- Phỏng vấn khách Tây ở Việt Nam lâu năm: Hai cô gái Nga thú nhận 'nghiện' một thứ giống hệt người Việt Nam
- Khách Tây ăn thử một món từ côn trùng Việt Nam rồi nhận xét: "Ban đầu có thể sợ nhưng sau chắc chắn sẽ nghiện!"
- Khách Tây bình chọn 41 đặc sản ngon nhất châu Á: Việt Nam vinh dự góp 6 món trứ danh
- Loài vật biển mà ở phương Tây hiếm ai ăn nhưng lại cực phổ biến tại Trung Quốc: Tới Việt Nam còn biến thành đặc sản ngon khó cưỡng
Đoàn tàu đi qua những tán lá rừng rậm rạp, bãi gỗ, trang trại ngỗng, cánh đồng lúa, những con trâu nước nghỉ ngơi bên sông, thuyền đánh cá và đại dương xanh chói mắt, vị khách du lịch nước ngoài viết trên tờ Washington Post.
Sự lãng mạn khi đi tàu hỏa
Ở những nơi như Nhật Bản và Tây Âu, tàu hỏa có thể là cách đi lại hiệu quả nhất. Không cần đến sân bay vài giờ trước khi khởi hành, ít thủ tục an ninh hơn và giảm thiểu khả năng hủy chuyến.
Nhưng điều đó không phải xảy ra ở Đông Nam Á, nơi các chuyến bay giá rẻ, nhanh chóng trở thành phương tiện di chuyển nhiều nhất. Bạn có thể đi từ Bangkok đến Lào trong 70 phút với 50 USD hoặc đến Bali trong khoảng 4 giờ với 100 USD...
Nhưng đây không phải là điều tôi muốn trong chuyến đi đầu tiên của tôi trở lại châu Á kể từ sau đại dịch và lần đầu tiên đến Việt Nam kể từ năm 2016.
Tôi muốn nhìn đất nước này theo một cách khác, vì vậy tôi quyết định bỏ chuyến bay ngắn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội và thay vào đó là đi 2 chuyến tàu đêm trong ba ngày.
Chuyến tàu có sức hấp dẫn lãng mạn, chạy chầm chậm, thay thế lịch trình nghiêm ngặt bằng việc kết nối với những địa điểm mới theo cách có ý nghĩa hơn.
Đi bằng đường sắt hứa hẹn sẽ mang đến khung cảnh của vùng nông thôn xanh tốt của Việt Nam. Và hơn hết, đó là cơ hội để thử một số món ăn trên tàu (một trò tiêu khiển yêu thích của tôi).
Kết quả đúng như tôi mong đợi.
Tôi đã đặt chuyến đi trước vài tuần thông qua trang web của Đường sắt Việt Nam. Tôi quyết định thay đổi hành trình vài ngày trước khi khởi hành và nhân viên Đường sắt Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu này qua email và hoàn lại tiền cho tôi trong vòng vài giờ. Vào ngày đi, tôi xuất trình vé trên điện thoại trước khi lên tàu mà không cần in ra hay làm thủ tục tại ga tàu.
Đầu tiên là chuyến đi xuyên đêm kéo dài 22 giờ 44 phút của tôi trên chuyến tàu Thống Nhất, cái tên nói về sự thống nhất của hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Đoàn tàu chạy trên tuyến đường sắt Bắc Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh đến biên giới phía bắc của đất nước với Trung Quốc, với nhiều điểm dừng trên đường đi. Đây là tàu giường nằm, được đa số người dân địa phương sử dụng.
Có bốn loại giá vé: ghế cứng (rẻ nhất và ít thoải mái nhất), ghế mềm, giường cứng và giường mềm.
Với 64 USD, tôi đã có một vé giường nằm từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Huế, cố đô của Việt Nam và là một điểm đến được ưa thích bởi ẩm thực phong phú, cách Hà Nội khoảng nửa đường.
Trong suốt hành trình, các nhân viên thường xuyên đến bán cà phê, đồ ăn nhẹ và các bữa ăn, như cơm, súp và cháo thịt băm ăn sáng.
Đôi khi, tàu cũng dừng đủ lâu để hành khách có thể xuống và mua đồ ăn nhẹ từ những người bán hàng trong ga, cả đồ đóng gói và đồ ăn nóng. Khi tàu dừng ở Đà Nẵng khoảng mười phút, tôi đã nhảy xuống và ăn một cây kem khoai môn ngon lành.
Sau một đêm ở khách sạn và một ngày ở Huế, tôi lên đường đi Hà Nội trên tàu Lotus Express, một loại tàu du lịch giường nằm đẹp hơn chỉ với vé giường nằm mềm (phòng 4 giường) và "phòng VIP" (phòng 2 giường). Giá vé cho hành trình kéo dài 15 giờ là 72 USD.
Đoàn tàu cũng tương tự tàu Thống nhất, nhưng có WiFi, nệm dày hơn, nhiều đồ trang trí hơn, một ly rượu vang miễn phí, một túi đồ ăn nhẹ và lượng khách du lịch nhiều hơn theo cấp số nhân.
Chia sẻ không gian với người lạ
Khi tôi lên chuyến tàu tốc hành Thống Nhất, chỉ có một hành khách khác trong cabin của tôi: một người đàn ông Việt Nam lớn tuổi tên Dac.
Anh ấy nói một chút tiếng Anh, còn tôi thì không nói được tiếng Việt, nhưng tôi được biết anh ấy từ Thành phố Hồ Chí Minh và đang ra Hà Nội để gặp gia đình. Sau đó, một cặp vợ chồng người Đức lên tàu vào buổi tối và sau đó rời đi trước khi trời sáng. Hai đứa trẻ Việt Nam "nhập hội" cùng chúng tôi vài giờ trước khi đến Huế.
Phải mất một lúc để có được sự thân thiết giữa những người bạn cùng toa. Sẽ có những khó khăn khi ở cùng một không gian với nhau, đặc biệt là khi đến giờ đi ngủ.
Bạn cùng toa của tôi đã nghe video trên điện thoại của anh ấy với âm lượng tối đa trong đêm. Có những người khách đến và đi, tiếng ầm ầm và xóc nẩy của tàu chạy và giật mình khi nhìn thấy khuôn mặt của một người xa lạ khi thức dậy vào lúc nửa đêm.
Nhưng tôi đã có một khoảng thời gian thực sự vui vẻ với Dac với tư cách là bạn cùng toa. Vào cuối chuyến đi, chúng tôi đã xây dựng được một tình bạn thân thiết. Chúng tôi cho nhau xem ảnh gia đình và mời nhau đồ ăn nhẹ cùng đồ uống bất cứ khi nào các nhân viên trên tàu đẩy chiếc xe đẩy đi qua.
Hành trình đáng giá
Tôi thức dậy lúc bình minh vào cả 2 buổi sáng và đi bộ trên hành lang tàu sau những đêm ngủ chập chờn. Đây là những khoảnh khắc yêu thích của tôi trong cuộc hành trình.
Chúng tôi đi qua những tán lá rừng rậm rạp, bãi gỗ, trang trại ngỗng, cánh đồng lúa, những con trâu nước nghỉ ngơi bên sông, thuyền đánh cá và đại dương xanh chói mắt.
Đó là khung cảnh chính xác mà tôi đã hy vọng khi hình dung về chuyến đi. Đây là những thứ tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy trên các chuyến bay.
Mặc dù cảm thấy mệt mỏi vì ngủ không ngon, nhưng tôi cảm thấy biết ơn sâu sắc về trải nghiệm này. Sau hàng chục giờ trên những chuyến tàu này, tôi cảm thấy gắn bó với những du khách khác và nhân viên, đồng thời cảm thấy quen thuộc hơn với phong cảnh Việt Nam bên cạnh những điểm đến nổi tiếng nhất.