(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, hát nhép nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi sau khi Nghị định số 144/2020/NĐ-CP được ban hành. Trong đó, Nghị định bỏ quy định cấm tổ chức, cá nhân biểu diễn sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.
Hát nhép vốn không không phải là một chủ đề xa lạ trong ngành âm nhạc thế giới. Hay ngay tại Hàn Quốc, làn sóng K-Pop đang bùng nổ và gây ảnh hưởng trên toàn cầu, hát nhép vẫn tồn tại dưới nhiều dạng.
Dự luật cấm hát nhép không được thông qua
Cách đây khá lâu, hồi 2011, thượng nghị sĩ Hàn Quốc Lee Myung Soo từng đưa ra một đề xuất về luật biểu diễn trước công chúng, nghiêm cấm hành vi hát nhép hay giả chơi nhạc cụ.
Cụ thể, các nghệ sĩ không được phép hát nhép hay giả chơi nhạc cụ trong các buổi diễn hoặc các chương trình có trả phí.
Trong trường hợp buộc phải hát nhép hay giả chơi nhạc cụ, nghệ sĩ phải thông báo trước với người hâm mộ về điều này. Nếu vi phạm, nghệ sĩ sẽ bị phạt ít nhất 1 năm tù hoặc đóng phạt 10.000 USD.
- BXH Nam thần tượng tháng 12: Jimin dẫn đầu, Kai EXO 'sánh vai' với BTS
- Ngắm BTS trong bộ ảnh mới toanh trên tạp chí 'Dicon'
- Jimin BTS 'cướp vai' Suga trong cuộc phỏng vấn mới
"Việc các nghệ sĩ hát nhép hay giả chơi nhạc cụ đã khiến nhiều khán giả mất lòng tin và cũng cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Chúng tôi đưa ra dự luật này như một cách giải quyết những vấn đề trên" - Lee Myung Soo chia sẻ.
Thượng nghị sĩ cũng cho biết thêm, dự luật này phần nào sẽ giúp các ca sĩ, nhóm nhạc phát triển tài năng thật sự hơn là được đào tạo theo hướng chú trọng hình tượng như hiện nay. Tuy vậy, dự luật này đã không được thông qua và vướng phải không ít những ý kiến trái chiều.
Tới năm 2014, chương trình âm nhạc Show! Music Core của đài MBC thẳng tay thông báo cấm các nghệ sĩ tham gia trình diễn hát nhép. Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều chương trình âm nhạc cho phép các nghệ sĩ hát nhép.
"Ném đá" hát nhép còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Hát nhép nói lên trách nhiệm của nghệ sĩ cũng như sự tôn trọng của họ đối với khán giả. Một số nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc từng vướng phải chỉ trích dữ dội vì hát nhép như Twice, EXO, SNSD...
Cụ thể, năm 2016, thành viên Tiffany của SNSD đã để lộ hát nhép khi trình diễn ca khúc Once In A Lifetime tại sân khấu Music Bank. Đáng nói rằng, nữ ca sĩ không hề thực hiện vũ đạo mà chỉ ngồi hát, càng khiến cư dân mạng phẫn nộ vì điều này.
Trên thực tế, K-Pop là một thị trường âm nhạc nổi bật về kỹ năng trình diễn trên sân khấu. Một ca sĩ không chỉ đơn giản là đứng yên một chỗ để hát mà họ còn thể hiện những vũ đạo đòi hỏi sử dụng nhiều kỹ thuật. Do vậy, với lịch trình kín mít, các màn biểu diễn với vũ đạo "khó nhằn" thì việc hát nhép lại được khán giả "chấp nhận" và "cho qua".
Đáng kể như thành viên Jungkook của BTS. Tại sân khấu KBS Gayo Daejun năm 2016, do rút chiếc khăn trong túi áo quá khó nên Jungkook đã để lộ việc hát nhép. Tuy nhiên, xuyên suốt màn trình diễn nhóm đều thực hiện vũ đạo không ngừng, nên khán giả nhận thấy việc hát nhép là điều "dễ hiểu". Trái lại, họ còn cảm thấy hành động của Jungkook là dễ thương.
Thêm vào đó, tại Hàn Quốc còn xuất hiện dạng "chỉ giọng ca chính mới hát live". Do phần lớn các nhóm nhạc thường có nhiều hơn 4 thành viên và thường có 1 đến 2 thành viên hát chính. Trong trường hợp này, khi họ biểu diễn trên sân khấu, chỉ có giọng ca chính mới hát live, trong khi những thành viên còn lại thì hát nhép.
Qua đó, có thể thấy, việc hát nhép vẫn còn là chủ đề gây xôn xao tại ngành giải trí Hàn. Tuy vậy, việc ứng xử với hành vi này còn phụ thuộc vào nhiều "bối cảnh" khác nhau.
Thành Quách
Tổng hợp
Tags