chứ chưa biết áp dụng công thức vào phát minh như nhiều cường quốc khác. Thầy đánh giá sao về nhận định này?
Điều này cũng có ý đúng. Vì Việt Nam du nhập Toán học chưa lâu, trong khi nước người ta đã nghiên cứu bộ môn này từ ngàn năm, bắt đầu đi từ "gốc" của vấn đề rồi. Khi người ta làm Toán, mục đích tối thượng là ứng dụng. Toán học phát triển thế nào mà tách rời thực tế thì cũng sẽ bị dừng lại.
Nước ta đi sau, nên chúng ta không có một nền móng, cấu trúc vững chắc để đi xuyên suốt từ lý thuyết đến thực hành. Mình phải chấp nhận điều đó. Tôi nghĩ cách học hiện nay là một phương pháp tiếp cận tốt để không thua kém nước ngoài. Còn khi chúng ta đã đủ trình độ, cơ sở vật chất để tự phát triển từ lý thuyết thành ứng dụng, đó lại là một câu chuyện khác.
Mặc dù Toán là môn giảng dạy chính trong chương trình phổ thông, nhưng vẫn còn rất đông học sinh "sợ" Toán. Thầy thấy điều này có đáng lo ngại không?
Yêu ghét là một điều tự nhiên, làm sao có thể yêu cầu mọi người cùng yêu hay ghét một thứ được? Do đó, nói có những em không thích Toán hay bất kỳ môn học nào khác, tôi nghĩ đó là tình trạng chung của xã hội thôi, không đáng lo ngại.
Ngay cả mấy đứa nhỏ nhà tôi, có đứa giỏi Toán nhưng không thích Toán, có đứa lại không giỏi Toán chút nào. Tôi không thể bảo con phải thích Toán được, vì như thế là áp đặt.
Mà theo tôi, Toán còn được xếp vào trong các môn được nhiều em thích. Bởi vì Toán học chặt chẽ, logic, nói "một là một, hai là hai", chứ không có chuyện nửa vời. Trong khi, con người Việt Nam thì có vẻ lại thiên hướng thích những thứ logic.
Vậy thầy có định hướng cho con theo đuổi chuyên ngành Toán học không, thưa thầy?
Tôi nghĩ mình chỉ có thể khuyến khích chuyện đó thôi, chứ không thể yêu cầu nó phải thích Toán. Điều này tôi không làm được.
Nhất là thời đại bây giờ, mình chỉ có thể khuyến khích con, chứ không thể áp đặt. Nói đơn giản, mình cũng rất muốn con học Toán, nhưng khi mấy em đã có lựa chọn thì mình sẽ khuyến khích con làm chọn lựa đó. Kinh nghiệm của mình không phải để hướng các em làm cái này cái kia, mà để củng cố tinh thần con.
Học sinh ngày nay có những sai lầm nào khi học Toán, thưa thầy?
Đầu tiên là vấn đề tâm lý. Có nhiều em thấy Toán là sợ, nhưng nếu cho các em làm dạng bài bình thường trong suốt thời gian dài, các em sẽ dần tự tin. Và khi vượt qua được trở ngại tâm lý thì kết quả học Toán cũng tốt lên.
Thứ hai là nhiều em chưa cẩn thận. Toán học là những con số, khi làm xong thì cần kiểm tra lại vì môn này rất dễ nhầm. Nhưng có những em lại chủ quan, không thèm kiểm tra lại đáp án. Chẳng hạn nếu bài toán được 10 điểm, các em có thể chỉ được 5 điểm vì mắc lỗi sai ngớ ngẩn.
Thầy có lời khuyên nào giúp các em hết sợ môn Toán không, thưa thầy?
Những bạn đã học giỏi Toán rồi thì tôi không nói ở đây. Tôi nghĩ tình yêu phải bắt đầu từ hiểu vấn đề. Hiểu ở đây là học sinh hiểu công thức, kết quả tương đối đạt 7-8 điểm là được rồi, chứ đừng vội bắt các em tìm hiểu quá sâu sắc về lý thuyết, nền tảng này nọ.
Khi đó, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Thầy cô phải đưa những dạng bài vừa sức với các em, dạy thế nào phải kiểm tra đúng cái đó, các em đạt được điểm cao thì mới tự tin học Toán. Đã có tự tin thì các em sẽ dần học tốt thôi.
Giữa học sinh chăm chỉ và học sinh thông minh, có năng khiếu, thầy thích giảng dạy ai hơn?
Em nào cũng được. Miễn em đó tích cực tham gia thảo luận trên lớp cùng tôi.
Trong năm 2023, thầy có dự định tiếp tục dẫn dắt đoàn học sinh Việt Nam tại kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế?
Cái đó tôi không dự định được mà còn phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT. Bên Bộ tin tưởng ai có thể giúp họ thì họ sẽ đề nghị thôi.
Và nếu như Bộ cảm thấy cần một thế hệ trẻ thay thế, bắt đầu dẫn dắt học sinh thi quốc tế thì quá tốt. Nếu chưa có, tôi sẽ xem mình như một người già, đứng ra tạm thời gánh vác một chút để sau này cho những em trẻ đảm đương thay.
Cảm ơn thầy đã dành thời gian chia sẻ, chúc thầy năm mới vui vẻ!
Tags