(Thethaovanhoa.vn) - Luật lệ rất đơn giản, nhưng nghiêm khắc và cần được tuân thủ, với bất cứ giá nào: nếu anh vô kỉ luật, anh sẽ bị trừng phạt, dù bất kể anh là ai, ngôi sao hay chỉ là cầu thủ dự bị. Và việc trừng phạt ấy thậm chí có thể được tiến hành trước những trận đấu vô cùng quan trọng của đội.
- 'Song sát' Higuain - Dybala tỏa sáng, Juventus bỏ xa Roma 10 điểm
- Cagliari 0-2 Juventus: Higuain rực sáng, Allegri đạt mốc 100 trận thắng
- Juventus thắng derby d’Italia: Quyền lực tuyệt đối
- Juventus 1-0 Inter: Cuadrado lập siêu phẩm sút xa. Inter tố trọng tài từ chối 2 quả 11m
Nhưng Juve đã làm vậy, và người bị trừng phạt, đẩy lên khán đài không phải ai khác mà chính là Bonucci, hòn đá tảng của hàng thủ Juve, người có uy tín lớn trong đội bóng chỉ sau mỗi Buffon. Bonucci, một nhân vật đầy ảnh hưởng không chỉ trên sân mà còn cả ngoài đời, trong phòng thay quần áo, trên báo chí. Tóm lại, một cầu thủ vô cùng đặc biệt.
Việc ấy xảy ra trước trận đấu với Porto, buộc Allegri phải thay đổi cả một sơ đồ chiến thuật, từ 3-5-2 quen dùng sang 4-2-3-1, với cặp trung vệ Barzagli-Chiellini được che chắn ở phía trên bởi Khedira và Pjanic, trong khi ba hộ công Cuadrado, Dybala và Mandzukic (anh chơi lùi hơn và lệch cánh một chút) phía sau trung phong cắm Higuain. Nhiều chuyên gia bóng đá Ý nói rằng, đấy là một sơ đồ mất cân bằng công thủ, và việc thiếu vắng một thủ lĩnh dày dạn kinh nghiệm như Bonucci có thể tác động tiêu cực lên khả năng phòng ngự, khi cả hai trung vệ nói trên đều vừa mới trở lại thi đấu sau một thời gian ngồi ngoài.
Nhưng bất chấp rủi ro, Allegri vẫn làm và không suy nghĩ lại. Một lí do quan trọng: ông nói riêng và Juventus nói chung đặt kỉ luật lên trên tất cả. Trừng phạt một cầu thủ vì vô kỉ luật trên thực tế không chỉ là một tín hiệu mạnh mẽ cho riêng anh ta, mà còn nhắm vào tất cả những kẻ cứng đầu đang ngấm ngầm chống đối hoặc ấm ức khác. Phạt Bonucci cũng là để răn đe nhiều người khác. Cách hành xử không bình thường của các cầu thủ trước dư luận có thể phơi bày nhiều điều không hay đang xảy ra trong nội bộ của đội bóng, và Allegri không thể để mất quyền kiểm soát phòng thay quần áo dường như đang nổi sóng ở mùa này.
Điều gì đang xảy ra với Juve? Việc họ đang hướng tới Scudetto thứ 6 liên tiếp và một cách biệt an toàn trước các đội đứng sau trong giai đoạn quan trọng này chẳng lẽ đang che giấu một điều gì đó bất ổn ở Juve trong mùa bóng này, và liệu có liên quan gì đến những tin đồn về việc Allegri có thể ra đi sau khi kết thúc mùa này không? Phải chăng có mâu thuẫn giữa Allegri với các cầu thủ và họ không hài lòng với ông? Trước khi xảy ra sự cáu giận và cãi vã tay đôi của Bonucci với Allegri trong trận Juventus-Palermo 4-1 cuối tuần trước là một loạt các sự kiện khác cho thấy dường như đã có nhiều điều sứt mẻ trong quan hệ giữa họ.
Người bị trừng phạt, đẩy lên khán đài không phải ai khác mà chính là Bonucci, hòn đá tảng của hàng thủ Juve, người có uy tín lớn trong đội bóng chỉ sau mỗi Buffon
Dybala không chào Allegri, Lichtsteiner giận dữ, Mandzukic nổi cáu, Khedira bực tức khi bị thay ra, trong khi Higuain cũng biểu lộ sự không hài lòng trong một trận đấu mà bản thân anh cũng chơi rất tệ. Allegri từng giải thích rằng, sự căng thẳng của các cầu thủ là “cần thiết” và do “mức độ cạnh tranh trong nội bộ rất cao”, nhưng thực tế như thế nào thì chỉ có ông và các cầu thủ mới biết.
Báo chí Italy viết rằng, sự rạn vỡ trong quan hệ Allegri-Bonucci (một người rất thẳng tính) đã diễn ra từ lâu và chỉ bùng nổ ở trận gặp Palermo. Hôm ấy, sau trận đấu, người ta chứng kiến họ giằng co với nhau trong phòng thay quần áo của sân Juventus Stadium và rồi hét vào mặt nhau. Vụ này chưa hề đóng lại, bởi Bonucci vẫn chưa xin lỗi Allegri và cũng không nhắc một lời nào đến điều này trên mạng xã hội mà anh hoạt động rất tích cực. Đấy là lí do tại sao Allegri buộc phải “gửi” anh lên khán đài ở trận gặp Porto, một điều khiến dư luận Italy lo ngại sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hàng thủ Juve và làm HLV Porto Nuno Espirito Santo sung sướng: “Bonucci không đá ư? Tôi rất vui”.
Ông nói thế trong buổi họp báo. Nhưng Allegri có lẽ cũng không thể làm khác, nếu không sẽ không còn uy với các cầu thủ. Không một HLV nào có thể chấp nhận việc một cầu thủ quan trọng của đội to tiếng với mình trước bàn dân thiên hạ, một chiến binh 30 tuổi đã có 7 mùa bóng và 300 trận đấu trong màu áo Juve. Gạt anh ra nghĩa là chấp nhận rủi ro. Xây lên một bức tường kỉ luật cũng có nghĩa là đương đầu với nguy cơ nó có thể sụp đổ, nhưng Juve sẽ làm tất cả để điều đó không thể xảy ra.
Những người hiểu biết về Juventus thực ra có thể không ngạc nhiên về những gì đã xảy ra và cách hành xử của những người cầm quân. Đội bóng này được xây dựng như là một nhà máy, và các cầu thủ phải là các công nhân. Các ngôi sao không phải là đốc công hay giám đốc mà cũng chỉ là công nhân. Mọi sự chống đối lại HLV hoặc đi ngược lợi ích tập thể đều bị trừng phạt, và sự cứng rắn của Juve trước các cá nhân là một nguyên nhân cho các chiến thắng tiếp nối chiến thắng. Huyền thoại Michel Platini từng kể rằng, vào những ngày đầu tiên tới Juve vào năm 1982, ông thấy các cầu thủ “lạnh” quá. Điều đó khiến ông bị sốc. Không ai chơi với ông. Người duy nhất ông có thể nói chuyện và chơi bài là Boniek. Lời mời đi ăn đầu tiên chỉ đến sau 6 tháng, từ Tardelli.
Ban lãnh đạo Juve ủng hộ quyết định trừng phạt Bonucci của Allegri
Kết luận của ông: ngôi sao là cả đội, và điều đó làm nên thắng lợi. Nhưng những xích mích trong phòng thay đồ của Juve vẫn luôn có, và đi cùng với các sự cố ấy, là sự kết thúc của một ai đó. Vieri đã từng nắm cổ áo Lippi và ẩn ông vào cánh tủ thay đồ. Mùa bóng sau đó, Vieri bị bán đi. Schillacci đã tức húc đầu vào mặt Roberto Baggio vì một rắc rối cá nhân và bị đẩy sang Inter. Deschamps đã có lần bị Lippi đấm chỉ vì từ chối mang bảo vệ ống chân có màu mà anh không thích. Điều gì sẽ đến với Bonucci sau đây, không ai biết. Nhưng hiện vài tờ báo thân Juve đã nói đến việc trung vệ sắt thép này có thể sẽ rời Juve. Guardiola và Conte có lẽ đang chú ý đến sự việc này với sự chăm chú. Mùa hè trước, vì tình yêu với Juve, Bonucci đã nói không với Man City. Nhưng còn hè này?
Khi các cầu thủ không giữ nổi cái đầu lạnh Ngày 2/10/2016, Khedira đã nổi cáu sau khi Allegri quyết định thay anh ra trong trận gặp Empoli. Trả lời phỏng vấn sau trận, Allegri nói: “Một cầu thủ bị gạt ra ngoài cảm thấy giận dữ là chuyện bình thường, nhưng ở đây, tôi là người quyết định”. Một tháng sau, Higuain không giấu nổi thất vọng khi bị thay ra trong trận đấu với Chievo mà anh chơi rất nhạt nhòa. Allegri tìm cách hạ nhiệt: “Cậu ấy thất vọng vì không ghi được bàn thắng chứ không phải vì buồn chán hay căng thẳng”. Tháng 12/2016, đến lượt Mandzukic phản ứng, vẫn vì bị thay người trong trận derby với Torino. Chân sút Croatia sau đó cũng không tham dự vào cuộc ăn mừng chiến thắng sau trận. “Cậu ấy không xứng đáng bị thay ra, nhưng tôi cần có thêm chất lượng trong lối chơi”, Allegri giải thích sau trận. Báo chí Italy cho hay, sau trận thua Milan ở Siêu Cúp Italy, Allegri đã phàn nàn với trợ lí Paratici về cách hành xử của một vài cầu thủ của ông. Năm mới, chuyện vẫn cũ. Sang đến 2017, các rắc rối vẫn tồn tại. Tất cả bắt đầu bằng việc Dybala không thèm bắt tay Allegri sau khi bị thay ra trong một trận đấu. Vị HLV người Livorno tung Pjaca vào thay cho chân sút người Argentina. Một lần nữa, Allegri tìm cách trấn an: “Cậu ấy tức giận, nhưng việc này cũng bình thường. Chẳng ai thích bị thay ra cả”. Một tuần sau, trong trận Juve đá với Inter, Lichtsteiner đã nổi cáu với Allegri. Lần này, trên sóng truyền hình, Allegri thừa nhận, “tuần nào cũng có một chuyện gì đó”. Và tuần vừa rồi, đến lượt vụ Bonucci.... |
Tags