Kêu oan ở sân cỏ Việt

Thứ Hai, 13/05/2019 06:02 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tại xứ Thanh, Đình Trọng phải nhận thẻ đỏ trực tiếp từ trọng tài FIFA Nguyễn Hiền Triết, đồng thời CLB Hà Nội chịu thêm quả phạt đền, sau pha tác động từ phía sau với Rimario. Đây là một trong những nút thắt quan trọng của trận đấu, dẫn đến trận thua thảm bại 1-4 của nhà đương kim vô địch V-League, trước Thanh Hóa.

Đình Trọng nhận thẻ đỏ, Hà Nội thua đậm Thanh Hóa

Đình Trọng nhận thẻ đỏ, Hà Nội thua đậm Thanh Hóa

Hà Nội bất ngờ để thua Thannh Hóa với tỷ số 1-4. Trong khi đó TP HCM để Quảng Nam cầm hòa với tỷ số 1-1.

Không lâu sau khi diễn biến ở Thanh Hoá khép lại, HLV Chung Hae Seong của CLB TP.HCM cũng phát hoả khi trọng tài người Hải Phòng từ chối quả phạt đền mười mươi, sau tình huống hậu vệ Quảng Nam truy cản trái phép Văn Thành trong khu vực cấm địa. Ông Chung thậm chí còn yêu cầu VPF và VFF phải xem lại băng hình trận đấu này, không phải chỉ để giải thích cho trận hoà 1-1.

Dường như đã có hẳn một chiến dịch minh oan cho chiếc thẻ đỏ của Đình Trọng, vì theo nhiều người, chiếc thẻ vàng và một quả penalty là hợp lý. Đó là chưa kể, nếu Trọng phải nhận thẻ đỏ vì lỗi truy cản trái phép trong tình huống có thể dẫn tới bàn thắng, thì tại sao một hậu vệ của Thanh Hoá không phải chịu cùng án phạt, sau khi phạm lỗi với Quang Hải sau đó?!

VIDEO: Thanh Hóa 4-1 Hà Nội: Đình Trọng nhận thẻ đỏ đầu tiên trong sự nghiệp ở V-League

Tiếng kêu oan ở khắp các sân cỏ V-League cuối tuần qua, khiến người ta không thể không đặt câu hỏi. Soi lại băng hình, Đình Trọng bắt đầu có những tác động với Rimario từ ngoài khu vực cấm địa. Tức là nếu tính từ điểm phạm lỗi, nó không thể là một quả phạt đền, dù Trọng khó thoát án một chiếc thẻ đỏ, vì truy cản trái phép trong tình huống có thể dẫn tới bàn thắng cho đối phương.

Và, băng hình cũng chứng minh rằng Văn Thành đã chủ động té ngã, trước sự đeo bám của hậu vệ Quảng Nam. Nhưng, ngay cả việc xem đi xem lại, thì về cơ bản nhận định đưa ra cũng chỉ là cảm tính.

Vấn đề là tại sao và như thế nào, chúng ta lại bàn đến công tác trọng tài và các tình huống nhanh như điện giật trên sân, sau khi cuộc chơi đã khép lại, đồng thời không thể thay đổi được kết quả của nó! Đấy là bởi người xem và người chơi đều muốn hướng tới sự công bằng, văn minh và trọng tài - mắt xích quan trọng bậc nhất của một trận bóng đá, thường bị xem là nạn nhân, nhưng đồng thời cũng là tác nhân bởi sự yếu kém.

Ngô Quốc Hưng, Nguyễn Hiền Triết hay Hoàng Anh Tuấn, người bắt trận đấu giữa Hải Phòng và SLNA ở vòng 9 Wake-up 247 V-League 2019 vừa qua, đều là những trọng tài dày dạn kinh nghiệm, có thâm niên và thừa cả độ tinh quái. Nhưng ngay cả làm tốt như Ngô Duy Lân trận đấu giữa B.Bình Dương và Hà Nội ở vòng 8, thì vẫn cứ bị chỉ trích vì “sơ cứu không đúng khoa học, quy trình”, với một cầu thủ có biểu hiện đột quỵ trên sân.

Nghề làm dâu trăm họ khó thoát khỏi áp lực và công việc trọng tài là một nghề cực kỳ áp lực. Đó là lý do họ cần được đào tạo bài bản và phát triển tài năng một cách bình thường, thay vì “chạy dây” để được phân công. Chúng ta còn nhớ cú phốt của Trần Đình Thịnh, trọng tài đăng ký FIFA năm nay, tại Hàng Đẫy trong ngày khai mạc giải. Đấy chỉ là một tai nạn, nhưng trọng tài Đình Thịnh đã phải “chịu án” cho đến mới đây mới được phân công ngồi bàn trở lại trận đấu ở Bình Dương.

Điều mà nhà tổ chức và người hâm mộ bóng đá hướng tới, đấy là những trận đấu chất lượng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giải đấu, chất lượng nền bóng đá. Nhưng nếu như V-League chỉ có những trận cầu nhợt nhạt như B.Bình Dương - Sài Gòn FC hay cuộc đối đầu không có bàn thắng nào được ghi suốt 90 phút ở Lạch Tray giữa Hải Phòng và SLNA, thì quả là phí phạm cho một ngày cuối tuần của người xem.

Thế nên, thay vì kêu ca, chúng ta nên tập trung vào công việc của mình. Xã hội phân công lao động rồi và mỗi mắt xích đều làm việc với khả năng tốt nhất, thành tựu sẽ tự nhiên đến và bóng đá Việt Nam chắc chắn được hưởng lợi.

Tùy Phong

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›