Theo thông tin Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/5, trong tháng 5/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu của năm 2024, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Trong tổng số gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,7%; đường bộ chiếm 14,2% và đường biển đạt chiếm 2,1%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương đẩy mạnh.
Cũng theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng qua ước đạt 296,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 24,2 nghìn tỷ đồng, tăng 45,1%. Doanh thu du lịch lữ hành của một số địa phương tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước gồm Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh...
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Diễn đàn Kinh tế đã tính toán lại điểm số và xếp hạng Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2019 và 2021 theo bộ chỉ số mới của năm 2024. Theo đó, chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế (đạt 3,84 điểm); năm 2021 xếp hạng 56/117 nền kinh tế (đạt 4,0 điểm); năm 2024 xếp hạng 59/119 nền kinh tế (đạt 3,96 điểm) - giảm 3 bậc so với năm 2021.
Theo khung đánh giá mới, nhiều quốc gia trong khu vực bị tụt hạng như Thái Lan giảm 12 bậc, Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 2 bậc, Campuchia giảm 1 bậc. Indonesia, Lào giữ nguyên hạng. Philippines tăng 1 bậc.
Năm 2024, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore (hạng 13), Indonesia (22), Malaysia (35), Thái Lan (47). Việt Nam xếp trên Philippines (69), Campuchia (86), Lào (91). Brunei không có trong danh sách xếp hạng.
Năm nay, Việt Nam có 4 chỉ số trong nhóm hàng đầu thế giới (hạng 1-35). Chỉ số có thứ hạng tốt nhất là Sức cạnh tranh về giá (hạng 16). Các chỉ số: An toàn, an ninh (23), Tài nguyên tự nhiên (26), Tài nguyên văn hóa (28) tiếp tục được đánh giá cao.
Bảy chỉ số trụ cột nằm trong nhóm hạng trung bình cao (hạng 36-70) có: Tài nguyên phi giải trí (38); Hạ tầng hàng không (43); Nhân lực và thị trường lao động (49); Sự bền vững về nhu cầu du lịch (54); Hạ tầng mặt đất và cảng (54); Mức độ sẵn sàng về CNTT và truyền thông (57); Môi trường kinh doanh (65). Như vậy 11/17 chỉ số trụ cột của Việt Nam được xếp hạng từ trung bình cao đến hàng đầu thế giới.
Sáu chỉ số của Việt Nam rơi vào hạng trung bình thấp và thấp của thế giới (hạng 71-119), gồm: Hạ tầng và Dịch vụ du lịch (hạng 80); Mức độ mở cửa du lịch (80); Y tế và vệ sinh (81); Sự bền vững về môi trường (93); Mức độ ưu tiên cho du lịch (98); Tác động kinh tế-xã hội của du lịch (115).
Có 5 chỉ số tăng hạng gồm: Sức cạnh tranh về giá (tăng 4 bậc); Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông (tăng 3 bậc); Hạ tầng và dịch vụ du lịch (tăng 4 bậc); Mức độ mở cửa du lịch (tăng 2 bậc); Y tế và vệ sinh (tăng 1 bậc). Tuy nhiên, một số chỉ số trụ cột tụt hạng mạnh như Hạ tầng hàng không giảm 17 bậc; Sự bền vững về nhu cầu du lịch giảm 24 bậc. Hai chỉ số mới đều xếp hạng thấp: Mức độ mở cửa du lịch xếp hạng 80; Tác động kinh tế-xã hội của du lịch xếp hạng 115.
Tags