(Thethaovanhoa.vn) - Hội Gióng đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010. Có nhiều giá trị văn hóa, ý nghĩa phức hợp ở hội trận độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội cổ truyền ở Việt Nam này, trong đó đáng chú ý là kịch trường dân gian hoàn hảo được truyền lại từ nhiều đời.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Vào mùa Xuân, trước một mùa vụ mới hàng năm, Hội Gióng được mở ở Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm và ở Đền Sóc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Hội mở ở Đền Phù Đổng (nơi sinh của Thánh Gióng) từ ngày 7 đến 9/4 (Âm lịch) và từ ngày 6 đến 8 tháng Giêng tại đền Sóc, huyện Sóc Sơn (nơi hóa của Ngài).
- Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 3): Rối nước làng Ra - Làng rối 'chân truyền' của một thiền sư
- Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 2): 'Thình thùng thình' hát trống quân Hà Nội
- Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 1): Tiếng lóng Đa Chất - vì sao có tiếng lóng, vì sao là di sản?
Hội Đền Phù Đổng phản ánh chiến trận của người anh hùng huyền thoại
Thánh Gióng là một nhân vật truyền thuyết, được sinh ra sau cuộc giao hòa kỳ bí giữa một thôn nữ làng Gióng và ông Đổng, một vị thần trong huyền thoại của người Việt. Năm lên 3 tuổi, chưa biết nói, biết đi. Nhưng Ngài bỗng bật nói và vụt lớn nhanh như thổi khi nghe lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài giỏi ra cứu dân, cứu nước. Đánh thắng giặc, Ngài về núi Sóc, bay lên trời. Người anh hùng này được người dân thiêng hóa thành một trong những vị thánh bất tử có uy thần lớn nhất trong các vị thần của người Việt, và được thờ phụng hàng ngàn năm nay như một vị thần bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho mọi nhà.
Hội Gióng là sự phản ánh trận chiến của vị anh hùng huyền thoại Thánh Gióng, thể hiện ước mơ, khát vọng của nhân dân trong việc chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Đồng thời, cũng thể hiện khát vọng hòa bình, mong ước cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Ở Phù Đổng xưa có 5 làng (nay là 8 thôn) liên quan trực tiếp đến tổ chức và sinh hoạt hội đền Phù Đổng mà các cụ cao niên ở đây vẫn quen gọi là "5 dân". Những người dân ở đây coi việc tổ chức Hội Gióng là nghĩa vụ của mình đối với vị thánh mà họ thờ.
"Nghĩa vụ của người đã là một công dân trong vùng hội là phải phục vụ Thánh. Hội chỉ có 5 dân phục vụ thôi: Phù Đổng (nay chia thành 3 thôn), Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên và Hội Xá. 5 dân hội đồng có nghĩa vụ là phải tham gia đóng góp để hội diễn ra sao cho hoàn tất" - ông Nguyễn Trọng Hinh, 77 tuổi, Hội Xá cho biết.
Kịch bản Hội Gióng ở Phù Đổng truyền lại từ nhiều đời được coi là một kịch bản hoàn hảo. Với đầy tính sáng tạo ẩn chứa nhiều biểu tượng khác nhau, có nhiều cao trào, kịch tính rất thú vị, thu hút hàng ngàn người tham gia trong nhiều vai diễn hết sức phong phú và gia nhân - hệ thống tướng lĩnh của ông Gióng, "phù giá" - đội quân chính quy, các "cô tướng" - tượng trưng các đạo quân xâm lược nhà Ân, phường "hát và múa Ải Lao", trong đó có "ông hổ" - đội quân tổng hợp, "làng áo đỏ" - đội quân trinh sát nhỏ tuổi, "làng áo đen" - đội dân binh.
Cả Hội Gióng là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản truyền khẩu đã được các cụ ghi chép lại vào năm 1998. Cũng như các đạo cụ, y phục, mỗi một chương mục, mỗi một vai diễn đều chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc. Nay dân làng thường giải thích "Rước khám đường" là trinh sát giặc; "Rước nước" là đế tôi luyện khí giới trước khi xuất quân; "Rước Đống Đàm" là đi đàm phán kêu gọi hòa bình; "Rước trận Soi Bia" là mô phỏng cách điệu trận đánh ác liệt.
Mỗi người dân tham gia diễn Hội đều cố gắng hoàn thành vai diễn của mình với một niềm tin sâu sắc là Đức Thánh sẽ chứng kiến sự thành tâm của họ và sẽ độ trì cho bản thân, gia đình và dân làng một năm may mắn và yên bình.
"13 nghìn dân của xã Phù Đổng đều có một tâm linh rất kính trọng đối với Thánh Gióng cho nên mọi người được tham gia hội, được phụng sự nhà Thánh là một vinh dự lớn. Có năm chúng tôi phân 1 vai làm ông hiệu nhưng có tới 2-3 người xung phong, cho dù chi phí đóng vai ông hiệu các gia đình phải tự bỏ ra 7, 8 chục triệu đồng. Thế nên chúng tôi phải ưu tiên những gia đình nào có truyền thống, có điều kiện hơn thì tham gia trước còn những người khác chúng tôi cũng vận động là để dành sang năm sau" - ông Đinh Minh Tỉnh, 68 tuổi, Phó Ban Quản lý di tích đền Phù Đổng cho biết.
"Cái tâm của gia đình là muốn cho con phục vụ nhà Thánh, đầu tiên là hiệu trống, khóa thứ 2 là hiệu chiêng, khóa tiếp theo là hiệu trung quân. Mong muốn đầu tiên là cho con đi phục vụ nhà Thánh là cái tâm mong sức khỏe, con cái học hành tốt" - tâm sự của ông Đặng Trần Trượng, 50 tuổi, xã Phù Đổng.
Theo những quy định từ xưa, việc tập luyện cho các ông hiệu cờ, ông hiệu trống, ông hiệu chiêng, ông hiệu trung quân, ông hiệu tiểu cổ có vai trò quan trọng hàng đầu trước khi mở hội. Các ông hiệu (trừ ông hiệu tiểu cổ dưới 16 tuổi), là những chàng trai tuổi không quá 26, do gia đình tự nguyện làm đơn xin đăng ký.
Theo tập tục, những người được chọn đóng vai ông hiệu phải có đủ tiêu chuẩn như gia đình họ năm đó không có tang, tư cách đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật. Được vào vai ông hiệu là niềm vinh dự cho cả gia đình, dòng họ vì sau ngày hội họ vẫn được toàn cộng đồng suy tôn là ông hiệu.
Các ông hiệu được những người có kinh nghiệm truyền dạy, tập luyện trong suốt một tháng trước khi làng mở hội. Họ phải ra sức luyện tập, đúng những động tác và hành động theo vai diễn của mình. Trong thời gian luyện tập, họ phải sống biệt lập trong một căn buồng riêng, ăn riêng, mọi tiếp xúc với bên ngoài qua người phục vụ và bằng hiệu lệnh.
"Tất cả các công việc phục vụ nhờ Thánh, các ông hiệu phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Kiêng trong thời gian tập luyện, thứ nhất ăn uống, thứ hai trong quá trình tập luyện thầy và ông hiệu tập theo đúng nghi lễ, nghi thức của các cụ từ xưa truyền lại cho" - ông Nguyễn Văn Huy, thầy dạy ông hiệu chiêng, xã Phù Đổng, cho biết.
Bên cạnh các ông hiệu, các em gái từ 9 đến 13 tuổi xinh đẹp, nhanh nhẹn khỏe mạnh được chọn làm các tướng giặc gọi là "cô tướng". Các em gái này cũng phải cố gắng rèn luyện cách ngồi kiệu, các cách ứng xử để có thế trình diễn đúng vai tướng của mình. Hội còn thu hút đông đảo người dân trong làng vào các vai: Phù giá, phục vụ các ông hiệu, cô tướng, khiêng kiệu, trống, chiêng.
Ngoài lễ rước nước, lễ tế Thánh tại Đền Phù Đổng, diễn biến của hội là đám rước và các hành động tái hiện chiến công đánh giặc ngoại xâm của Thánh Gióng. Chiến trường được bố trí cách đền 3km tại Đống Đàm và Soi Bia. Mỗi nơi có 3 chiếc chiếu trải trên đất, ở giữa chiếu có một chiếc bát úp lên tờ giấy trắng.
Có người giải thích rằng chiếu tượng trưng cho đồng bằng, bát là đồi núi, giấy là mây. Cả hai nơi, ông hiệu cờ, cầm cờ lệnh múa trên 3 chiếc chiếu và dùng chân đá hất chiếc bát, tờ giấy ra ngoài trước sự chứng kiến, hò reo đồng cảm, phấn khởi của dân làng tham dự. Trận đánh kết thúc, vũ khí được cất vào đền. Người dân địa phương tin rằng, sau những ngày hội, nhất định trời sẽ mưa như ân đức của Thánh ban cho họ mùa màng bội thu.
Trong hội còn có sự tham gia của phường hát và múa Ải Lao như TT&VH đã đề cập đến trong bài “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”. Cứ đến hội, phường Ải Lao từ làng Hội Xá lại đến tham dự, múa, hát những bài hát cố theo tiếng trống, nhịp sênh ca ngợi chiến công của Thánh Gióng. "Đoàn Ải Lao của phường Hội Xá có một trách nhiệm riêng là đội quân tổng hợp, đội quân trinh sát của Thánh Gióng. Trách nhiệm của chúng tôi hàng năm cử 25-30 nam giới đến tham gia hát múa trong hội" - ông Nguyễn Trọng Hinh, 77 tuổi, cho biết.
Những nghi lễ khác biệt của Hội Gióng ở Đền Sóc
Nếu như Hội Phù Đổng đặc sắc ở lễ rước, lễ đánh trận, thì hội Đền Sóc diễn ra với kịch bản hoàn toàn khác, nổi bật là nghi lễ Mộc Dục và rước dâng lễ vật lên Đền Thượng của 8 thôn.
Theo truyền thuyết, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng bay về trời, nên hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng (Âm lịch), dân làng nơi đây lại mở hội tại khu di tích Đền Sóc.
Hội Đền Sóc là một lễ hội lớn hàng năm với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng, được Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích Đền Sóc và người dân chuẩn bị chu đáo từ rất sớm.
Theo bia đá 8 mặt ở đền Sóc thì lễ vật dâng Thánh Gióng xưa do 72 thôn/làng dâng lên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới phục hồi được lễ phẩm của 8 thôn/làng, trong phạm vi hành chính của 6 xã thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Cụ thể: thôn Vệ Linh và thôn Phù Mã (xã Phù Linh), thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), thôn Xuân Dục và thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú). Các nơi khác chưa khôi phục được bởi lý do địa giới hành chính thay đổi quá khác trước nên khó xác định hoặc khác huyện, khác tỉnh. Cũng có những địa danh được nêu tên cụ thể và ghi rõ dâng lễ vật gì nhưng vì không có kinh phí để rước nên cũng chưa khôi phục được, như: "thôn Xuân Bảng dâng cây, Tiên Dược cùng với Hương Đỉnh, Xuân Bách, Đông Lai, Xuân Dục, Đông Xoài, Xuân Tàng, Yên Tàng, Phú Tàng dâng hoa trúc (tục gọi là dâng đỏ). Tổng Cổ Bái, tổng Kim Anh, tổng Thượng Giã, tổng Linh Bắc dâng lễ ở đền vọng Thanh Nhàn, Kim Anh dâng chướng, Cổ Bái dâng quân, hai xã Thanh Nhàn, Chi Đông dâng hoa trúc."
Hội Đền Sóc diễn ra từ ngày mùng 6 - 8 tháng Giêng hàng năm. "Sáng ngày mùng 6, diễn ra lễ rước của các thôn lên Đền Sóc. Đi đầu là thôn Vệ Linh, xã Phù Linh rước giò hoa tre. Thứ 2 là thôn Phù Mã, xã Phù Linh rước ngựa. Thứ 3 thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược rước voi. Thứ 4 là thôn Đan Tảo, xã Tân Minh rước trầu cau. Thứ 5 là thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa rước ngà voi. Thứ 6 là thôn Yên Sào, xã Xuân Giang rước cỏ voi (thân cây chuối). Thứ 7 là thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú rước tướng. Thứ 8 là thôn Xuân Dục, xã Tân Minh rước quả cầu húc. Ngày mùng 7 và ngày mùng 8, khách thập phương lên lễ tại đền, mọi người chơi các trò chơi tại sân Đền Hạ.
Việc dâng lễ vật được các các cụ cao niên giải thích rằng: Khi đuổi giặc đến chân núi Sóc, roi sắt gãy, Thánh Gióng đã nhổ những khóm tre ngà làm vũ khí đánh giặc, đầu tre rách tướp giống như bông hoa tre dâng Ngài bây giờ. Thôn Phù Mã là nơi dân làng được chăm sóc ngựa cho Ngài trước khi Ngài bay về trời. Sau khi chém tên tướng giặc cuối cùng ở Yên Tàng, Thánh Gióng đã cho tất cả binh sĩ trở về quê hương làm ăn, sinh sống, đồng thời ra lệnh thả hết voi và ngựa chiến về rừng. Nhưng vì thiếu hiểu biết, nên dân thôn Dược Thượng ngày ấy đã bắt giữ một con voi chiến. Biết là sai lầm, từ đó đến nay, người dân trong thôn đan một con voi bằng tre đằng ngà, rước lên Đền Sóc trong ngày khai hội để trả lễ Ngài.
Những điển tích tương tự được truyền tụng ở các thôn làng. Mỗi thôn làng có niềm tin và cách giải thích riêng về lễ vật của làng mình. Tại lễ hội, trước khi dâng lễ, các cụ đọc sớ cáo bạch lễ vật của làng mình và cầu xin Thánh ban cho dân sức khỏe, mùa màng tốt tươi.
Thánh Gióng và sự thờ phụng Thánh Gióng là một hiện tượng văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người Việt. Thánh Gióng biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết cộng đồng trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ lãnh thổ và quyền làm chủ bất khả xâm phạm của mình. Biểu tượng Thánh Gióng được dân gian tôn kính như một lẽ sống của con người, mà câu ca "Không đi Hội Gióng cũng hư mất người" đã nói lên đạo lý làm người ấy.
Khát vọng nhân bản Hội Gióng chứa đựng những khát vọng nhân bản ngàn đời của con người, của nhân loại, đó là khát vọng đất nước thái bình. Là một hội trận, nhưng hòa bình, nhân ái và khoan dung vẫn là tư tưởng chính mà người Việt muốn truyền lại cho muôn đời. Xong hội trận, vũ khí được xếp vào đền, "đội quân của Thánh Gióng" lẫn "tướng giặc", đều cùng thụ lộc của Thánh Gióng tại Đền Phù Đổng một cách vui vẻ. |
Đón đọc kỳ 6 (3/2): Ú chóe, Ù chóe, Ù chóe... Hội đình Chèm
(Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa)
Tags