Thất bại 0-4 của Indonesia trước Nhật Bản tại vòng loại World Cup 2026 đã gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội nhắm vào HLV Shin Tae Yong.
Nhiều ý kiến từ giới chuyên môn và người hâm mộ cho rằng ông không còn xứng đáng dẫn dắt đội tuyển quốc gia Indonesia. Tuy nhiên, việc sa thải ông Shin có thực sự là giải pháp đúng đắn hay không vẫn là câu hỏi đáng suy ngẫm.
HLV Shin Tae Yong có đáng bị sa thải?
Bung Towel, cựu giám đốc đào tạo trẻ của Liên đoàn bóng đá Indonesia, là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất. Ông chỉ trích HLV Shin vì không biết tận dụng nguồn lực với 14 cầu thủ nhập tịch chất lượng, trong khi chiến thuật của đội bóng bị đánh giá là đơn điệu và thiếu sáng tạo, dẫn đến trận thua bạc nhược trước Nhật Bản. Bung Towel nhấn mạnh rằng những lời hứa hẹn về sự tiến bộ của ông Shin đã trở thành ảo tưởng, khiến người hâm mộ thất vọng nặng nề.
Nhiều cổ động viên Indonesia cũng chia sẻ quan điểm này. Họ cho rằng, bất chấp việc liên tục bổ sung cầu thủ nhập tịch, đội tuyển không có bước tiến đáng kể. Một số người kêu gọi HLV Shin từ chức hoặc bị sa thải nếu Indonesia tiếp tục thất bại trong trận đấu sắp tới với Saudi Arabia.
Tuy nhiên, việc thay thế HLV Shin ngay lúc này có thể không phải giải pháp tốt nhất. Dưới sự dẫn dắt của ông, Indonesia đã đạt được những thành tích lịch sử như vượt qua vòng bảng Asian Cup và lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup, điều mà bóng đá nước này chưa từng làm được trước đây. Dẫu vậy, những kỳ vọng quá cao từ người hâm mộ và liên đoàn có thể khiến ông gặp áp lực không nhỏ.
Thay vì sa thải HLV Shin, vấn đề thực sự cần được giải quyết là một chiến lược dài hạn, đồng bộ trong việc phát triển bóng đá Indonesia. Đặt mục tiêu World Cup là 1 tham vọng lớn, nhưng nó chỉ khả thi khi nền bóng đá có sự đầu tư hợp lý, thay vì phụ thuộc vào kết quả tức thời. Nếu được trao thêm thời gian và sự hỗ trợ, ông Shin vẫn có thể đóng góp cho sự tiến bộ của bóng đá Indonesia.
Từ HLV Shin, nhớ lại ông Park và Kiatisuk
HLV Shin Tae Yong đang đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ người hâm mộ Indonesia. Đáng chú ý là trước đó, chính những cổ động viên này từng gây áp lực để PSSI gia hạn hợp đồng với ông Shin, nhờ những thành tích lịch sử như đưa Indonesia lần đầu vào vòng loại thứ 3 World Cup hay chiến thắng trước U23 Hàn Quốc ở U23 châu Á.
Thành công mang đến kỳ vọng, nhưng đôi khi kỳ vọng lại vượt xa khả năng thực tế. Cổ động viên Indonesia mong muốn đội tuyển giành vé dự World Cup 2026, dù bảng đấu đầy những tên tuổi lớn như Nhật Bản, Úc, và Saudi Arabia. Họ bỏ qua thực tế rằng bóng đá Indonesia cần một quá trình phát triển dài hơi để cạnh tranh ở tầm châu lục.
Trường hợp của HLV Shin Tae Yong gợi nhớ đến các HLV Kiatisuk và Park Hang Seo. Tại vòng loại World Cup 2018, Kiatisuk từ chức sau khi Thái Lan chỉ giành được 2 điểm. HLV Park Hang Seo, dù tạo nên kỳ tích với đội tuyển Việt Nam, cũng phải đối mặt với sự chỉ trích khi đội bóng liên tục thất bại ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Sau khi Kiatisuk rời đi, bóng đá Thái Lan bước vào giai đoạn khó khăn, không còn duy trì vị thế số một Đông Nam Á. Tương tự, tuyển Việt Nam hiện cũng sa sút sau khi HLV Park chia tay. Dưới thời HLV Troussier, đội bóng không thể lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026, dù chỉ phải đối đầu với các đối thủ không quá mạnh như Indonesia, Philippines, và Iraq.
Những kỳ tích như của HLV Park Hang Seo hay Shin Tae Yong không chỉ mang lại niềm tự hào mà còn thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, khi đặt kỳ vọng vượt xa năng lực thực tế, bóng đá các quốc gia Đông Nam Á có thể đối mặt với sự bất ổn. Bài học từ Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia là giấc mơ World Cup cần đi đôi với sự đầu tư bài bản và lâu dài.
Trong bối cảnh World Cup mở rộng lên 48 đội, sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt khi những đội bóng như Uzbekistan, UAE, Qatar hay Iraq cũng đang khát khao hơn bao giờ hết. Đây là thách thức lớn với bóng đá Đông Nam Á, khi các đội tuyển như Việt Nam và Indonesia mới chỉ 1 lần góp mặt ở vòng loại thứ 3, trong khi Thái Lan có 2 lần. Thay vì mơ mộng, sự đầu tư bài bản và chiến lược dài hạn sẽ là chìa khóa cho những giấc mơ lớn lao hơn.
Indonesia còn bao nhiêu cơ hội giành vé?
Sau thất bại 0-4 trước Nhật Bản, cơ hội giành vé dự World Cup 2026 của Indonesia trở nên mong manh. Hiện tại, đội bóng của HLV Shin Tae Yong xếp cuối bảng C vòng loại thứ 3 khu vực châu Á với 3 điểm sau 5 trận, trong khi Nhật Bản dẫn đầu với 13 điểm.
Theo dự báo từ trang Footy Rankings, Indonesia có tới 84% khả năng kết thúc ở một trong hai vị trí cuối bảng. Cơ hội để đội đứng thứ 3-4 là 16%, trong khi khả năng vươn lên hai vị trí đầu bảng, vốn đủ điều kiện đi tiếp, gần như bằng không, chỉ 0,5%.
Ở vòng loại này, 2 đội đứng đầu mỗi bảng giành vé dự World Cup. Các đội xếp thứ 3-4 sẽ tranh vé vớt, còn 2 đội cuối bảng bị loại.
Tags