Người thi đấu muộn nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam trong tối 4/8 là cua-rơ Nguyễn Thị Thật đã không thể cạnh tranh thứ hạng cao trước các đối thủ mạnh.
Nguyễn Thị Thật là 1 trong 3 cua-rơ Đông Nam Á, cùng với SOMRAT Phetdarin Somrat (Thái Lan) và Mohamad Aisyah (Malaysia) tham gia tranh tài ở nội dung xe đạp đường trường tại Olympic. Chặng đua kéo dài 158km với đường đua ít dốc cao trên thực tế không đem lại khó khăn cho cua-rơ Việt Nam. Thậm chí, với nhiều cung đường đẹp và sự cỗ vũ nhiệt tình của khán giả trên các con phố nhỏ ở Paris, 92 tay đua rất hưng phấn khi thi đấu.
Dù vậy, việc "đơn thương độc mã" thi đấu trước các đối thủ mạnh hơn lại có sự hỗ trợ của đồng đội khiến Nguyễn Thị Thật rơi vào thế khó. Dù nỗ lực để vượt lên nhưng gần như không thể bứt phá trước sự "kìm kẹp" của đối thủ. Càng về cuối càng bị bỏ lại khá xa, cách tốp đầu với 10 tay đua của Anh, Hà Lan, Italia, Đức, Mỹ… khoảng gần 1 phút. Vì thế, không bất ngờ khi Nguyễn Thị Thật về đích ở nhóm cuối, hạng thứ 73 với thành tích 4 giờ 10 phút 47 giây, còn tay đua Kristen Faulkner (Mỹ) cán đích đầu tiên sau 3 giờ 59 phút 23 giây.
Sự cạnh tranh quyết liệt ở các môn thể thao tốc độ và sức mạnh vốn không phải là sở trường của các tuyển thủ Việt Nam đã được dự báo trước. Dù vậy, kết quả thi đấu đã phản ánh sự chênh lệch rất lớn về trình độ với đối thủ ở Olympic.
Điển hình ở môn bơi, niềm hi vọng số 1 Nguyễn Huy Hoàng thi đấu không thành công ở nội dung 1.500 tự do nam. Thông số 15 phút 18 giây 24 chỉ đủ để giúp kình ngư Quảng Bình có được vị trí 21/24 ở vòng loại và dừng bước. Cùng với thành tích 8 phút 8 giây 39 ở nội dung 800m tự do nam, Huy Hoàng đã có một kỳ Olympic không thành công với các thông số chuyên môn đều sa sút.
Trong khi đó, lần đầu tiên tham dự Olympic với suất đặc cách, Võ Thị Mỹ Tiên đã thể hiện tốt, giành thành tích tốt nhất từ trước tới nay với 2 phút 17 giây 18 ở nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ. Cô gái 19 tuổi người Long An dù không có vé đi tiếp khi xếp 27/33 ở vòng loại nhưng cho thấy sự tiến bộ về chuyên môn so với giải các nhóm tuổi trẻ châu Á vừa diễn ra (2:17.26).
Ở môn điền kinh, Trần Thị Nhi Yến về đầu ở vòng sơ loại nội dung 100m nữ với 11 giây 81 nhưng ở vòng loại đầu tiên, thành tích 11 giây 79 khiến chân chạy người Long An phải dừng bước. Đáng chú ý, đây cũng không phải thông số khả quan, bởi Nhi Yến đã từng chạy 11 giây 40 trong năm 2024.
Ở môn bắn cung, Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong đều dừng bước ở vòng 1/32 nội dung cá nhân. Cùng với đó, tay chèo Phạm Thị Huệ kết thúc với vị trí 23/24 chung cuộc ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng.
Sau khi hoàn thành thi đấu, một số tuyển thủ của đoàn TTVN đã lên đường về nước. Trong sáng nay (5/8), HLV Nguyễn Thị Thanh Hương và VĐV Trần Thị Nhi Yến sẽ có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất TPHCM. Cùng với đó, thầy trò đội tuyển Judo và Rowing cũng về tới sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Trong sáng ngày 6/8, 13 thành viên các đội tuyển bắn súng, bắn cung, cầu lông về tới Hà Nội vào lúc 6h35 theo kế hoạch. Các tuyển thủ sẽ trở lại Trung tâm HLTTQG Hà Nội và tiếp tục triển khai kế hoạch tập luyện chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế sắp tới.
Cua-rơ Nguyễn Thị Thật, HLV Huỳnh Văn Chánh và thành viên đội tuyển bơi sẽ về nước vào ngày 7/8. Theo kế hoạch, toàn bộ các tuyển thủ sẽ về nước vào ngày 12/8, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cùng với 4 cán bộ đoàn và 2 bác sỹ sẽ là những người cuối cùng rời Paris, Pháp sau khi dự lễ bế mạc.
Tính đến hết ngày 4/8, đoàn TTVN chỉ còn 2 tuyển thủ tham gia tranh tài tại Olympic, gồm Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Nguyễn Thị Hương (canoeing) với các cuộc thi đấu lần lượt vào các ngày 7 và 8/8.
Tags