Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 7): Độc đáo sơn mài Hạ Thái

Thứ Hai, 10/02/2020 19:16 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sơn mài Việt Nam ra mắt ở nước ngoài đầu tiên là tại hội chợ đấu xảo quốc tế ở Paris, Pháp vào năm 1937. Ông phó sơn Đinh Văn Thành đã có mặt tại hội chợ nổi tiếng này và trổ tài thao diễn nghề sơn trước công chúng đến thăm hội chợ. Sau này, ông đã đưa nghề sơn mài về làng. Tranh sơn mài truyền thống tại Hạ Thái ra đời vào thời điểm đó và tồn tại phát triển cho đến ngày nay.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 6): Ù chóe, ù chóe, ù chóe... Hội đình Chèm

Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 6): Ù chóe, ù chóe, ù chóe... Hội đình Chèm

Hội đình Chèm như một tổng hòa của nhiều tập quán xã hội được tổ chức gắn liền với truyền thuyết lưu truyền trong dân gian và trong sử sách về người anh hùng Lý Ông Trọng có gốc gác sinh ra tại chính địa phương. Trong Hội đình Chèm, có thể thấy sự tích hợp của nhiều tín ngưỡng và có cả những câu hèm thú vị dù "tối nghĩa", cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

“Sơn mài Hạ Thái” là một thuật ngữ quen thuộc với những người ưa thích sản phẩm sơn mài.

Đây là làng nghề cổ truyền thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín cách trung tâm Hà Nội 17 km về phía Nam. Trước đó, người dân Hạ Thái rất nổi tiếng với nghề sơn son thếp vàng. Thời phong kiến, phường sơn Hạ Thái thường được triều đình trọng dụng bởi có nhiều thợ tài hoa, khéo léo. Từ những nguyên liệu dân gian như đất sét, phù sa, cho tới những nguyên liệu quý như vàng, bạc, những nghệ nhân làng Hạ Thái đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh của người Việt.

Nói về sự ra đời của nghề sơn mài ở Hạ Thái, nghệ nhân Vũ Huy Mến (1947) kể: Năm 1927, cụ Đinh Văn Thành tức phó Thành hay còn gọi là Thiềng, người làng Hạ Thái được mời vào làm việc tại xưởng nghiên cứu “sơn ta” của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khi đó, lớp sinh viên mỹ thuật thường sử dụng sơn ta có pha dầu trẩu để vẽ bài trang trí, gọi là sơn quang dầu. Mặt sơn có dầu thường bóng loáng, gọn nét vẽ, không phẳng nhẵn, mịn màng. Cụ Đinh Văn Thành đã dùng sơn pha với nhựa thông để vẽ phủ sau đó đem mài, hình vẽ hiện rõ ra, mặt tranh nhẵn phẳng.

Sự tìm tòi ra cách làm này mở đầu cho kỹ thuật mài sơn, khiến họa sĩ Joseph Inguimberty (1896 - 1971), người phụ trách ngành trang trí của trường, khi xem quá mừng rỡ, cho rằng đó là một khám phá quan trọng đối với nghề sơn.

Các sinh viên mỹ thuật Đông Dương sau đó bổ sung thêm cho kỹ thuật, như gắn vỏ trứng, đắp sơn nổi, hoặc chế ra cát bạc, cát vàng rắc chìm trong làn sơn còn ướt, cốt tạo ra thêm hòa sắc và các sắc độ khác nhau, tạo ra tác phẩm tranh sơn mài.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân đang mài tranh, đến khi nào đạt được màu sắc ưng ý, sẽ dùng đá mài trơn để tăng độ nhẵn và bóng. Ảnh: Nguyễn Á

Công phu lấy nhựa sơn, tạo màu sơn

“Nghề làm sơn mài cũng lắm công phu, nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, trau chuốt, nâng niu, nếu không, sản phẩm hoàn chỉnh sẽ chẳn thấy được cái hồn đâu cả. Ngay nguyên liệu cho nó cũng đã rất phức tạp”- ông Nguyễn Đình Diên (1952), nghệ nhân sơn mài Hạ Thái cho biết.

Nguyên liệu chính trong sơn mài là nhựa cây sơn được trồng nhiều trên đất đồi tỉnh Phú Thọ xưa, gọi là sơn ta. Để lấy được nhựa cây sơn, người ta phải lấy từ khoảng 2h sáng đến trước khi mặt trời mọc. Khi ánh sáng mặt trời lên, cây không tiết nhựa nữa. Nhựa sơn được đựng vào thùng gỗ. Nếu đựng sơn vào thùng kim loại, đặc biệt là thùng sắt thì sơn sẽ bị chuyển màu, không dùng được.

Sơn để khoảng 2 đến 3 tháng sẽ lắng xuống, và phân thành nhiều lớp. Lớp trên cùng có màu vàng nhẹ là loại sơn tốt nhất, thợ sơn thường gọi là sơn 90 độ. Lớp thứ 2 là sơn từ 60-70 độ có màu xám nhẹ. Lớp cuối cùng lẫn nhiều tạp chất là loại sơn kém chất lượng nhất.

Chú thích ảnh
Mặt hàng sơn mài Hạ Thái của huyện Thường Tín (Hà Nội) được xuất khẩu sang thị trường Anh. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Bản thân nhựa cây sơn có màu “tự thân” của nó. “Tự thân nó có thể tạo ra màu. Màu tự thân của nó tạo nên độ sâu thẳm trong sơn mài”.Tuy nhiên, để làm một bức tranh hay một sản phẩm sơn mài cần có những màu sắc khác nhau, vì vậy người thợ phải tự tạo thêm màu cho sơn. Trước kia, sơn chỉ tạo được thêm 2 màu là màu đen (sơn then) và màu nâu cánh gián.

Tạo được màu sơn cũng có lắm công phu. Trước khi tạo màu, người thợ cần thử sơn xem sơn đã đạt độ chuẩn chưa. Thường thì nhựa sơn mà để dưới 3 tháng sẽ không đạt độ chuẩn. Cũng chỉ loại sơn 60-70 độ (lớp sơn thứ 2 có màu xám nhẹ) mới dùng để tạo màu được. Những người thợ thử sơn bằng cách quét sơn lên thanh gỗ, thanh tre để xem độ bóng và độ khô đã đạt yêu cầu chưa. Sơn như thế nào là chuẩn, như thế nào độ bóng, độ khô vừa ý tùy theo kinh nghiệm của mỗi người thợ. Sơn đạt chuẩn rồi mới bắt đầu tạo màu.

Để tạo ra sơn then, người ta cho nhựa cây sơn vào chảo gang hoặc chậu sành rồi dùng một thanh sắt để đánh (quấy sơn). Khi đánh, thanh sắt ma sát với chậu sành, quyện vào nhựa cây sơn, khiến sơn dần dần chuyển sang màu đen. Nhựa sơn càng đánh càng đen nên khi đạt đến màu đen vừa ý thì người ta đổ sơn sang thúng sơn để đánh tiếp cho sơn thật nhuyễn.

Lúc này lại phải đánh sơn bằng thanh gỗ để sơn không chuyển màu. Khi lấy sơn quét lên thanh thử mà thấy sơn tỏa đều không thấy từng sợi mà lẫn vào với nhau là được. Lúc đó, người ta cho từ 20 - 25% nhựa thông đã chín (nhựa thông nấu với dầu hỏa) để tạo thêm độ bóng.

Để ngả sơn cánh gián, người thợ cũng đánh sơn tương tự như ngả sơn then nhưng khi làm sơn cánh gián, người thợ không được dùng các đồ kim loại như thanh sắt, chảo gang mà chỉ được dùng chậu sành, chậu gỗ, thùng, que gỗ.

Chú thích ảnh
Khách tham quan các gian hàng sơn mài Hạ Thái. Ảnh: Đỗ Phương Anh - TTXVN

“Vẽ sơn mài phụ thuộc vào thời tiết…”

Ngoài sơn, để được một sản phẩm sơn mài phải qua đến 8 bước với nhiều loại nguyên liệu khác nữa như: Tạo cốt (cốt có thể bằng gỗ, bằng tre nứa - cốt nan, bằng giấy bồi, vải bồi hay bằng gốm); Gắn (thảo sơn) - đây là bước chống thấm, chống nứt vỡ; Đánh vải (bọc vải)…; và bước thứ 8 là “Vẽ, hoàn thiện sản phẩm”.

Sơn mài có ba lối vẽ:

Vẽ chìm (vẽ phủ mài ra):Các vệt màu, nét vẽ chồng lên nhau. Sau khi vẽ cong người thợ mài sản phẩm thì hình sẽ dần dần hiện rõ màu sắc, đường nét. Đây là nét vẽ truyền thống của sơn mài.

Vẽ mảng (vẽ toát): Đây là lối vẽ mới được sáng tạo. Vẽ mỏng ít lớp sơn, thời gian để sơn khô nhanh. Vẽ mỏng màu sắc sáng hơn nhưng độ sâu kém hơn.

Vẽ đồ nét:Lối vẽ này thường được sử dụng cho đồ thờ như câu đối, hoành phi, đường triện. Vẽ đồ nét là lối vẽ dùng bút vẽ nét nhỏ vẽ theo những nét hoa văn sau đó phủ hoàn kim (thường là vàng hoặc bạc). Nếu thếp vàng thì người ra để màu sắc nguyên bản của nó, còn nếu thếp bạc thì phủ thêm một lớp son nâu lên trên để tạo nên màu ánh vàng.

Nguyên tắc vẽ trong sơn mài là vẽ ngược tức những nét gần vẽ trước, xa vẽ sau. Để vẽ một bức tranh, đầu tiên, người thợ vẽ phác thảo bức tranh lên giấy hoặc vẽ trực tiếp lên sản phẩm bằng bút chì hoặc phấn. Sau khi phác thảo xong, họ vẽ những nét vẽ chính tạo nên bức tranh; sau đó, sẽ vẽ những màu vẽ chồng lên nhau. Ví dụ, để vẽ lá sen, người thợ phải vẽ các đường nét của lá, gân lá trước. Để tạo lá sen có màu xanh sẫm thì người thợ phải vẽ lớp sơn đầu tiên là màu xanh sau đó là những lớp sơn khác tùy theo ý muốn. Sau khi vẽ xong, người thợ dùng đá mài để mài tranh. Các lớp sơn ngoài sẽ bị mài mỏng dần. Khi đến được màu sắc ưng ý thì dừng lại và dùng đá mài trơn mài lại để tăng độ nhẵn và bóng.

Chị Vũ Thị Thu Hà (1970) một thợ vẽ sơn mài lâu năm cho biết: “Vẽ sơn mài phụ thuộc vào thời tiết. Cùng một màu nhưng vẽ vào buổi sáng cho màu khác buổi chiều”. Buổi sáng, thời tiết mát, sơn nhanh khô nên màu sáng đẹp hơn. Buổi chiều độ ẩm thấp, sơn lâu khô, màu sẫm hơn. Do kỹ thuật phối màu, mài và ảnh hưởng của thời tiết nên các sản phẩm sơn mài đều là độc bản.

Người thợ và những thay đổi trong nghề sơn mài

Ông Vũ Huy Mến là người làng Giảng Võ (quận Đống Đa). Ông có 8 năm học về sơn mài tại trường Mỹ nghệ Hà Tây. Ông quen và lập gia đình với bà Đỗ Thị Sáu, một người con gái gốc làng Hạ Thái tại trường. Trường Mỹ nghệ Hà Tây khi đó vừa là nơi dạy nghề vừa là xưởng sản xuất nên hai ông bà vừa được học nghề vừa tham gia sản xuất các mặt hàng sơn mài. Năm 1975, hai ông bà chuyển về Hợp tác xã Bình Minh chuyên sản xuất hàng sơn mài ở làng Hạ Thái.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Vũ Huy Mến (giữa) hướng dẫn thợ làm công đoạn bó trong sơn mài. Ảnh: Nguyễn Á

Đầu những năm 1990, thị trường sơn mài khó khăn, không bán được sản phẩm. Hai vợ chồng ông Vũ Huy Mến, bà Đỗ Thị Sáu đã tìm đủ mọi cách để sơn mài tồn tại. Đầu tiên là sử dụng thêm loại sơn khác thay cho nguyên liệu sơn ta. Ông Mến cho biết: “Tuy sơn ta có đặc tính rất tuyệt với không có chất liệu nào có thể thay thế được nhưng sơn ta có thời gian khô lâu, từ 1 đến 2 ngày mới được một nước sơn nên không đảm bảo được tiến độ. Nếu sơn bằng sơn Nhật, sơn điều thì một ngày có thể làm được 3 đến 4 nước sơn. Nhưng sơn Nhật rất đắt nên tôi đã quyết định dùng thử sơn điều”.

Sơn điều được sử dụng trong sản xuất đồ gỗ. Người ta dùng sơn điều quét ở bề ngoài để tăng độ bóng và nhẵn (gần giống vecni). Do chưa có người làm trước nên chưa có kinh nghiệm, người thợ phải tự mày mò. Khi bắt đầu làm, do sơn điều có đặc tính cứng nên khó thích ứng trong sơn mài. Sơn điều khi sơn lên hay có bọt và để lại những nguyên liệu dư thừa, tức sau khi sản phẩm hoàn thành thường có những vết nổ. Ông Mến đã cùng người nấu sơn đã điều chỉnh những tính chất của sơn điều để phù hợp hơn với sơn mài.

“Phải là người có kiến thức rất tốt về sơn mài mới có thể nhận biết được đâu là sơn ta, đâu là sơn mới. Người tiêu dùng chủ yếu chỉ chú ý đến tính thẩm mỹ của nó chứ ít quan tâm đến nguyên liệu của nó mà người làm nghề thì muốn tiết kiệm chi phí và có thể làm với tiến độ nhanh. Tranh làm bằng sơn ta càng để lâu càng sáng, càng đẹp. Sơn ta có màu cổ, sang trọng, trầm ấm nhưng hiện nay, thị hiếu của người tiêu dùng thích màu trong sáng nhưng “sơn mài theo lối cổ truyền không đáp ứng được” - bà Đỗ Thị Sáu, vợ ông Mến chia sẻ.

Gia đình ông Mến cũng là một trong những gia đình đầu tiên ở Hạ Thái sử dụng máy móc trong quá trình tạo ra sản phẩm để tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động như súng phun sơn (sử dụng ở khâu tạo cốt), máy mài, máy đánh bóng. Ông Mến có ba cô con gái, một con trai và con dâu đều theo nghề của ông. Đây là nghề chính của cả gia đình. Năm 2015, ông được tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, con gái lớn Vũ Thị Thu Hà là một thợ vẽ giỏi, đã từng nhận giải thưởng Sáng tạo trẻ vào năm 2010.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái giờ cũng thay đổi nhiều. Nhiều cơ sở sản xuất lớn phát triển. Nhiều công đoạn cũng đã được chuyên môn hóa như có những gia đình làm cốt mộc riêng rồi bán lại cho xưởng sơn mài để thực hiện các giai đoạn mài, tạo sản phẩm, các sản phẩm sơn mài cũng phong phú và đa dạng vô cùng.

Bên cạnh những sản phẩm sơn mài truyền thống như tranh sơn mài, hoành phi hay câu đối, các nghệ nhân Hạ Thái còn tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước như: Bát, đĩa, lọ hoa, khay, bàn ghế, giường tủ. Đặc biệt, gốm sơn mài Hạ Thái hiện đang là mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Với sự cần cù, chịu khó, sáng tạo, những người con của Hạ Thái, Duyên Thái đã đem lại cho nghề truyền thống những bước phát triển mới. Hiện tại, họ đã có thể sống được với nghề và tự hào với những sản phẩm vừa tinh tế, sắc sảo, lại đằm thắm trong từng nét vẽ, sắc sơn đậm hương sắc vùng quê Việt.

Để lấy được nhựa cây sơn, người ta phải lấy từ khoảng 2h sáng đến trước khi mặt trời mọc. Khi ánh sáng mặt trời lên, cây không tiết nhựa nữa.

(Còn nữa)

Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›