(Thethaovanhoa.vn) - Ít ai ngờ, một trò chơi dân gian phổ biến và tưởng như đơn giản của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Kinh... bỗng tràn đầy cơ hội trở thành di sản thế giới - khi giới nghiên cứu nhìn ra ở đó những ý nghĩa tâm linh sâu xa và tính biểu tượng văn hóa thiêng liêng của một nền văn minh nông nghiệp.
Cuối năm 2013, Bộ VH,TT&DL đã có quyết định về việc xây dựng hồ sơ đề cử “Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống” lên UNESCO để xin công nhận danh hiệu Di sản phi vật thể của nhân loại. Dự kiến, trong năm 2014, hồ sơ này sẽ được chuyển lên UNESCO để chờ đợt xét duyệt kết quả chính thức vào cuối năm 2015.
Lần đầu làm hồ sơ “đa quốc gia”
Hồ sơ này được giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các địa phương có trò chơi kéo co phối hợp thực hiện. Năm 2013, Bộ VH,TT&DL cũng đã có công văn yêu cầu một số địa phương tiến hành khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ kéo co để sớm đưa trò chơi này vào danh mục Di sản phi vật thể cấp Quốc gia.
Trước đó, phía Việt Nam đã nhận được lời mời của Tổng Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc về việc cùng phối hợp tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia cho trò chơi kéo co. Theo đó, cùng một số nước khác trong khu vực Đông Á, Việt Nam sẽ có tên trong các quốc gia cùng đệ trình trò chơi này lên UNESCO để xin danh hiệu quốc tế.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam phối hợp để làm một hồ sơ di sản theo hình thức đa quốc gia”– một chuyên gia của Ủy ban UNESCO Quốc gia cho biết - “Bên cạnh khả năng có thêm một danh hiệu nữa cho kho tàng di sản của mình, chúng ta còn có cơ hội củng cố mối quan hệ giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực. Đặc biệt, chắc chắn Việt Nam sẽ học được nhiều bài học kinh nghiệm đáng quý về cách lập hồ sơ cho di sản”.
Theo GS Ngô Đức Thịnh (Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), tại Việt Nam, kéo co được các cộng đồng người Kinh, Thái, Tày, Nùng, Giáy… thực hành từ lâu đời và trao truyền cho tới ngày nay. Đây là một di sản văn hóa đặc biệt, thể hiện nhân sinh quan và thế giới quan của cộng đồng về mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống hạnh phúc, sinh sôi, nảy nở và tôn vinh sức mạnh của sự đoàn kết.
“Hội kéo co cầu mùa” 400 tuổi
Khác với các địa phương khác, kéo co Hữu Chấp được nâng lên hẳn thành nghi thức chính trong lễ hội truyền thống của làng và tổ chức rất trang trọng 2 năm/lần. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng thôn Hữu Chấp, cho biết: “Theo truyền thuyết của làng, nghi thức này đã được tồn tại gần 400 năm. Và kéo co Hữu Chấp cũng được coi là một lễ hội điển hình của vùng Kinh Bắc với câu ca dao: Mùng 4 Hữu Chấp kéo co/ Mùng 5 hội Ó chẳng cho nhau về/ Mùng 6 đi hội Bồ Đề/ Mùng 7 trở về trảy hội Đốn Cao.
“Các làng trong vùng Bắc Ninh thường xuyên chơi kéo co bằng dây tam cố, dây chạc, dây mây. Riêng làng tôi, đồ kéo co là một công trình thật sự với việc sử dụng 2 cây tre to lồng vào nhau và tết thêm các dây lạt tre để tạo thành 3 con nhện xoắn. Việc bện tre để kéo co kéo dài cả ngày. Sau khi bện xong, tre sẽ được mang treo tại cửa đình làng suốt Tết và chỉ hạ xuống vào ngày hội” – ông Sơn nói thêm.
Theo truyền thống, nghi thức kéo co làng Hữu Chấp luôn phải vận hành theo hướng Đông - Tây. 70 thanh niên tham gia nghi thức này được chọn từ trước Tết, với các yêu cầu khỏe mạnh, gia đình không có tang, thậm chí là đang có đủ 3 thế hệ sinh sống theo kiểu “tam đại đồng đường”. Tới ngày thi, họ được chia đều thành 2 đội với trang phục quần lụa trắng, ở trần, đội khăn xanh hoặc đỏ. Dưới hiệu lệnh của 4 ông “Hóa” trong làng bằng cờ đuôi nheo, trò kéo co diễn ra trong 3 hiệp đấu.
“Theo lời truyền lại, năm nào mà đội kéo co phía Đông thắng được 2 keo thì năm đó, làng Hữu Chấp chắc chắn sẽ được mùa”- ông Sơn nói - “Bởi vậy, đến keo cuối cùng, tất cả dân làng vẫn thường tự động đổ xô vào phụ sức cho đội kéo co phía Đông để kéo tuột bên kia tới tận cuối làng”.
Khác với rất nhiều lễ hội truyền thống khác, hội kéo co Hữu Chấp chỉ bị gián đoạn một thời gian ngắn trong thời kỳ cách mạng và được khôi phục lại ngay từ những năm 1960. Đến giờ, những nghi thức độc đáo của trò chơi này được coi là cơ hội tiềm năng để kéo co Việt Nam sở hữu một danh hiệu cấp thế giới cho mình.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Tags