(Thethaovanhoa.vn) - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (TP.HCM) ngoài biểu diễn xiếc còn biểu diễn rối nước qua Đoàn rối Rồng phương Nam. Vừa qua, nhà hát này đã phúc khảo xong vở rối nước kết hợp hát bội, kịch nói là Anh hùng Nguyễn Trung Trực (kịch bản: Mai Thắm, đạo diễn: Thu Thủy - Ngọc Hà).
Vở diễn nhận được đánh giá cao từ hội đồng phúc khảo và giới sân khấu, đang chờ thời điểm thuận tiện để phục vụ khán giả.
Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam có chức năng chính là diễn xiếc, múa rối và nghệ thuật tổng hợp, hướng nhiều đến khán giả thiếu nhi. Với nghệ thuật múa rối, nhà hát đã lồng vào ngôn ngữ kịch nói và xiếc, đây là hướng đi mới, đầy sáng tạo của tập thể nhà hát. Địa điểm diễn xiếc là tại rạp xiếc ở Công viên Gia Định (Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp) và rạp xiếc Lữ Gia (Lữ Gia, quận 10). Còn địa điểm diễn múa rối là tại nhà hát ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1).
Bài học lịch sử sinh động
Đạo diễn Lê Diễn (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) cho biết : “Cách đây 2 năm, chúng tôi về tỉnh Long An để diễn mừng ngày lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đó là dịp tưởng nhớ lại 2 chiến công lừng lẫy của ông là đốt cháy tàu L'Espérance (tàu Hy vọng) của Pháp trên sông Nhật Tảo ngày 10/12/1861 và trận diệt đồn Rạch Giá ngày 16/6/1868. Đông đảo bà con đến tưởng niệm cụ với lòng kính trọng tuyệt vời”.
Anh kể tiếp: “Trong dịp này, nhiều người lần đầu tiên được xem rối nước trong sự ngạc nhiên. Tôi bỗng nghĩ rằng tại sao mình không kể câu chuyện về ông bằng ngôn ngữ kịch kết hợp rối nước để diễn phục vụ bà con ngay dịp này. Thế là tôi liên lạc với tác giả Mai Thắm, một nghệ sĩ cải lương tài năng, chị gần như trình bày ngay ý tưởng kịch bản sơ khởi. Không lâu sau, chúng tôi có được kịch bản hoàn chỉnh”.
Lê Diễn cho biết thêm: “Chúng tôi nhanh chóng triển khai tập luyện để trở lại trình diễn trong lễ tưởng niệm cụ Nguyễn vào năm 2020, nhưng dịch Covid-19 ập tới làm chúng tôi lỡ hẹn với bà con. Tưởng rằng năm nay sẽ có thể diễn phục vụ thì Covid-19 tái bùng phát, lại lỡ hẹn lần nữa. Cuối cùng, chúng tôi quyết định diễn phúc khảo để phục vụ khán giả tại sân khấu của chúng tôi trước, đến với bà con sau. Tuy nhiên, thời gian diễn chính xác vẫn chưa xác định được, đang chờ tình hình dịch bệnh lắng xuống”.
Có lẽ Anh hùng Nguyễn Trung Trực là vở rối nước lịch sử đầu tiên của các sân khấu phía Nam. Tác giả và đạo diễn đã kết hợp hát bội, kịch nói và rối nước để kể câu chuyện sống động về một vị anh hùng dân tộc. Với 60 phút, khán giả có thể nắm rõ được diễn biến 2 trận đánh lớn của ông, 2 trận đánh mà dân gian có 2 câu thơ ca ngợi: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạch Kiên Giang khấp quỷ thần”. (Cao Tự Thanh dịch: “Lửa hồng Nhựt Tảo ran trời đất/ Kiếm trắng Kiên Giang rợn quỷ thần”). 2 câu này trích trong bài Điếu Nguyễn Trung Trực của Huỳnh Mẫn Đạt.
Vở diễn đã chinh phục hoàn toàn các thành viên trong hội đồng phúc khảo. Điều này đã truyền cảm hứng cho tập thể nghệ sĩ nhà hát, nhằm hướng tới việc tập trung khai thác các đề tài lịch sử trong tương lai.
Chờ phản ứng từ khán giả
Theo đạo diễn Lê Diễn, thế hệ trẻ từ nhiều năm qua, rất ngán học lịch sử vì giáo án và cách giảng dạy quá khô khan. Thế nhưng, cũng những câu chuyện bị cho là khó cảm ấy được kể bằng ngôn ngữ kịch và rối nước kết hợp âm nhạc, nó trở nên sinh động và lôi cuốn vô cùng. Nhiều người chưa từng biết về cuộc đời của Nguyễn Trung Trực, xem qua vở diễn đã nắm được những điểm chính trong khí phách anh hùng của ông.
Từ hiệu ứng tích cực này, Nhà hát đã bắt đầu cân nhắc đặt hàng tác giả Mai Thắm và nhiều tác giả khác viết về anh hùng Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung…
Các sân khấu phía Nam đã có nhiều vở kịch nói và cải lương chủ đề gây ấn tượng, thành công. Điều này cho thấy đề tài lịch sử dẫu khó làm, nhưng nếu biết cách kể chuyện hấp dẫn, sẽ thành công, có sức sống bền bỉ. Đó là bằng chứng để rối nước hoặc kịch xiếc lịch sử có cơ sở để hy vọng. Trước mắt, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đang chuẩn bị tiền kỳ cho dự án kịch kết hợp với xiếc có nhan đề Cha rồng mẹ tiên (đạo diễn: Phi Sơn), một câu chuyện kể về tổ tiên của người Việt với sắc thái lung linh và đẹp mắt.
- Múa rối nước kết hợp múa rối cạn để kéo khán giả đến rạp
- Vở diễn 'Mơ Rồng': Tìm con đường mới cho rối nước truyền thống
- Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư, Bắc Ninh: Nghìn năm Kinh Bắc
Dẫu đã được hội đồng nghệ thuật khuyến khích khai thác, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ những người đã xem qua vở diễn trong các buổi diễn chưa chính thức, dẫu đã có kế hoạch phát triển mảng đề tài này, nhưng Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam vẫn chờ phản hồi từ người xem qua các vở diễn tại sân khấu thủy đình, cũng như các buổi diễn hợp đồng tại trường học, công ty, tổ chức và đặc biệt là tại các lễ hội.
Đây chính là yếu tố quyết định sau cùng để nhà hát đầu tư hoặc không cho mảng đề tài còn ít người chạm đến này. Bởi theo Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chính doanh thu sẽ giúp tái đầu tư, chứ nguồn vốn thiếu hụt, không thể dàn trải. Cái thuận lợi là sân khấu rối nước có thể lắp đặt di động để diễn nhiều nơi, hy vọng sẽ thu hút thêm khán giả.
“Tuy nhiên, mục đích sau cùng của nhà hát không chỉ là doanh thu, mà còn mong muốn thế hệ trẻ được truyền cảm hứng tình yêu với lịch sử, với văn hóa truyền thống, với rối nước” - Lê Diễn nói.
Tam Anh
Tags