Tạp chí Time này khuyến cáo “các bậc cha mẹ khi xem phim hãy đi cùng một trẻ nhỏ biết thấu hiểu”.
Inside Out là phim hoạt hình 3D do Pixar sản xuất và Walt Disney phát hành. Phim kể về cô bé Riley Anderson (Kaitlyn Dias lồng tiếng), người có 5 cảm xúc, gồm Vui, Buồn, Tức giận, Ghê tởm và Sợ hãi.
Các cảm xúc này cũng là nhân vật trong phim do Amy Poehler, Lewis Black, Mindy Kaling, Bill Hader và Phyllis Smith lồng tiếng.
Trẻ con chỉ được phép vui?
Mọi bậc cha mẹ đều mong con cái mình được hạnh phúc. Nhưng trong lịch sử, hạnh phúc đó đồng nghĩa với việc cung cấp cơm ăn, áo mặc, bảo vệ tính mạng và tổn thương thể xác. Vậy khi những vấn đề đó không nghiêm trọng đến thành một nỗi đe dọa, thì hạnh phúc còn là những gì?
Trong Inside Out, cô bé Riley cùng bố mẹ chuyển đến một thành phố mới, cô phải nương tựa vào 5 người bạn cảm xúc để đối mặt với cuộc sống mới. Phim là một ví dụ về nỗi ám ảnh của các bậc cha mẹ trong xã hội hiện đại khi họ phải giữ con cái trong một tâm trạng vui vẻ mãi mãi.
Như mọi bộ phim khác của hãng Pixar, các nhân vật của Inside Out bị cuốn vào những cuộc phiêu lưu không chủ ý. Ở đây, họ phiêu lưu trong thế giới của bộ não con người với Vui và Buồn là những nhân vật quan trọng.
Vui là một người say mê công việc, luôn năng nổ làm mọi thứ để “nhà máy nhỏ”, tức bộ não của Riley, được ngập tràn trong niềm vui và những suy nghĩ tích cực. Cô cố gắng giữ các đồng nghiệp Tức giận, Ghê tởm và Sợ hãi cách xa Riley.
Nhưng nhiệm vụ chính của Vui là loại bỏ Buồn. Đôi bàn tay bụ bẫm màu xanh của Buồn không được quyền chạm đến mọi ký ức tuổi thơ trong bộ não của Riley, đó là sứ mệnh Vui nhận về mình.
Các viên tròn đại diện cho những ký ức quan trọng nhất của Riley. Khi sáng rỡ, chúng thể hiện cảm xúc vui, còn khi ngả sang màu xanh tối có nghĩa là buồn. Vui đã cố gắng hết sức để sắc xanh đó không trở thành vĩnh viễn. Nhưng cuối cùng, Riley vẫn lâm vào nguy hiểm.
Nỗi buồn cũng quý giá như niềm vui
Không thể không nhận ra ẩn dụ về nghĩa vụ làm cha mẹ ở đây. Nuôi dưỡng và bảo vệ con cái từ các mối đe dọa hiện hữu không còn là những nhiệm vụ cấp thiết như ngày trước, nhưng bản năng biến con thành những đứa trẻ hạnh phúc chưa bao giờ mất đi.
Vì vậy, các bậc cha mẹ vẫn có triệt tiêu mọi điều tiêu cực như mất mát, thất bại, đau đớn, buồn… khỏi trái tim đứa trẻ, đổ ngập vào đó niềm vui, như Vui đã làm trong phim. Nhưng ý muốn đó đòi hỏi nỗ lực lớn vô cùng, khiến bất cứ ai đều có thể mệt mỏi, kể cả người ngập tràn năng lượng như Vui.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn là, thiếu nỗi buồn, đứa trẻ sẽ lấy đâu ra độ đàn hồi cho tâm hồn? Vui đã xây một hòn đảo an toàn trong bộ não của Riley để cô bé tiếp nhận ít nhất có thể những ảnh hưởng từ Tức giận, Ghê tởm, Sợ hãi và hầu như không nhận được gì từ Buồn.
Nhưng hòn đảo đó lại vô cùng yếu ớt và nhợt nhạt, chẳng khác nào con người khi sống mà chỉ biết đến niềm vui. Đó là một nghịch lý, nhưng lại là sự thật.
Trong cuốn sách Grit viết về tâm lý trẻ nhỏ, tác giả Paul Tough trích lời hiệu trưởng một ngôi trường nổi tiếng ở Mỹ: “Để xây dựng sự gan góc và khả năng tự kiểm soát, bạn phải vượt qua thất bại. Trong khi đó, ở hầu hết các môi trường học thuật ở Mỹ, không một ai từng thất bại”.
Inside Out cũng nói lên thực tế đó, theo cách nhẹ nhàng hơn: Chúng ta đang làm cuộc đời của trẻ nhỏ trở nên bất hạnh vì chính những nỗ lực để chúng hạnh phúc hơn. Trong bộ phim, bố mẹ của Riley đã làm nhiều thứ mà họ nghĩ sẽ khiến con mình vui vẻ, như đề nghị đưa cô bé đi học, giúp cô bé gia nhập đội hockey… mà không để ý đến cảm xúc của con.
Với phim này, một lần nữa, Pixar lại chứng tỏ họ rất giỏi làm những bộ phim dành cho trẻ con nhưng đối tượng được thức tỉnh lại là người lớn.
Vấn đề quan trọng hơn là, thiếu nỗi buồn, đứa trẻ sẽ lấy đâu ra độ đàn hồi cho tâm hồn? |
Hạ Huyền (theo Time)
Thể thao & Văn hóa
Tags