Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 đã kết thúc vào tối qua 7/12, với việc cả 3 Huy chương Vàng đều được trao cho các tiết mục xiếc của nước chủ nhà.
1. Được Bộ VH,TT&DL tổ chức, Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 được đặt kỳ vọng là sự kiện nghệ thuật quốc tế nổi bật trong bối cảnh nghệ thuật xiếc trên thế giới đang dần hồi phục và phát triển sau 2 năm bị ảnh hưởng vì đại dịch.
Nhưng, cũng giống như Liên hoan Sân khấu thử nghiệm vừa diễn ra vài tuần trước, với những khó khăn trong giai đoạn hậu Covid-19, danh sách tham dự của các đoàn quốc tế lần này gặp nhiều biến động vào giờ chót - để rồi chỉ có 5 đoàn tham dự đến từ Ai Cập, Belarus, Lào, Campuchia và Canada.
Bù lại, như những gì diễn ra, nỗ lực và sự đầu tư của các đoàn xiếc Việt Nam cho sân chơi lớn sau đại dịch vẫn khiến Liên hoan không kém phần hấp dẫn. Với lợi thế là chủ nhà, hầu hết các tiết mục của Việt Nam đều mang tính hoành tráng cao, sử dụng nhiều đạo cụ phức tạp với số lượng diễn viên đông đảo.
Điển hình, đó là trường hợp của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đơn vị có bề dày nhất trong làng xiếc Việt. Ở tiết mục Dây căng cao, các nghệ sĩ biểu diễn gần như khiến khán giả nghẹt thở khi nhịp nhàng thể hiện các động tác chồng người 2 lớp - 3 lớp, đi trên dây, xe đạp trên dây… ở độ cao tuyệt đối so với mặt sàn.
"Trước đây, chúng tôi từng biểu diễn các tiết mục Xe đạp chồng người, Xe đạp đế, nhưng việc nghệ sĩ bịt mắt, chủ động dừng lại khi đi tới giữa dây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác" - đạo diễn Ngọc Anh chia sẻ về Dây căng cao - "Để tập và hoàn thành tiết mục này, tôi phải chọn các nghệ sĩ rất chuyên nghiệp, đặc biệt là có kỷ luật, biết kiềm chế cái tôi để tạo nên sự phối hợp ăn ý như vậy".
Hoặc, các tiết mục Đu nón và Đu quăng của đơn vị này cũng nhận được sự đánh giá cao của người xem và Hội đồng giám khảo, khi các nghệ sĩ thể hiện các kỹ thuật đu câu, treo, trụ… một cách nhuần nhuyễn - và đặc biệt, không hề sử dụng dây bảo hiểm ở độ cao 5 mét. Trong đó, nếu Đu nón là tiết mục từng giành giải cao tại Liên hoan xiếc Quốc tế 2022 tại Nga vừa qua, thì Đu quăng lại có sự thích ứng thú vị với nhu cầu của khán giả khi lồng ghép các hình tượng nhân vật trong bộ phim ăn khách quốc tế Avatar vào các nhân vật xiếc.
Tương tự, các tiết mục Lời của biển, Âm vang cổng trời (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam),Hồi sinh (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) hay Hương sắc vùng cao (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội) cũng đều được người xem và giới chuyên môn đánh giá khá tích cực. Như chia sẻ của người trong cuộc, một phần trong số các tiết mục này từng xuất hiện tại Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2021, sau đó được các đơn vị tiếp tục nâng cao và phát triển thêm nên đạt tới trình độ kỹ thuật khá điêu luyện.
"Thẳng thắn, các tiết mục của Việt Nam mang đậm bản sắc riêng và hoàn toàn khác với xiếc châu Âu. Các bạn rất biết cách khai thác những nét văn hóa truyền thống của mình để tạo ấn tượng với người xem. Chẳng hạn, cùng sử dụng chiếc xe đạp - vốn rất phổ biến trên thế giới - làm đạo cụ, nhưng với những áo tứ thân và lưới đánh cá đi kèm, chiếc xe đạp của phía Việt Nam lại mở ra những câu chuyện về không gian làng quê Bắc bộ, phiên chợ miền núi Tây Bắc hay cuộc sống của những người dân miền biển…" - Waild Tah, trưởng đoàn xiếc quốc gia Ai Cập, cho biết.
2. Ở hướng ngược lại, dù đa phần mang những tiết mục phần nào "gọn nhẹ" để phù hợp điều kiện di chuyển nhưng các đoàn xiếc quốc tế cũng đã thể hiện được sự điêu luyện và sáng tạo, in dấu ấn bản sắc riêng của mình. Trong phát biểu bế mạc NSND Tạ Duy Ánh (Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan)đã "điểm tên" những Đu quăng (Campuchia), Dây da (Lào), Xe chỉ (Ai Cập), Dây lụa (Canada), Đu vòng (Belarus) như những tiết mục điển hình tại Liên hoan.
"So với kỳ thi (năm 2019), chất lượng Liên hoan Xiếcquốc tế lần này đã được nâng cao một cách rõ rệt" - ông Ánh nhận xét - "Nhiều vị giám khảo khá ngạc nhiên vì nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện với nhiều tiềm năng hứa hẹn. Điều đó không khỏi khiến chúng tôi khó khăn trong việc phân định các giải thưởng, nhưng cũng vì thế mà sự kiện thêm phần hấp dẫn".
Còn theo NSND Tống Toàn Thắng (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), những tiết mục xuất hiện tại Liên hoan cho thấy 2 xu thế đang nổi lên của nghệ thuật xiếc Việt Nam. Thứ nhất, dựa trên trình độ chuyên môn cao và sự khổ luyện, nhiều tiết mục đề cao tính mạo hiểm và sự dũng cảm để thực sự chinh phục khán giả. Còn ở xu thế thứ hai, các tiết mục xiếc Việt Nam đã tăng các yếu tố giải trí và sự hỗ trợ của công nghệ, chính điều này đã nâng tầm cho các tiết mục xiếc, vượt xa cách làm xiếc truyền thống đơn lẻ, diễn trò nhỏ lẻ như những năm trước đây.
"Từ mặt bằng chất lượng được đào tạo khá bài bản theo nền nghệ thuật xiếc của Liên Xô cũ, xiếc Việt Nam đã cho thấy sự cầu thị để tìm tòi, phát triển và luôn chú trọng tới việc khai thác màu sắc, ngôn ngữ của văn hóa truyền thống. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng" - ông Thắng nói.
Thực tế, những đêm biểu diễn vừa qua của Liên hoan tại rạp xiếc Trung ương liên tục chật kín khán giả. Còn vào buổi sáng cuối tuần xen giữa Liên hoan (ngày 3/12), chương trình chào mừng với các màn diễu hành và biểu diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm của toàn bộ các đoàn nghệ thuật tham dự cũng đã thu hút và tạo sự hứng khởi cho hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước. Và như thế, dù vẫn còn sự chưa hoàn hảo ở một số tiết mục, rõ ràng Liên hoan đã tạo được một cú hích trong đời sống văn hóa - khi chính khán giả là đối tượng thụ hưởng và phấn khởi nhiều nhất ở sân chơi này.
3 giải Vàng tại Liên hoan thuộc về các tiết mục Dây căng cao (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Lời của biển (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam), và Hồi sinh (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam). 8 tiết mục khác giành giải Bạc (trong đó có 2 tiết mục của Lào và Ai Cập) và 3 tiết mục giành giải Đồng. Ngoài ra, Liên hoan cũng 3 giải cá nhân cho một số nghệ sĩ ở các nội dung dàn dựng, huấn luyện tiết mục.
Tags