Kết luận: Các vệt nước màu đỏ tại vùng biển Chân Mây là do tảo dị dưỡng

Thứ Tư, 01/03/2017 08:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo nhanh của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngay sau khi có các vệt nước màu đỏ xuất hiện tại khu vực biển Chân Mây - Lăng Cô, Sở đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường và Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh khẩn trương tiến hành khảo sát, quan trắc và lấy mẫu tại khu vực biển Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) và vùng biển Bắc đèo Hải Vân (cửa biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc).

Theo đó, sau khi đo đạc, phân tích chất lượng nước biển lấy tại tâm dải nước đỏ ven biển Lăng Cô và tại dải đỏ ven bờ biển Cảnh Dương vào ngày 23/2 cho thấy, các thông số quan trắc như: pH, ôxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), sắt (Fe)..., phân tích đều đảm bảo giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (mục chất lượng nước biển vùng biển ven bờ - giá trị giới hạn vùng bãi tắm và thể thao dưới nước).


Dải nước đỏ bị sóng biển đánh dạt vào vùng biển cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) vào ngày 23/2 (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Về hiện tượng dải nước màu đỏ tại vùng biển Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) xuất hiện trong 2 ngày 22-23/2, khu vực biển Lăng Cô các dải nước đỏ vẫn còn và xuất hiện nhiều vệt dài đến phía bắc đèo Hải Vân (quan sát bằng mắt trong điều kiện thời tiết trời mù cho thấy vệt đỏ có chiều rộng từ 0,5m - hơn 1,0m; chiều dài 300m -400m); khu vực cảng biển nước sâu Chân Mây và bờ biển Cảnh Dương dải đỏ bị sóng đánh tấp vào bờ.

Kết quả quan trắc tại thời điểm có dải nước màu đỏ tại vùng biển Chân Mây - Lăng Cô phát hiện có loài tảo Noctiluca scintillans thuộc họ Noctilucaceae, bộ Noctilucales, lớp Noctilucea. Đây là loài tảo dị dưỡng, có dạng hình cầu (giống bong bóng khi thổi căng) hoặc hình thận tròn, kích thước lớn với đường kính từ 200 - 2000 µm.

Loài Noctiluca scintillans là loài gặp phổ biến ở ven biển Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Thức ăn của loài này là các loài tảo nhỏ, động vật nguyên sinh, chất hữu cơ lơ lửng và thường phát triển mạnh gây đổi màu nước trong giai đoạn chuyển mùa xuân - hè, khi gặp môi trường nước phù hợp, giàu dinh dưỡng và dồi dào thức ăn.

Màu nước biển khi tảo nở hoa có thể là màu xanh đậm, màu vàng nâu hay màu đỏ máu. Do kích thước lớn nên có thể nhận biết rõ sự đổi màu của nước, ngay cả ở mật độ không quá cao; chẳng hạn ở khu vực Chân Mây - Lăng Cô ngày 23/2 với mật độ tại nơi vệt nước có màu đỏ, lợn cợn màu hồng là 350.000-561.000 tế bào/lít.

Noctiluca scintillans được xác định không sản sinh độc tố. Tuy nhiên, khi nở hoa nước, nước biển chuyển màu khác thường (tạo vệt xanh, đỏ máu, vàng nâu).

Hiện tượng nở hoa do Noctiluca scintillans thường sẽ biến mất sau 3 - 5 ngày, tùy theo môi trường và địa hình thủy vực. Do sự xuất hiện với số lượng lớn của loài tảo Noctiluca scintillans khiến một số khu vực biển ở Chân Mây - Lăng Cô nổi màu đỏ vào các ngày 22 - 23/2.

Đến thời điểm hiện tại, mẫu nước biển thu được tại vùng biển Lăng Cô, biển Cảnh Dương và tại khu vực biển Thuận An đều không có vệt đỏ, nước biển trở lại bình thường.

Tiếp xúc với phóng viên, các vị cao niên sinh sống vùng biển ở đây cho biết, tại vùng biển nước khu vực Chân Mây - Lăng Cô thỉnh thoảng cũng xuất hiện hiện tượng dải nước màu đỏ nhưng muộn hơn, thường vào các tháng 4 - 5 hàng năm; năm nay xuất hiện sớm hơn và người dân ở đây xem đó là hiện tượng thiên nhiên bình thường.

TTXVN/Quốc Việt

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›