(Thethaovanhoa.vn) - Triển khai vào cuối tháng 5 này, đợt khai quật khảo cổ đền Nguyên phi Ỷ Lan (Gia Lâm, Hà Nội) là khởi điểm cho một kế hoạch đặc biệt: tìm lại và phục dựng kiến trúc nguyên bản của quần thể di tích này.
1. Hiện tại, hai kiến trúc chính của quần thể bao gồm ngôi chùa Linh Nhân Tư Phúc và đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan. Thường được gọi chung bằng cái tên "đền Bà Tấm", cụm di tích này giữ vai trò khá quan trọng trong lịch sử, văn hóa Hà Nội và thu hút một lượng lớn khách hành hương từ các tỉnh phía Bắc trong những ngày chính hội 19/2 và 25/7 âm lịch.
Theo các sử liệu, chùa Linh Nhân Tư Phúc được Nguyên phi Ỷ Lan cho xây vào năm 1115. Ngôi đền thờ nhân vật lịch sử được nhân dân lập nên 2 năm sau đó. Và, từ năm 2014, lãnh đạo huyện Gia Lâm đã lên phương án trùng tu, tôn tạo cụm di tích đặc biệt này.
Tuy nhiên, với khảo sát của các chuyên gia khảo cổ học, ngoài những hiện vật còn giữ được, ngôi chùa tại đây gần như được xây lại trong thập niên 1980, còn đền thờ Ỷ Lan được xây vào khoảng 20 năm trước đó.
2. Theo ông Nguyễn Văn Chất, Trưởng Phòng Sưu tầm tư liệu của Bảo tàng Lịch sử VN (đơn vị được Bộ VH,TT&DL giao nhiệm vụ khai quật khảo cổ trong thời gian từ 20/5 – 20/11/2015), cụm đền bà Tấm đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo trong suốt 10 thế kỷ kể từ khi ra đời.
Đặc biệt, tới năm 1962, di tích này gần như bị hạ giải toàn bộ và sử dụng làm trường học, cũng như nơi sinh hoạt chung của địa phương. Tuy nhiên, vì tính linh thiêng của ngôi chùa, nhân dân bản địa vẫn tự dựng lên đền thờ Bà Tấm bên cạnh công trình mới, rồi tiếp tục tự góp tiền xây chùa vào thập niên 1980.
"Đợt khảo cổ này có vai trò quyết định trong việc nhận diện những biến đổi kiến trúc tại đền bà Tấm suốt 10 thế kỷ qua" – ông Chất nói - "Nếu không đủ những dữ liệu khoa học, tôi e rằng việc trùng tu sắp tới sẽ gặp khó khăn..." Trước đó, vì muốn bảo tồn các lớp di tích dưới lòng đất, đã có một số luồng ý kiến đề nghị không khai quật khu vực nền trung tâm của đền Bà Tấm, đồng thời "dịch" vị trí ngôi chùa khi trùng tu sang cạnh nền đất cũ.
Trong hai đợt khai quật với diện tích nhỏ vào các năm 2005 và 2013 tại đây, các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử VN đã tìm thấy các lớp di tích khá thuộc 3 thời kì Đông Sơn, Lý và Lê Trung Hưng. Đặc biệt, dấu vết một tháp hoa sen bằng gạch nung – kiến trúc Phật giáo tiêu biểu thời Lý – cũng xuất lộ.
Theo ông Chất, trong trường hợp thu thập đủ tư liệu, việc tôn tạo cụm di tích này sẽ được đề xuất thực hiện theo hướng phục dựng lại kiến trúc khởi điểm ở thời Lý, khi Nguyên phi Ỷ Lan cho xây chùa.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Tags