Kết quả bầu cử Pháp có thể khiến các thị trường tài chính chao đảo

Chủ nhật, 24/04/2022 21:39 GMT+7

Google News

Mặc dù tỷ lệ cử tri ủng hộ đương kim Tổng thống Emmanuel Macron có vẻ cao hơn so với ứng viên cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống đang diễn ra tại nước Pháp, đối với giới đầu tư toàn cầu, kết quả cuối cùng sẽ chỉ được định đoạt vào phút cuối.

Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Những kỳ vọng từ các cử tri

Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Những kỳ vọng từ các cử tri

Ngày Chủ nhật 24/4, với hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen cùng 48,7 triệu cử tri Pháp, là một ngày quan trọng, ngày mà họ sẽ đưa ra quyết định để lựa chọn gương mặt Tổng thống Pháp, người lãnh đạo đất nước giai đoạn 2022-2027.

Nguyên nhân dẫn đến tâm lý thận trọng này là do trong các cuộc thăm dò, hai ứng viên đang có tỷ lệ ủng hộ khá sít sao (so với giai đoạn hồi năm 2017). Điều này khiến giới đầu tư tài chính nghĩ đến kịch bản bà Le Pen có thể bất ngờ giành chiến thắng.

Tuy nhiên nếu kịch bản này xảy ra, kinh tế Pháp có lẽ sẽ trải qua một phen chao đảo.

Một kết quả khó dự báo chính xác

Những tác động (đối với thị trường) của việc bà Le Pen giành chiến thắng “có thể lớn hơn sự kiện Brexit (chỉ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) và thậm chí lớn hơn việc ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ”, Michael Hewson, chuyên gia phân tích thị trường trưởng tại hãng nghiên cứu CMC Markets, cho biết.

Trong một nghiên cứu được công bố hôm 19/4, các chiến lược gia tại tập đoàn tài chính Citi nhận định xác suất giành chiến thắng của bà Le Pen chỉ là 35%. Tuy nhiên, họ vẫn khuyến khích khách hàng hướng đến kênh đầu tư là trái phiếu Chính phủ Pháp và cảnh báo rằng chiến thắng của bà Le Pen có thể làm tổn hại đến thị trường chứng khoán.

Chú thích ảnh
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen phát biểu tại cuộc họp báo ở Paris ngày 13/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Citi viết trong báo cáo của mình: “Sự không chắc chắn bắt nguồn từ nguy cơ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, vì các cử tri cánh tả đã từ chối trao lá phiếu của họ cho ông Macron và họ thậm chí có thể giao chúng cho bà Le Pen”. Lâu nay, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vốn là yếu tố mà các nhà thăm dò đặc biệt khó dự báo một cách chính xác.

Chiến thắng dành cho bà Le Pen sẽ ngay lập tức đặt ra câu hỏi về mối quan hệ chính trị và kinh tế của Pháp với EU. Mặc dù bà đã từ bỏ cam kết sẽ đưa đất nước ra khỏi EU song các mục tiêu chính sách của bà - như ngăn chặn lao động nước ngoài đến Pháp, từ đó chấm dứt tự do đi lại ở châu Âu - vẫn có thể tạo ra xung đột nghiêm trọng.

“Hầu hết các chính sách của bà Le Pen sẽ không thể thực hiện được nếu Pháp vẫn là một phần của EU”, Grégory Claeys, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn ở Brussels Bruegel, cho biết.

Chuyên gia này nói tiếp rằng điều đó có thể châm ngòi cho kịch bản "Frexit", hay việc người Pháp rời EU "một cách tình cờ". Nếu nước Pháp, dưới thời bà Le Pen, thúc đẩy các chính sách vi phạm luật của EU, hiện tượng “chảy máu” vốn sẽ xảy ra khi các nhà đầu tư rút tiền mặt ra khỏi Pháp. Đây là điều đã xảy ra tại Vương quốc Anh khi nước này tiến hành bỏ phiếu về Brexit vào năm 2016.

Điều bà Le Pen hướng tới

Bà Le Pen đã tìm kiếm sự ủng hộ trong vòng bỏ phiếu đầu tiên bằng cách hướng sự quan tâm đến thực trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. Trong khi đó, bà cũng hạ giọng trong các vấn đề chống lại người nhập cư và Hồi giáo.

"Ưu tiên tuyệt đối của tôi trong 5 năm tới là trả lại tiền cho người Pháp", bà nói trong cuộc tranh luận trên truyền hình với đương kim Tổng thống Macron hôm 20/4.

Lạm phát của Pháp ở mức 4,5% trong tháng 3/2022, đẩy niềm tin tiêu dùng xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Giá năng lượng, vốn đã tăng vọt kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine (U-crai-na) bùng phát, cũng tăng 29% so với năm 2021, trong khi giá thực phẩm cao hơn gần 3%.

Khi lạm phát ảnh hưởng đến chi tiêu, các nhà kinh tế cảnh báo rằng kinh tế Pháp sẽ suy giảm vào cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Hai ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp vòng 2: đương kim Tổng thống Emmanuel Macron (trái) và đại diện đảng Tập hợp quốc gia, bà Marine Le Pen trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 20/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Boris Plazzi, thành viên Hội đồng quản trị của Confédération Générale du Travail, một liên đoàn công nhân với 700.000 thành viên, nhận định: “Tiền lương, đặc biệt là xu hướng lương thấp, đang không tăng tương ứng với tỷ lệ tăng của giá cả. Do đó, từ phía người lao động đang có những quan ngại thực sự”.

Bà Le Pen đã cam kết sẽ bổ sung sức mua thêm từ 150 euro (163 USD) đến 200 euro (217 USD) mỗi tháng cho các hộ gia đình bằng cách cắt giảm thuế nhiên liệu, giảm phí cầu đường và cắt giảm các khoản phúc lợi xã hội như trợ cấp nhà ở cho người nước ngoài.

Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhận định: “Giá thực phẩm và nhiên liệu đã thực sự chi phối các chiến dịch bầu cử (của bà Le Pen. Đây là một trong những lý do khiến bà ấy thành công”.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron đã chỉ trích kế hoạch của bà Le Pen trong cuộc tranh luận hôm 20/4. Ông Macron lưu ý rằng việc tiếp tục các chính sách nhằm giúp đỡ những người nghèo nhất là hợp lý hơn, thay vì theo đuổi các biện pháp như cắt giảm thuế nhiên liệu.

Ông Macron cũng nhấn mạnh con số 1,2 triệu việc làm được tạo ra trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình và cho biết chính phủ sẽ duy trì mức trần tạm thời đối với giá điện và khí đốt để giúp giữ lạm phát thấp hơn những nơi khác ở châu Âu.

Tuy nhiên, giá cả tăng cao là một rủi ro đối với chiến dịch của ông Macron khi ông cố gắng thuyết phục hàng triệu cử tri hiện vẫn chưa đưa ra quyết định.

Khoảng 40% dân số Pháp hiện sống với mức thu nhập dưới 1.600 euro (1.736 USD) mỗi tháng. Nhiều người trong số họ đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu cho ứng viên cánh tả Jean-Luc Mélenchon trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử, theo báo Le Monde.

Một phen chao đảo

Eurasia Group cho rằng ông Macron có 80% cơ hội tái đắc cử. Tuy nhiên, nếu bà Le Pen giành chiến thắng, các thị trường tài chính, vốn đã chịu tác động nặng nề do căng thẳng ở Ukraine, sẽ được một phen chao đảo. Hậu quả là những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế sẽ suy giảm hơn nữa.

Khi ông Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ vào năm 2016, thị trường ban đầu cũng hoảng loạn. Tuy nhiên những lo ngại này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn hạn vì sau đó giới đầu tư nhận ra rằng ông sẽ khó có thể theo đuổi các chính sách cực đoan nhất của mình.

Trái lại, ảnh hưởng của việc Vương quốc Anh bỏ phiếu rời EU kéo dài hơn. Giá trị đồng bảng Anh đã giảm và hiện vẫn chưa phục hồi về mức quy đổi của tháng 6/2016.

Chú thích ảnh
Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và thủ lĩnh đảng cực hữu Marine Le Pen (trái). Ảnh: AFP/TTXVN

Amundi, một công ty quản lý tài của Pháp, cho biết họ không khuyến nghị khách hàng mua cổ phiếu châu Âu ngay bây giờ vì những bất ổn kinh tế và chính trị. Trong đó, cuộc bầu cử tại Pháp cũng là một lý do.

"Các thị trường dường như đang tự mãn về khả năng chiến thắng của Tổng thống Macron, mặc dù xác suất chiến thắng của bà Le Pen không phải là không đáng kể", Vincent Mortier, một giám đốc đầu tư, cho biết.

Trong khi bà Le Pen đã đảo ngược đề xuất trước đó của bà về việc đưa Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu, bà vẫn cam kết sẽ giảm bớt mối quan hệ giữa Pháp và khối này bằng cách khởi động một loạt các cuộc trưng cầu dân ý.

Nếu trở thành Tổng thống, bà ấy có thể cấm công nhân từ các khu vực khác của EU đến Pháp, hoặc sẽ thực hiện các bước để cản trở sự di chuyển tự do của hàng hóa. Điều đó sẽ đặt ra những câu hỏi căng thẳng về tương lai của nước Pháp - và của chính EU.

Ông Claeys của Bruegel cho biết: “Mặc dù việc rời khỏi EU không nằm trong chương trình chính thức (của bà Le Pen), nhưng với những chính sách mà bà ấy dự định thực hiện, một cuộc đối đầu giữa Pháp và các đối tác châu Âu là khó tránh khỏi”.

Jessica Hinds, chuyên gia kinh tế châu Âu tại cơ quan nghiên cứu Capital Economics, cho biết chiến thắng của bà Le Pen sẽ cần được hỗ trợ bởi một kết quả tích cực dành cho đảng Tập hợp Dân tộc (RN) của bà trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Sáu tới.

Chuyên gia này cho rằng, RN sẽ chắp cánh để bà Le Pen tìm kiếm một liên minh hỗ trợ rộng lớn hơn, ít nhất là trong các chính sách đối nội. Điều này có nghĩa là một nhiệm kỳ Tổng thống của bà Le Pen có thể ít cấp tiến về mặt chính trị hơn so với những gì nhiều nhà đầu tư lo ngại.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›