Với một nhà quán quân Grand Slam, chiến thắng ở một giải ATP 500 là điều bình thường. Tuy nhiên, chức vô địch của Jannik Sinner ở Rotterdam lại rất đặc biệt.
Trong suốt hơn hai thập kỷ qua, chưa có tay vợt nào giành Grand Slam đầu tiên xong lại có thể vô địch ở giải đấu ATP kế tiếp. Ngay cả những tay vợt trong Big Three như Roger Federer, Rafael Nadal, và Novak Djokovic cũng không thoát khỏi cái dớp ấy.
Cái dớp đặc biệt
Lần gần nhất một tay vợt vô địch một giải đấu đơn sau khi giành Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, thật ngạc nhiên, cách đây đã hơn 22 năm. Đó là Lleyton Hewitt, nhà vô địch US Open 2001. Sau chiến tích ở Flushing Meadows, Hewitt đến Tokyo và vô địch tại đây sau khi đánh bại Michel Kratochvil ở chung kết với tỷ số 6-4, 6-2.
Kể từ đó đến nay, đã có 15 tay vợt từng lần đầu vô địch Grand Slam, nhưng sau đó không thể đăng quang ở giải đấu kế tiếp. Thậm chí, trong vòng 2 thập kỷ qua, không có tay vợt nào vô địch Grand Slam lần đầu xong mà lọt vào nổi chung kết ở giải đấu ATP kế tiếp.
Trong số này có cả những đại diện của Big Three. Federer sau khi vô địch Wimbledon 2003 – Grand Slam đầu tiên của anh – được kỳ vọng sẽ đăng quang nốt ở Gstaad, nhưng rốt cuộc đã thua Jiri Novak ở chung kết sau 5 set đấu căng thẳng. Rafael Nadal sau chức vô địch Roland Garros 2005 thậm chí còn bị Alexander Waske loại ngay vòng 1 Halle Open. Nhưng điều này cũng không quá sốc bởi ai cũng biết những khác biệt quá lớn về hai mặt sân đất nện và cỏ. Và Nadal - ở tuổi 19 - chưa thể nào kịp điều chỉnh để thích nghi với mặt sân cỏ.
Novak Djokovic cũng không phải ngoại lệ khi vừa vô địch Australian Open 2008 xong thì bị Gilles Simon loại ở vòng 2 giải Marseille Open. Và mới đây nhất có thể kể đến Carlos Alcaraz. Ngay sau chức vô địch US Open 2022, tay vợt trẻ người Tây Ban Nha hành quân đến Astana, nhưng đã bị lão tướng David Goffin loại ngay từ vòng một.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho thực tế này. Thứ nhất: Việc phải chơi đủ 7 trận ở Grand Slam đã tiêu tốn khá nhiều năng lượng của các tay vợt, thậm chí khiến họ dính chấn thương. Thứ hai: Chức vô địch Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp cực kỳ có ý nghĩa, nên nhiều người đến giải đấu kế tiếp với cái đầu lâng lâng đôi chân chưa chạm đất, nên rất dễ mất tập trung. Và thứ ba, không dễ đối phó với sự kỳ vọng khi vừa bước lên đỉnh cao ở cấp độ Grand Slam.
Bản lĩnh Sinner
Sinner sinh ra ở Đông Bắc nước Ý, nằm sát biên giới Áo, quốc gia mang đậm bản sắc văn hóa Đức. Ông Simone Vagnozzi, tay vợt xuất sắc người Ý những năm trước kia và giờ là HLV của Sinner, từng chia sẻ với The Athletic rằng: "Người Ý ở đó rất nghiêm túc, và đó có thể là một phần Đức trong con người Sinner". Sự lạnh lùng của Sinner được thể hiện qua màn ăn mừng rất điềm tĩnh khi đánh bại Djokovic ở bán kết Australian Open. Còn bản lĩnh của anh? Hãy nhìn màn ngược dòng sau khi bị Daniil Medvedev dẫn 2-0 ở chung kết thì rõ.
Trong 2 set của trận chung kết ở Rotterdam, Sinner đều bị Alex de Minaur giành break trước, nhưng bằng bản lĩnh của mình, anh đều lấy lại thế trận. Đánh bại đối phương với tỷ số 7-5, 6-4, Sinner toàn thắng cả 7 lần đối đầu tay vợt này. Như vậy, Sinner đã thắng 12 trận liên tiếp ở mùa giải này, còn nếu tính từ cuối mùa trước, thì con số ấy là 15. Tính xa hơn, anh đã thắng 32/34 trận gần nhất. Hai thất bại hiếm hoi trong khoảng thời gian ấy là trước Ben Shelton ở Thượng Hải, và trước Novak Djokovic ở chung kết ATP Finals.
Sinner mới 22 tuổi, nhưng không có nghĩa anh ít kinh nghiệm. Thật ra, tay vợt người Ý đã thi đấu chuyên nghiệp từ năm 17 tuổi (năm 2018), đã vô địch NextGen ATP Finals từ năm 18 tuổi, và sau khi kết thúc giải Rotterdam Open, anh đã vượt mốc 200 trận thắng trong sự nghiệp (202). Quần vợt Ý từ trước đến nay cũng chỉ có 6 người khác vượt qua cột mốc ấy. Sinner cũng là tay vợt đầu tiên sinh sau năm 2000 vượt qua mốc 200 trận thắng.
Sinner đang sở hữu danh hiệu thứ 12 trong sự nghiệp – không tồi với một chàng trai 22 tuổi. Danh hiệu này đã giúp Sinner leo lên hạng 4 ATP. Trong lịch sử, chưa hề có tay vợt Ý nào đạt thứ hạng cao như thế cả.
Phương Chi
Tags