- Buổi biểu diễn của BLACKPINK tại Coachella bị phạt gần 900 triệu đồng, lý do là gì?
- “Đột nhập” penthouse của nữ CEO dùng hũ kem 42 triệu: Trồng mận sai trĩu quả ở ban công view nhìn ra Landmark 81, đèn chùm nước hoa có 1-0-2
- Nghiên cứu Harvard: Trẻ chỉ có một giai đoạn duy nhất để nâng cao IQ, cha mẹ nắm bắt để giúp con phát triển vượt kì vọng!
Đất nước Việt Nam với 63 tỉnh thành trải dọc mảnh đất hình chữ S, không chỉ cảnh quan riêng biệt, mà mỗi nơi còn có những món đặc sản khác nhau. Những món ăn tuy dân dã nhưng có thể "chiều lòng" vị giác của bất kỳ du khách nào.
Will - một du khách nước ngoài đến từ Pháp đã có thời gian dài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, anh đã đi đến nhiều tỉnh thành, nhiều vùng miền và thưởng thức đa dạng những món đặc sản như thế. Dưới đây là một số món Will đã thử và vô cùng ấn tượng bởi sự thú vị của chúng. Trong số đó ngay từ cái tên đầu tiên đã khá kỳ lạ, đến từ Thái Bình nhưng không phải ai cũng biết, kể cả người Việt.
1. Bánh cáy Thái Bình
Will thử ăn bánh cáy - đặc sản Thái Bình lần đầu tiên. (Ảnh Tiktok @Willinvietnam)
Thưởng thức bánh cáy, Will cùng một người bạn mình nhận xét: "Món ăn này có vị rất dính, bên trong có màu cam rất bắt mắt nhưng không biết là làm từ gì".
Bánh cáy là loại bánh màu trắng ngà, khi ăn có vị ngọt của đường, cay nhẹ của hương gừng, béo bùi, dẻo thơm của nếp và cốm non. Cái tên bánh cáy vô cùng nổi tiếng ở Thái Bình, thậm chí còn được coi là biểu tượng văn hóa ẩm thực của nơi này, song vẫn thực sự nhiều người ngoại tỉnh hay du khách biết tới.
Tên gọi của bánh bắt nguồn từ chính nguyên liệu làm nên bánh, đó là hạt nếp cái hoa vàng. Hạt sẽ được đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu rồi đem phơi khô, từ đó ra màu vàng và trông giống trứng con cáy. Có một giai thoại cổ về bánh cáy, đó là xưa kia, món ăn này còn được dùng để tiến nhà vua thời Nguyễn và được vua khen ngợi.
Ở Thái Bình, ngôi làng được mệnh danh là "cái nôi" của bánh cáy là làng Nguyễn. Chính vì vậy, du khách khi tới thăm Thái Bình không thể quên ghé thăm ngôi làng và mua thưởng thức bánh cáy chính gốc cũng như mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.
Bánh cáy nổi tiếng ở làng Nguyễn, Thái Bình.
2. Dê núi Ninh Bình
Nhiều du khách thường nói vui, đến Ninh Bình mà không ăn đặc sản dê núi thì thực sự quá phí phạm. Thậm chí vào năm 2012, Trung tâm kỷ lục Việt Nam còn xác lập, dê núi Ninh Bình từng lọt danh sách 50 món đặc sản ngon nhất Việt Nam.
Thịt dê Ninh Bình có đô mềm vừa phải, không quá dài, có mùi hơi hôi đặc trưng nhưng không quá nồng. Khi ăn, thực khách sẽ ăn kèm chanh, gừng, ớt, sả, giềng, lá sung, lá mơ, chuối xanh cùng các loại rau sống, để làm dậy lên độ ngọt và át đi mùi hôi của thịt dê.
Thịt dê là thứ đặc sản không thể không thử khi tới Ninh Bình.
Hai loại nước chấm thường dùng với món ăn là tương bần và nước mắm gừng. Trong đó, tương bần được yêu thích hơn bởi có vị mặn vừa phải, thơm mùi đậu tương và nếp cái hoa vàng.
Lần đầu thưởng thức thịt dê, Will chia sẻ anh ăn ở một nhà hàng ở Tam Cốc, vị thịt dê rất đặc biệt, chấm cùng tương tạo nên hương vị rất thú vị.
Chàng khách Tây thích thú khi được thưởng thức thịt dê chấm tương bần ở Ninh Bình. (Ảnh Tiktok @Willinvietnam)
3. Nem cua bể Hải Phòng
Chỉ cần nghe cái tên nem cua bể, phần đông du khách đã nhớ ngay tới mảnh đất hoa phượng đỏ - Hải Phòng. Đây cũng chính là địa điểm mà vị khách Tây, Will thưởng thức món ăn, cùng với bún chả. Sau khi thưởng thức, chàng trai đã phải thốt lên "Wow" và dành cho món ăn rất nhiều "cái like".
Khác với các phiên bản nem cuốn, nem rán thông thường, nem cua bể Hải Phòng có hình vuông đặc trưng, bên trong đầy ắp nhân miến, thịt, tôm và không thể không có cua bể. Một chiếc nem cua bể được đánh giá là khá to, sẽ phải cắt ra làm 4 phần để thưởng thức. Nem được chiên vàng giòn, ăn cùng với bún, các loại rau thơm và bát nước mắm ớt tỏi chua ngọt.
Khác với nem thông thường, nem cua bể có hình vuông, khi ăn cắt làm 4 phần.
Ảnh Tiktok @Willinvietnam
4. Nem chua Thanh Hóa
Tiếp tục là một món ăn xuất hiện khá nhiều tại các tỉnh thành Việt Nam, song nổi tiếng nhất chính là nem chua thanh hóa. Ấn tượng đầu tiên của Will khi ăn nem chua đó là nó được bọc ở bên ngoài với nhiều lớp lá. Đó cũng chính là điểm đặc trưng của món ăn này.
Sau khi bóc hết lớp lá, chiếc nem bên trong sẽ hiện ra với màu hơi hồng, được làm từ thính và thịt tươi, đan xen với những lát tỏi hay miếng ớt được băm nhỏ. Nem sẽ nhiều hình dạng khác nhau, từ hình tròn, hình trụ cho tới hình vuông. Nem chua Thanh Hóa chuẩn sẽ có vị giòn của bì lợn, vị chua của thịt, vị cay của ớt... Bên cạnh đó, người dân còn khéo léo cho thêm lá đinh lăng để tạo thêm vị nồng cho món ăn này.
Khi ăn, người ăn sẽ chấm nem chua với tương ớt cay để gia tăng hương vị. Tuy nhiên là một món ăn được ủ lên men, nên những người ăn nem chua cũng cần lưu ý chọn mua ở cơ sở đảm bảo về vệ sinh, không thì sẽ rất dễ bị đau bụng.
Nem chua, đặc sản nức tiếng gần xa của xứ Thanh.
Ảnh Tiktok @Willinvietnam
5. Bánh khoái Quảng Bình
Ngay khi thử bánh khoái trong chuyến đi Quảng Bình, chàng du khách Pháp đã phải gật đầu và tấm tắc khen. Đây là món ăn chơi nổi tiếng, thường được ăn vào buổi chiều của du khách cũng như người bản địa ở Quảng Bình.
Về cơ bản, nhìn vẻ ngoài của bánh khoái khá giống với bánh xèo. Bánh có phần vỏ được chiên vàng giòn, to bằng khoảng 1 bàn tay, nhân bên trong là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu như tôm nõn, giá đỗ hay thịt lợn xay nhuyễn ướp với nhiều gia vị. Khi ăn, ta chấm bánh khoái với nước chấm, hay còn được gọi là nước lèo, được pha chế từ nạc thịt heo, dứa, cà chua hay thậm chí thêm một ít lạc rang, tạo nên một hỗn hợp có độ sánh, ngọt dịu và vừa miệng.
Du khách có thể cắt hay cắn nhỏ bánh khoái thành miếng nhỏ sao cho vừa miệng, hoặc cuốn cùng khế chua, rau thơm, xà lách hay chuối chát... Nhiều người nhận xét rằng, tới Quảng Bình mà không ăn bánh khoái thì đúng là một điều đáng tiếc.
Bánh khoái về cơ bản có nhiều nét tương đồng với bánh xèo. (Ảnh Tiktok @Willinvietnam)
6. Cháo lươn Nghệ An
Chào nóng hổi, đặc sệt, được rắc thêm hành lá lên trên, trộn đều cùng thịt lươn vàng ươm, là những hình ảnh đầu tiên ta nhớ tới khi nhắc tới cái tên cháo lươn. Đây cũng là món ăn trứ danh, được coi là một trong những món đặc sản nổi tiếng nhất của Nghệ An.
Vốn dĩ cháo lươn không khó kiếm, song cũng giống như nem chua ở Thanh Hóa, cháo lươn ở Nghệ An được đánh giá là có vị ngon đậm đà và khác biệt nhất. Từ đó dần dần, món ăn trở thành nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực miền quê Bác.
Một bát cháo lươn ngon sẽ được nấu từ gạo tẻ chọn lọc, hạt gạo đều, tròn và mẩy. Lươn đạt chuẩn là lươn đồng tươi, từ đó cho ra thịt lươn chắc, ngọt bùi. Khi chế biến cũng phải tỉ mỉ, cẩn thận để lươn không bị tanh và vẫn giữ được mùi thơm của thịt.
Cháo lươn Nghệ An không chỉ thơm ngon mà còn nhiều chất dinh dưỡng.
Không chỉ thơm ngon, cháo lươn còn được đánh giá là món ăn giàu dinh dưỡng. Các nghiên cứu chỉ ra, trong 100g thịt lươn có chứa chất đạm, chất béo, cùng các vitamin A, B1, B6, sắt, bitotin, kali... Chính vì vậy, món ăn này còn được dùng như một vị thuốc chữa bệnh, bồi bổ cho người ốm, người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên với phụ nữ mang thai thì không nên ăn cháo lươn, bởi thịt lươn có tính hàn.
7. Kẹo lạc, kẹo dồi
Sau rất nhiều lần thưởng thức các món đặc sản, đặc biệt là những món ăn vặt nổi tiếng của nhiều tỉnh thành Việt Nam, Will nhận xét, kẹo lạc chính là món ăn anh cảm thấy ngon nhất. Đây cũng là món ăn phổ biến trên mọi vùng miền của nước ta.
Đối với chàng Tây Will, kẹo lạc là món ăn vặt ngon nhất của ẩm thực Việt. (Ảnh Tiktok @Willinvietnam)
Kẹo lạc được biết đến là món đặc sản dân dã, được bắt gặp ở nhiều nơi như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam hay cả Thanh Hóa. Thành phấn chính của kẹo bao gồm đường, lạc và vừng. Để làm ra kẹo, người nghệ nhân sẽ phải lựa chọn từng hạt lạc khi còn mới, sao cho transh được những hạt lạc mốc. Sau đó đem lạc đi trộn cùng mạch nha màu vàng nâu, 2 nguyên liệu hòa quyện thật đều với nhau, rồi được đổ ra bàn cán khi còn nóng, rắc lớp vừng lên trên rồi cán mỏng, cuối cùng là cắt nhỏ.
Một phiên bản cũng "na ná" kẹo lạc nhưng khác đôi chút về ngoại hình, đó là kẹo dồi. Về phần nguyên liệu bên trong của kẹo dồi, chúng giống với kẹo lạc. Tuy nhiên bên ngoài sẽ được bao bọc bởi phần vỏ đường cát trắng tinh. Được gọi là kẹo dồi chỉnh bởi hình dáng của chiếc kẹo, trông rất giống với món dồi lợn.
Kẹo lạc và kẹo dồi là 2 món ăn vặt dân dã của người Việt.
Cả 2 món là kẹo lạc và kẹo dồi, đều là những món ăn dân dã, phổ biến ở các tỉnh Bắc Bộ. Khi ăn, người ăn sẽ thấy bị giòn, nhai rôm rốp trong việc, và hương vị sẽ hoàn chỉnh hơn khi uống thêm một ngụm trà mạn. Có như vậy, vị ngọt của kẹo sẽ không bị quá gắt, bởi đã được dung hòa bởi vị của nước trà.
Tags