(Thethaovanhoa.vn) - Không biết 2 nhạc sĩ Pierre Delanoe và Hubert Giraud có yêu thích thơ Heinrich Heine không, bởi ca khúc đầy số mệnh của họ Il Est Mort Le Soleil (Mặt trời đã chết) chẳng phải đã được thi sĩ người Đức đau lòng thốt lên trong bài Những bông hồng tái nhạt: “Vì sao trên cánh đồng/ Mặt trời buồn ảm đạm? Sao trái đất quạnh hiu? Mang một màu tang xám?”.
Il Est Mort Le Soleil, dù được sáng tác bởi 2 tác giả lừng danh, nhưng lại chẳng được chú ý đến mấy cho tới khi một nhà ảo thuật xuất hiện, cúi xuống chiếc mũ diệu kỳ của mình… Ca khúc đã được Phạm Duy đặt tựa Việt là Nắng đã tắt:
Mặt trời đã chết hè đã hết và nắng chết,
Chết luôn đôi con tim, khi chúng ta lìa duyên.
Con tim âm u như mặt trời câm...
Mặt trời đã chết
Pierre Delanoe nằm trong số những tác giả tài năng nhất thời đại của ông, người sẽ mang nhạc Pháp lên tầm cỡ quốc tế với rất nhiều ca khúc đình đám thế giới. Chính ông là người đồng sáng tác các ca khúc Et Maintenant, Je T’appartiens, Crois-moi Ca Durera từng được Elvis Presley, Agnetha Faltskog, Frank Sinatra, Barbra Steisand, Cher, Bob Dylan, Nat King Cole… hát lại; hay ca khúc thắng giải Eurovision năm 1958Dors, Mon Amour.
Trong khi đó, Hubert Giraud là nghệ sĩ dương cầm lớn của Pháp đồng thời cũng là người khuếch trương nhạc Pháp ra toàn thế giới với nhiều nhạc phẩm bất hủ như Sous Le Ciel De Paris. Ông lại chính là người đồng sáng tác ca khúc Dor, Mon Amourvới Delanoe. Như vậy, trước khi cùng nhau viết Il Est Mort Le Soleil, cặp đôi đã có màn hợp tác cực kỳ tiếng tăm, lại đều đang ở trên đỉnh sự nghiệp của mình.
Họ đã quyết định trao ca khúc này cho cô gái trẻ Nicoletta, người năm đó mới 24 tuổi nhưng đã là nàng thơ của các đài phát thành và truyền hình.
Nicoletta được sinh ra bởi người mẹ thiểu năng, sau một vụ cưỡng hiếp (sau này, cô đã hát hit Mama Blue để dành riêng tặng người mẹ). Cô đến với âm nhạc với tư cách thành viên của dàn hợp xướng ở nhà thờ địa phương. Lúc đó, cô vẫn đang làm việc cả ngày ở tiệm giặt là và một phòng khám.
Được sự khích lệ của nhạc sĩ Leo Missir, cô ký hợp đồng với hãng đĩa Barclay và lập tức ra một loạt hit, gồm L’Homme A La Moto, Pour Oublier Qu’on S’est Aime. Năm 1967, cô nhận thu âm ca khúc Il Est Mort Le Soleil- viết về nỗi đau khi người yêu ra đi, một nỗi đau khiến mặt trời và mùa Hè cũng chết, bóng đen bao trùm cuộc đời và linh hồn khoác lên bộ áo xám xịt; một nỗi đau khiến ngày hôm qua - ngày mà anh còn ở bên - dù là mùa Đông cũng vẫn ấm áp, rực rỡ bởi tràn ngập đôi mắt màu biển của anh; một nỗi đau mà vì nó, giờ đây mọi thứ đều vô nghĩa như nhau.
Tại sao một ca khúc được tạo nên bởi 3 cái tên đang đình đám của Pháp lại chịu số phận hẩm hiu sau khi ra mắt? Lý do có lẽ đã được nói rõ ở trên: Bản ballad đó quá u sầu, khiến các nhà đài cũng phải xa lánh.
Thế nhưng, một ngày kỳ diệu đã xảy ra, biến Il Est Mort Le Soleil thành mặt trời soi sáng cả sự nghiệp của Nicoletta.
Mặt trời sống mãi
Đó là ngày mà Nicoletta sẽ nhớ mãi, ngày mà cô nói trên tạp chí danh tiếng Paris Match là “ngày mà Ray Charles trở thành nhà ảo thuật gia của tôi”.
Năm 1967, Nicoletta đang đứng đầu các BXH với ca khúc La Musique. Cô, một cô gái trẻ vô danh tới từ Thonon-les-Bains, bỗng trở thành tâm điểm chú ý. Cuộc sống của cô giờ là ở trên những cung đường. Cô đang ở Canada thì được mời tới một hòa nhạc do hãng đĩa của cô phân phối. Đó là hòa nhạc của huyền thoại Mỹ Ray Charles - nghệ sĩ da đen tiên phong của dòng soul những năm 1950.
Sau đêm diễn, cô cùng giám đốc nghệ thuật Leo Missir tới gặp Charles ở phòng thay đồ. Charles chào đón cả 2 với chất giọng nồng nhiệt nhớ nhung. Ông mời họ đi ăn tối và trên đường về, nhận đĩa và ghi số điện thoại cùng địa chỉ của cô ở Paris vào sổ chữ nổi. Trên đĩa đó có ca khúc Il Est Mort Le Soleil.
Những tưởng mọi thứ chỉ là câu chuyện xã giao. Không ngờ, vài tuần sau, vào một buổi tối, Nicoletta bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại tới từ một giọng Mỹ mạnh mẽ: “Cô có phải là cô Nicolette không?” Bất ngờ nhưng cô nhận ngay ra giọng Ray Charles. “Tôi đã nghe giọng của cô và phải lòng nó. Il Est Mort Le Soleil, bài hát ấy là về điều gì?”.
Vì Charles bị mù nên Nicolette khó mà tìm lời cắt nghĩa, nhất là khi tiếng Anh của cô cũng chỉ ở mức i tờ. Thế nên, cô chỉ đơn giản nói nó là về “Chuyện tình yêu, mặt trời đã chết, đây là cái kết của tình yêu”. “Tôi muốn dịch và hát nó” - Charles hào hứng. Nicoletta cứ tưởng mình đang ngủ mơ. Nhưng 1 tháng sau, cô đã được công ty sản xuất của Charles mời tới New York. Cô liền gọi cho một người bạn chuyên viết lời ca khúc, Ann Gregory, và thuyết phục bạn đi cùng.
Họ cùng tới một nhà hàng sang trọng, nơi Charles bị yêu cầu đeo cà vạt. Sau bữa tối, ông để lại 50 USD tiền boa (khoảng gần 400 USD theo tỷ giá hiện nay) rồi mời các cô gái tới khu Harlem của người da đen. 2 cô lo lắng nhưng không từ chối. Tại câu lạc bộ Baron, 2 cô là những người da trắng duy nhất. Khách nhìn họ nghi ngại nhưng chạm vào Charles như thể ông là một vị thần sống. Ngay ngày hôm sau, họ cùng nhau viết lời Anh cho Il Est Mort Le Soleil.
Khi trở lại Paris, Nicoletta kể lại chuyện cho các đối tác của mình nghe. Cả Missir và Delanoe đều cười xòa, nói cô đừng ngủ mơ nữa. Vào thời điểm đó, chỉ mới có một ca khúc Pháp được Mỹ hóa là My Way. “Tôi không bao giờ quên cái nhìn của họ khi tôi nói với họ đó là sự thật” - Nicoletta thích thú nhớ lại. “Khi Ray Charles hát cho tôi nghe phiên bản của ông, The Sun Died, tôi chỉ ước gì thời gian lúc đó hãy ngừng trôi”.
Huyền thoại đã được sinh ra từ những khoảnh khắc tình cờ như thế. Charles đã phải lòng Il Est Mort Le Soleil ngay từ khi mới nghe giai điệu của nó nhưng có lẽ chính ca từ u sầu mới khiến ông nhận ra đó là định mệnh và sau này, chạm vào tim của bao người khi hát bản The Sun Died. Mặt trời chết làm Charles nhớ lại một thời xa vời, khi ông bị mù năm lên 7 do gia đình quá nghèo không có tiền chữa bệnh mắt. Nhưng trong tâm trí của Charles, vẫn mãi còn hình ảnh nắng chiếu rực rỡ lấp lóa trên mặt hồ vào chiều Hè, trước khi nó tắt đi vĩnh viễn.
Tình yêu trong Il Est Mort Le Soleil có lẽ cũng vậy, nó sống mãi bởi nó đã chết. “Vì sao anh đau khổ? Em hãy nói giùm anh? Em nói đi em hỡi! Vì sao em bỏ anh?” - như nỗi day dứt khôn nguôi trong Những bông hồng tái nhạt của Heine.
(Còn tiếp)
Tiếng thét từ trái tim bị tổn thương Ca khúc Il Est Mort Le Soleil cũng nổi tiếng tại Việt Nam từ cuối thập niên 1960 qua bản lời Việt da diết của nhạc sĩ Phạm Duy với tên gọi đã được làm nhẹ đi là Nắng đã tắt. Tuy nhiên, phần ca từ vẫn giữ nguyên nỗi đau đớn, u ám về một tình yêu đã chết. Ca sĩ Thanh Lan đã khiến bao người rơi lệ khi thể hiện bản lời Việt này. Il Est Mort Le Soleil là một bản ballad. Giai điệu nhiều biểu cảm, nhiều đoạn vút cao, kịch tính, da diết như tiếng thét từ trái tim đầy tổn thương, trên nền bè bass “dìu dặt”. Ngôn ngữ âm nhạc của Il Est Mort Le Soleil quả lớn lao, nó khiến cho con tim ở bất cứ nơi đâu cũng phải thổn thức. Ngoài Il Est Mort Le Soleil, Nicoletta cũng nổi tiếng tại Việt Nam qua ca khúc Je Ne Pourrai Jamais T’oublier- được tác giả Nhật Ngân đặt lời Việt có tựa đề là Mưa trên biển vắng. |
Thư Vĩ
Tags