Iran chiếu phim sử thi đắt giá 'Mohammad': Thể hiện 'hình ảnh đích thực của đạo Hồi'

Chủ nhật, 30/08/2015 11:32 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) -Mohammad: The Messenger Of God (Mohammad: Sứ giả của Thượng đế), dự án tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh Iran với mức kinh phí 40 triệu USD, đã ra mắt khán giả nước này từ hôm 27/8 và đã giành được nhiều lời ca ngợi của công chúng.

Đây là một phần trong bộ 3 tập phim về nhà tiên tri Mohammad của đạo diễn nổi tiếng Majid Majidi.

Lập tức chinh phục khán giả

Majidi cho biết, mục đích của ông là vẽ lại "hình ảnh đích thực của đạo Hồi", sau khi tôn giáo này bị những kẻ quá khích làm méo mó.

“Thật không hay khi công chúng thế giới đang coi Hồi giáo gắn liền với sự cực đoan, cuồng tín và bạo lực. Nhưng đó không phải  là hình ảnh của Hồi giáo. Các hành vi dã man của chủ nghĩa khủng bố, do các nhóm khủng bố tiến thành dưới vỏ bọc Hồi giáo, không hề liên quan tới đạo Hồi.

Đạo Hồi là một nền tôn giáo cổ súy hòa bình, hữu nghị và tình yêu. Tôi cố gắng nêu bật những yếu tố này trong phim” - Majidi nói từ Montreal, Canada.


Nhà làm phim Iran Majid Majidi

Bộ phim đang được chiếu ra mắt ở Montreal, chỉ vài giờ sau khi được trình chiếu ở quê nhà.

Có vẻ như bộ phim được làm để nhắm tới Oscar. Có thể thấy điều này ngay từ ê-kíp làm phim, gồm nhà quay phim Italy từng đoạt giải Oscar Vittorio Storaro. Trong khi đó, nhạc nền phim do nhà soạn nhạc Ấn Độ Allah Rakha Rahman biên soạn. Rahman đã đoạt giải Oscar với phần nhạc soạn cho quả bom tấn Triệu phú ổ chuột (Slumdog Millionaire) của nhà làm phim Anh Danny Boyle.

Abolfazl Fatehi, 21 tuổi, đã đi xem phim cùng gia đình của mình. Anh bày tỏ rằng mình rất thích bộ phim này. “Tôi nghĩ bộ phim này có thể là bước khởi đầu tốt dành cho những người không am hiểu về đạo Hồi” - anh nói.

Còn Mehdi Azar (25 tuổi), một nhân viên trong rạp chiếu phim ở Iran, cho biết: “Đây là một bộ phim dài. Ban đầu phim gây cảm giác nhàm chán, nhưng sau rốt nó vẫn chinh phục được khán giả, qua những hình ảnh gây ấn tượng thị giác mạnh".

*Gương mặt nhà tiên tri Mohammad không xuất hiện trên màn ảnh

Majidi phải mất 7 năm mới hoàn thành bộ phim dài 171 phút này, trong đó ông mất 4 năm để nghiên cứu những bài viết có nội dung trích dẫn lời răn dạy của Mohammad.

Đoàn làm phim đã tuân thủ quy định nghiêm ngặt của Hồi giáo, cấm việc mô tả lại hình ảnh về nhà tiên tri Mohammad. Vì lẽ đó, gương mặt ông sẽ không xuất hiện trên màn ảnh. Phim chỉ chiếu diễn viên hóa thân thành Mohammad từ phía sau, hoặc qua hình ảnh cái bóng của người này. Danh tính cậu bé đóng Mohammad thời thơ ấu cũng không được công bố.


Cảnh trong phim Mohammad: The Messenger Of God

Những hình ảnh miêu tả về nhà tiên tri Mohammad thường gây nên làn sóng giận dữ, do nhiều người Hồi giáo coi đây là hành động báng bổ. Hồi năm 2005, nhiều cuộc biểu tình bạo lực đã xảy ra, sau khi một tờ báo Đan Mạch đăng tải các hình ảnh biếm họa về nhà tiên tri.

Hồi tháng 1 năm nay, tòa soạn tờ báo trào phúng Charlie Hebdo của Pháp đã bị các tay súng cực đoan khủng bố, làm 12 người chết, do đã đăng tải hình biếm họa về Mohammad.

Một đề tài nhạy cảm

Mohammad là phim truyện nhựa thứ 2 về nhà tiên tri. Tác phẩm điện ảnh đầu tiên, mang tựa The Message (1976), do nhà làm phim Syria Moustapha al-Akkad đạo diễn. Trong phim này, nam diễn viên người Mỹ gốc Mexico Anthony Quinn thủ vai Hamza, chú của Mohammad.

Bộ phim này không mô tả gương mặt Mohammad trên màn ảnh, tuy nhiên vẫn khiến nhiều người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm. Hậu quả là Akkad đã bị giết trong một vụ đánh bom cảm tử ở Amman hồi năm 2005.

“Bạn không nghiên cứu về cuộc đời Mohammad thì sẽ không yêu quý Ngài và tính cách của Ngài. Nếu bộ phim này khiến công chúng thế giới hiểu được về nhà tiên tri và thấy Ngài tốt bụng như thế nào, coi như nó đã thành công” - Yusuf, một ca sĩ người Anh đã cải sang đạo Hồi, chia sẻ.

Giới quan sát đánh giá Mohammad: The Messenger Of God có thể ra đời một phần nhờ người Hồi giáo dòng Shiite ở Iran có quan điểm "thoáng" hơn những nơi khác, về cách thức mô tả các lãnh tụ Hồi giáo. Nhiều buổi chiếu phim Mohammad: The Messenger Of God thuộc các khu vực của người Shiite ở Iran đã bán hết vé. Trong khi đó, phim lại gây tranh cãi tại cộng đồng người Sunni.

Hiện, các nhà làm phim chưa công bố khi nào họ sẽ làm 2 tập phim tiếp theo, với nội dung kể về phần đời còn lại của nhà tiên tri Mohammed.

Theo các sử gia Hồi giáo, Mohammad sinh vào khoảng năm 570 tại Mecca và qua đời năm 632 tại Medina, thuộc miền Tây Saudi Arabia ngày nay. Các tín đồ Hồi giáo tin Mohammad là vị sứ giả cuối cùng mà Thượng đế gửi xuống để dẫn dắt nhân loại bằng thông điệp của đạo Hồi.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›