(Thethaovanhoa.vn) - Triệu vết chân kiến (NXB Văn học) là tác phẩm đầu tay của tác giả Phụng Thiên. Phụng Thiên tên thật là Nguyễn Văn Thiển, từng học khoa Viết văn- Báo chí (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du, thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội).
Cuốn sách được kể theo lối đồng thoại dạng Dế Mèn phiêu lưu ký. Với 138 trang in, tác giả đã đưa độc giả đến với thế giới loài vật với nhiều mẩu chuyện nho nhỏ, xinh xắn đáng yêu nơi thế giới loài vật.
Điều khó khi viết truyện thiếu nhi ở thể loại này là, tác giả gần như phải vào vai các loài vật, cụ thể ở đây, tác giả hóa thân làm một chú kiến nhỏ. Chú kiến này xuất thân dòng dõi cao quý, nên tính cách có phần kiêu bạc. Được biết, đây dự kiến mới chỉ là phần 1 của tập sách, nhưng đã có biết bao nhiêu bài học được tác giả gửi gắm cho độc giả, đặc biệt là các cháu thiếu nhi, như: Bài học về lao động, về tình bạn, về sự kiêu ngạo, về sự đoàn kết, về tình yêu thương, về mưu mô, về thói xấu, về sự hách dịch, về lòng khiêm tốn, về sự dũng cảm, về sự đùm bọc, về những cạm bẫy của cuộc đời…
Hành trình phiêu lưu của chú kiến tới nhiều miền đất khác nhau, gặp gỡ các loài vật với đủ mọi tính cách, phong tục, thói quen… khác nhau. Tác giả đã đưa chúng ta tới với một thế giới với những khám phá về thế giới động vật. Những câu chuyện nho nhỏ của các con vật ngộ nghĩnh như là bóng hình của cuộc sống loài người chúng ta.
Cách chơi chữ của tác giả khiến độc giả rất hào hứng khi hình dung về thế giới loài vật. Ví như trong cuộc sống chúng ta thường nghe câu “Thấy người sang bắt quàng làm họ”, tác giả đưa vào văn cảnh “Chẳng phải hắn thấy sư tử sang mà bắt quàng làm họ” khi miêu tả về một chú chuột và một chú sư tử. Câu này làm chúng ta liên tưởng tới lối văn của Tô Hoài trong Dế Mèn phiêu lưu ký, khi miêu tả về một tình thế nguy hiểm "Tính mệnh ngàn cân treo đầu sợi râu"- vì con dế không có tóc như người, nên phải biến tấu đitừ câu quen thuộc của dân gian “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Một số câu khác có thể kể tới trong văn của Phụng Thiên như: Ở nhà với kiến mẹ biết ngày nào khôn (từ câu: “Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”); Chân làm hàm nhai, chân quai miệng trễ (“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”- tục ngữ). Kiến không có tay nên tác giả còn dùng từ “chân” trong “chân bắt mặt mừng” (thay cho “tay bắt mặt mừng”)…
Nhiều bài học trong cuộc sống được tác giả gửi gắm. Chẳng hạn như bài học về lao động, được tác giả miêu tả khá tỉ mỉ: “Thật khó để tìm ra được một kiến lười biếng trong môi trường mà ai ai cũng lấy lao động làm niềm vui, coi sự tự ý thức là kỷ luật vững vàng nhất tạo nên thành công của cả đàn kiến. Để có được tinh thần lao động mà kiến nào cũng tự hào, không ít loài phải học hỏi, kể cả loài người, từ hàng ngàn năm nay, từ khi chào đời, chúng tôi đã được dạy bảo đến nơi đến chốn…”.
Hay như bài học về sự kiêu ngạo, tác giả tả về một chú chuột: “…Chuột ta khệnh khạng đi lại trong rừng, thỉnh thoảng lại đưa tay vuốt cái trán của mình, chú tự cho đó là một bộ óc bách khoa của muôn loài. Chú thường ngủ suốt ngày, đôi mắt ti hí như ngày càng nhỏ đi. Hôm nào không ngủ là chú thường dõi ánh mắt khinh thường của mình tới muôn loài… Sự xuất hiện của sư tử khu vực này rõ ràng làm xáo trộn nếp sống yên bình nơi đây. Thoạt đầu, chuột có vẻ mất bình tĩnh. Ngay sau đó, với bản tính ngông nghênh chẳng coi ai ra gì, chuột ta ngồi khoanh chân lại trỏ mặt sư tử mà bảo: Ông lâu nay là chúa tể sơn lâm mà không biết ta, một con chuột nổi tiếng nơi đây ư?...”.
Bài học về những mưu mô khi tác giả mô tả về một chú cáo: “Một con bò kia tới gặp một chú cáo để bàn mưu lật đổ gã chúa sơn lâm. Cáo từ tốn bảo: Anh đừng lo, đã có tôi đây bày cách thì thế nào anh cũng thành công. Thế là bò ta khoan khoái gật đầu đồng ý. Sau một lát bàn tính, bò ta xông lên quát vào mặt hổ:
- Ông hãy nhường vai trò làm chủ cánh rừng này cho ta.
- Ngươi ăn gì mà to gan thế, sức ngươi tới đâu mà dám hoạnh họe với ta.
- Đừng có nhiều lời, hãy cho ta lên làm chúa tể khu rừng này.
- ‘Dế Mèn phiêu lưu ký’ của Tô Hoài được phóng tác thành kịch vui
- Dế Mèn phiêu lưu ký, tác phẩm Việt Nam có tinh thần nhân loại
Hổ ta không nói không rằng, chồm tới xé tan xác chú bò ngu xuẩn mà ăn ngấu nghiến. Từ đằng xa, cáo ta thấy vậy bèn lẻn đi tìm kế tiếp theo. Mấy hôm sau, một con lợn gặp cáo cũng xin được tìm một vai vế xứng đáng hơn chứ không phải sống chui lủi mãi trong bụi rậm. Cáo ta lại đồng ý giúp đỡ… Lợn cũng phải chịu số phận như bò…”.
Bài học về sự đoàn kết, nhất là trong những lúc hiểm nguy cũng là một bài học đáng quý. Tác giả đặc tả trong một đoạn khi kể về hành trình sang sông của cả đàn kiến: “Chúng tôi tập trung xếp hàng xuống nước, bám vào bờ, rồi cứ lần lượt bám nhau thành mảng lớn. Kiến này cắn vào thân kiến nọ. Cứ thế, những kiến trẻ trung đầy cơ bắp thì xuống trước. Lần lượt từng lớp từng lớp bám đuôi nhau xuống. Chúng tôi sẽ tạo nên một tập thể hùng hậu dựa trên tinh thần đoàn kết bất khuất vốn là sức mạnh được cả thế giới loài vật và người khổng lồ thừa nhận…
Trong phút chốc, có tới 4 tên cá vây bọc lấy miếng mồi đầy béo bở. Chúng đua nhau đớp lấy từng miếng to một. Mỗi lần như thế, có tới hàng chục kiến đã biến mất mãi mãi trên tấm thảm vững vàng kia. Mặt nước càng chuyển động ác liệt. Tiếng kêu sợ thét lên của các kiến nhỏ càng làm náo động thêm… Lũ cá dữ dằn vẫn lượn đi lượn lại trước món ăn ngon lành ấy. Đột nhiên có mấy kiến bên cạnh tôi kêu xé lên trước khi bị lủm vào trong miệng một con cá lớn. Ở bụng tôi hàm răng đen của bạn ấy còn bám lại…”.
Mỗi bài học nho nhỏ ấy sẽ dễ thấm vào tâm hồn trong sáng của trẻ thơ. Trẻ thơ có tâm hồn trong sáng, nên những gì được tiếp xúc và dạy bảo sẽ dễ lưu vào trí nhớ suốt cả cuộc đời. Văn học thiếu nhi là một đề tài không hề dễ dàng đối với các tác giả muốn đặt chân vào, chúng ta cùng hy vọng vào Phụng Thiên từ sau Triệu vết chân kiến.
Đỉnh Vân
Tags