(Thethaovanhoa.vn) - Vua Juan Carlos, 76 tuổi, người gây bất ngờ khi thông báo kế hoạch thoái vị hôm 2/6, có tuổi trẻ chìm trong biến động và cả bi kịch.
Tên đầy đủ Juan Carlos Alfonso Victor Maria Borbon y Borbon-Dos Sicilias, ông sinh ngày 5/1/1938, khi Thế chiến thứ hai chuẩn bị nổ ra ở Rome, Italy. Đây là nơi gia đình hoàng gia Tây Ban Nha đã sống sau khi chạy trốn khỏi Tây Ban Nha, lúc đất nước chuyển thành một nền cộng hòa vào năm 1931.
Rất ít người Tây Ban Nha biết về một vụ nổ súng gây chết người khi quốc vương 18 tuổi. em trai của ông là Alfonso đã chết vào năm 1956, khi mới 15 tuổi, tại nhà riêng của gia đình ở Bồ Đào Nha.
Một thông báo do nhà độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco đưa ra, cho biết Alfonso thiệt mạng do tai nạn khi lau súng cùng anh. Tuy nhiên sử gia Paul Preston, người viết tiểu sử về đức vua hồi năm 2003, nói rằng ngón tay Juan Carlos đã ở trên cò khi khẩu súng khai hỏa.
Juan Carlos thời trẻ có quan hệ sóng gió với cha đẻ Don Juan, sau khi đồng ý là người kế nhiệm Franco. Cha đẻ của ông đã không chịu từ bỏ các quyền lợi hoàng gia, gồm quyền thừa kế ngai vàng, cho tới tháng 5/1977.
Juan Carlos lên ngôi chỉ 2 ngày sau khi Franco chết, vào ngày 22/11/1975. Franco chính thức chấp nhận Juan Carlos là người kế nhiệm từ năm 1969, dù thực tế đã chuẩn bị cho ông từ năm 1948, khi ông trở lại Tây Ban Nha ở tuổi lên 10.
Một số nhà chỉ trích ban đầu phê phán Juan Carlos là bù nhìn do Franco lựa chọn. Tuy nhiên các biến cố về sau cho thấy nhận định của họ đã sai.
Sau khi Juan Carlos lên cầm quyền, các nhân vật cánh hữu kỳ vọng ông tiếp tục chính sách chuyên quyền của Franco. Tuy nhiên họ đã cảm thấy bị phản bội khi ông mở đường để Tây Ban Nha có hiến pháp dân chủ vào năm 1978.
Ngày 23/2/1981, một nhóm các viên sĩ quan quân đội cánh hữu đã âm mưu tiến hành đảo chính ở Tây Ban Nha. Những người này nổi loạn vì không chấp nhận hoạt động cải cách dân chủ trong nước. Hình ảnh do truyền hình Tây Ban Nha thu được cho thấy thủ lĩnh lực lượng nổi loạn nổ súng tại Quốc hội để đe dọa các đại biểu, đã được phát sóng đi khắp thế giới.
Ngay trong đêm đó, Juan Carlos đã lên truyền hình quốc gia, đưa ra những tuyên bố nổi tiếng: "Hoàng gia, biểu tượng của sự vĩnh cửu và sự đoàn kết của Tổ quốc, không thể dung thứ bất kỳ hành động hoặc thái độ của bất kỳ cá nhân nào định dùng vũ lực ngắt quãng tiến trình dân chủ".
Một số người cánh tả ban đầu còn nghi ngờ, sau đã ủng hộ Juan Carlos. "Nếu Quốc vương không can thiệp, cuộc đảo chính quân sự đã thành công, tôi chẳng nghi ngờ gì cả" - lãnh đạo Đảng cộng sản Tây Ban Nha Santiago Carrillo, người có 40 năm sống lưu vong dưới thời Franco cầm quyền, từng nói với Reuters hồi năm 2001.
Với tư cách đại diện hoàng gia, Juan Carlos và vợ, Hoàng hậu Sophia luôn tỏ ra nồng ấm, dễ mến, tương phản hẳn với hoàng gia Anh thường khá xa cách với công chúng. Ông củng cố sự ủng hộ dành cho mình với các cử chỉ như ôm lấy thủ quân đội Tây Ban Nha là Iker Castillas, sau khi đội bóng giành giải vô địch bóng đá châu Âu 2008.
Nhưng báo chí Tây Ban Nha thường ít khi săm soi gia đình hoàng gia, đã làm lộ ra một số khía cạnh gây tranh cãi trong cuộc sống của Carlos. Một vụ bê bối tham nhũng nổ ra thời gian gần đây đã làm suy giảm sự ủng hộ dành cho đức vua. Con gái ông, Công chúa Cristina và chồng cô là Inaki Urdangarin, đang bị điều tra vì cáo buộc biển thủ 6 triệu euro công quỹ.
Cá nhân Juan Carlos bị cho là xa rời đời sống nhân dân khi bị phát hiện tham gia một chuyến săn voi đắt tiền ở nước ngoài, khi dân trong nước đang chật vật kiếm sống. Sau bê bối này, Carlos đã đưa ra lời hối lỗi: "Tôi rất xin lỗi. Tôi đã phạm sai lầm và chuyện sẽ không lặp lại nữa". Lời xin lỗi, được đưa ra với thái độ khiêm nhường đã giúp nhiều người Tây Ban Nha có cảm tình lại với ông.
Được biết quyết định đột ngột của Juan Carlos trong việc thoái vị để nhường ngôi cho con trai, Thái tử Felipe, đã được Thủ tướng Mariano Rajoy thông báo. Ông nói rằng đức vua, do sức khỏe đang yếu dần do phải trải qua 5 cuộc phẫu thuật trong vòng 2 năm, đã thoái vị bởi các lý do cá nhân.
Tường Linh
Theo Reuters
Tags