(Thethaovanhoa.vn) - Thật khó có thể phủ nhận một điều rằng, Ronaldo là một cỗ máy chiến thắng. Anh thành công ở tất cả những nơi đã tới, và ở mùa bóng đặc biệt dài và kì lạ này, siêu sao 35 tuổi người Bồ Đào Nha đã đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều những gì anh đã thực hiện ở mùa trước-mùa đầu tiên với Juve. Anh đã ghi 31 bàn thắng trong chiến dịch Scudetto thứ 9 liên tiếp của Juve, nhiều hơn cả mùa trước 10 bàn thắng, chiếm tới 41% số bàn thắng của cả đội.
Điều đó cho thấy sự phụ thuộc của Juve vào Ronaldo ngày càng lớn, và từ đó, dẫn đến một suy luận rằng, nếu Juve thực sự tin tưởng vào Sarri và muốn gắn bó với ông lâu dài, từ đó tạo ra một đội bóng có sức chiến đấu mạnh mẽ cho tương lai gần, rất có thể, chính Ronaldo là người đang ngăn cản kế hoạch đầy tham vọng ấy. Đương nhiên, anh không có ý ngăn cản điều này, nhưng chính sự phụ thuộc vào anh, sự tồn tại của anh, đang tạo ra suy nghĩ ấy. Ronaldo chiến đấu cho đội bóng, cho mọi người, nhưng chính anh đang tác động mạnh lên lối chơi, khiến đội bóng phải chơi cho anh và có thể khẳng định rằng, triết lý chơi bóng mà Sarri muốn áp dụng cho Juve trong mùa này không thực hiện được chính bởi Ronaldo. Nghe có vẻ rất khó hợp tai, nhưng trên thực tế là vậy.
Kể từ khi đến đây vào mùa Hè 2018, lối chơi của Juve được Allegri và Sarri xây dựng xung quanh Ronaldo để tận dụng tối đa năng lực của anh trong những năm cuối sự nghiệp này. Juve đã không còn chơi với một trung phong trong phần lớn mùa bóng này nữa, khi Sarri cho phép anh chơi gần khung thành hơn. Mỗi khi anh di chuyển và tạo ra khoảng trống, các tiền vệ trung tâm lệch biên và hậu vệ biên phải dạt vào lấp không gian anh để lại. Và khi anh di chuyển vào giữa, Dybala hoặc một cầu thủ tấn công nào đó của Juve phải tìm cách kéo dãn hàng thủ của đối phương để tạo khoảng trống cho anh. Phục vụ lối chơi của một nhân vật-kể cả anh ta là siêu sao, chưa từng là triết lý của Sarri, và thật dễ hiểu khi nói rằng, một cuộc cách mạng về mặt lối chơi mà ông muốn tạo ra đã không thể thực hiện được mùa này, và có thể ở cả mùa sau nữa, chừng nào Ronaldo còn ở Allianz Stadium.
Chính vì thế, Sarri đang thỏa hiệp với ban lãnh đạo Juve về vấn đề này, và chấp nhận chứng kiến một Juve đầy vấn đề trong tay ông đã biến đổi từ một đội bóng của tính tập thể thành một tập hợp của các cá nhân. Những trục trặc của Juve ở mùa bóng này, từ sự mất cân bằng ở hàng tiền vệ, những vấn đề của hàng thủ khi các cá nhân ở tuyến ấy chơi không tốt và không được hàng tiền vệ hỗ trợ thỏa đáng, được khỏa lấp bằng những bàn thắng của Ronaldo và sự chói sáng của Dybala. Đấy không phải là Juve mà Sarri mong muốn. Ông muốn đấy phải là một cỗ máy tấn công, ghi bàn và cống hiến trên tinh thần của tập thể. Chỉ có điều, rất có thể, cỗ máy ấy sẽ không bao giờ thành hình một khi sự kiên nhẫn dành cho ông từ các ông chủ của Juve rất có giới hạn. Đoạt Scudetto là một mục tiêu tối thiểu mà Sarri đã đạt được ở mùa bóng này, sau 2 trận chung kết (Siêu Cúp và Coppa Italia) thất bại. Bài thi cuối cùng sẽ là Champions League mùa này, khi Juve sẽ gặp lại Lyon trong vòng hơn 1 tuần tới để giành chiếc vé đến Lisbon tham dự “vòng chung kết”.
Hợp đồng của Sarri với Juve còn hạn đến 2022, nhưng có điều gì chắc chắn rằng ông có thể đi đến hết chặng đường này. Nhưng nếu Juve bị loại khỏi Champions League mùa này, khi Ronaldo cũng không thể đem đến cho Juve điều họ khao khát ở anh khi đưa anh về đây, liệu Sarri có bị “chém”? Có lẽ là không, bởi nhiều lý do, như mùa bóng mới sẽ đến ngay khi mùa này vừa kết thúc, nên thời gian rất ít, và chi phí bồi thường hợp đồng không nhỏ (Sarri lĩnh 6 triệu euro/năm). Chủ tịch Agnelli từ lâu đã ngắm Zidane và nhất là Pochettino, nhưng vị HLV người Argentina, dù đang tự do, nhưng có đòi hỏi rất cao về tiền bạc.
Và như thế, Juve vẫn sẽ phải gắn bó với Sarri, người không thể thực hiện được cuộc cách mạng như ông mong muốn và không áp đặt được triết lý bóng đá của bản thân mình…
Anh Ngọc
Tags