Sức hút của nhà mốt hàng đầu đang ngày càng giảm tại xứ củ sâm dù sở hữu hàng loạt gương mặt đại sứ đình đám như Jennie Blackpink, Park Seo Joon…
Chanel từng là thương hiệu thời trang được ưa chuộng nhất tại Hàn Quốc, và nhà mốt nước Pháp cũng cực kỳ ưu ái xứ củ sâm khi có tới 6 ngôi sao đến từ đất nước này được lựa chọn là đại sứ của hãng.
Vậy nhưng, thật đáng ngạc nhiên khi Chanel đã trở thành chủ đề bàn tán trong 2 năm trở lại đây vì tình trạng khách hàng sụt giảm. Các chính sách gây tranh cãi khiến thương hiệu này trở thành mục tiêu của nhiều cuộc tranh luận đang diễn ra trên toàn cầu.
Hàn Quốc là thị trường cho thấy rõ dấu hiệu "ghẻ lạnh" nhất, thậm chí việc Jennie Blackpink là đại sứ cũng không khiến tình hình khá hơn.
Vì sao Chanel mất đi sức hấp dẫn?
Chia sẻ với The Korean Times, một phụ nữ nội trợ họ Park ở Seoul cho biết cô rất ngạc nhiên khi không còn nhìn thấy dòng người xếp hàng dài trước cửa hàng Chanel: "Tôi đến cửa hàng vào một buổi chiều đầu tuần. Bình thường tôi luôn phải đợi ít nhất 2 tiếng đồng hồ. Nhưng đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây tôi không phải chờ đợi mà có thể vào cửa hàng ngay lập tức".
Theo cư dân mạng nhận định, việc Chanel mất đi sức hút chủ yếu nằm ở việc tăng giá thường xuyên đến mức chóng mặt.
"Túi Chanel là món đồ mơ ước của nhiều phụ nữ Hàn Quốc. Đó là lý do tại sao họ tiết kiệm tiền để có thể sở hữu 1 chiếc túi hoặc xin chồng một cái làm quà cưới. Nhưng điều này chỉ xảy ra trong trường hợp giá cả phải chăng, ít nhất là ở một mức độ nhất định.
Chanel đã tăng giá các mặt hàng của mình lên 1 triệu Won cứ sau từ 3 đến 6 tháng trong những năm gần đây và không nhiều người có thể đủ tài chính để chi trả cho món đồ của hãng" – nhận định của một cư dân mạng đang thu về sự đồng ý đông đảo trên mạng xã hội.
Vào tháng 1/2022, các dòng túi Coco Handle tăng từ 4.300 USD lên 4.800 USD cho size mini size, từ 4.600 lên 5.100 USD cho size túi cỡ nhỏ và từ 5.000 lên 5.500 USD cho một chiếc túi cỡ vừa.
Vào tháng 3 cùng năm, Chanel đã tăng giá ví và túi xách trung bình lên 5%. Đến tháng 11, dòng túi Classic Large Flap tăng giá 6% trong khi dòng Mini Flap Bag tăng 7%. Phụ kiện cũng tăng 7 – 8% tùy mẫu mã.
Sự thay đổi giá cho thấy Chanel tăng giá sản phẩm tới 3 lần trong một năm, đây là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Đặt giới hạn cho việc mua túi
Thương hiệu do Jennie Blackpink làm đại sứ đã đưa ra chính sách "mỗi năm một túi" và trở thành điểm trừ trong mắt công chúng.
Theo chính sách này, mỗi khách hàng chỉ được mua một chiếc túi thuộc dòng Classic Flap Bag và một chiếc thuộc dòng Coco Handle mỗi năm, như một cách để chống lại những người thu mua túi số lượng lớn và bán với giá ngất ngưởng tại "chợ đen".
Tình trạng lạm phát gia tăng
Xu hướng sống tiết kiệm và giảm mua sắm những món đồ xa xỉ cũng gây thiệt hại không nhỏ cho Chanel, đặc biệt là khi người dân hiện có xu hướng chi tiền cho các hình thức giải trí khác hơn là tiêu xài vào những món hàng hiệu xa xỉ.
Hơn nữa, tình trạng lạm phát toàn cầu cũng có nghĩa là người tiêu dùng sẽ ít có khả năng chi tiền cho những thứ không thật sự cần thiết.
Trong khi Chanel vẫn có một vị trí nhất định trong cuộc sống của những người thuộc tầng lớp thượng lưu, nhưng thương hiệu này đang dần đánh mất vị trí của mình đối với tầng lớp trung lưu.
Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu Chanel có đang thiết lập mục tiêu nhắm đến giới siêu giàu hay không?
Tags