Khám phá nhà máy của Ferrari

Thứ Ba, 16/11/2010 16:32 GMT+7

Google News
Nếu bạn băn khoăn không biết những siêu xe Ferrari được sản xuất ở đâu và như thế nào, hãy một lần tới thăm nhà máy của thương hiệu này, để được chiêm ngưỡng một quy trình sản xuất hiện đại và hoàn thiện bậc nhất châu Âu.

Không gian đầy nhiệt huyết

Nhà máy của hãng siêu xe Ferrari nằm ở thị trấn nhỏ Maranello phía Bắc Italy, với diện tích 252.000 m2 phân thành những khu vực kỹ thuật khác nhau. Đây là nơi ra đời của những mẫu xe huyền thoại như 360 Modena. Bước vào nhà máy, bạn sẽ có cảm tưởng như đang lạc vào nơi sản xuất kẹo, rực rỡ và đầy màu sắc. Bên cạnh những dây chuyền sản xuất các dòng xe, các công nhân trẻ tuổi trong trang phục màu đỏ, màu biểu trưng của Ferrari, luôn thường trực nụ cười trên môi và những tiếng huýt sáo tràn hứng khởi.


Hầu hết các công nhân trong nhà máy hiện nay đều ở độ tuổi từ 20 đến 30, do những công nhân làm việc từ những năm 60 vừa nghỉ hưu đồng loạt. Không giống như các nhà máy sản xuất ô tô thông thường, tại nhà máy của Ferrari, dường như việc sản xuất những chiếc xe mang thương hiệu nổi tiếng này là chưa đủ, khắp nhà máy tràn đầy nhiệt huyết và sinh lực. Các công nhân trang hoàng nơi làm việc của mình với lô-gô Ferrari, ảnh của tay đua công thức 1 nổi tiếng Schumacher và các sự kiện đáng nhớ của ngành công nghiệp ô tô. Họ được tự do lựa chọn trang phục khi đi làm, tuy nhiên, tất cả đều phải là màu đỏ.

Dây chuyền sản xuất hiện đại

Dây chuyền sản xuất mỗi chiếc Ferrari gồm hơn 30 công đoạn, mỗi công đoạn hoàn tất trong vòng nửa giờ. Dây chuyền này sẽ biến chiếc vỏ thân xe (được sản xuất và sơn tại xưởng khác với máy móc và rô-bốt hiện đại) thành một khung xe hoàn chỉnh. Các công đoạn lắp đặt được thực hiện hoàn toàn thủ công. Tiếp đó, động cơ và hộp số đã qua kiểm tra kỹ lưỡng từ xưởng kế bên sẽ được lắp ráp vào khung. Sau đó là công đoạn lắp đặt mui xe và cuối cùng là lắp ráp ghế, chắn bùn theo yêu cầu riêng của từng khách hàng.

Ví dụ, những dòng xe V12 như 612 Scaglietti và 599 GTB Fiorano được sản xuất và lắp ráp trong dây chuyền kế tiếp dây chuyền sản xuất dòng V8. Tuy nhiên, đối với dòng V12, mỗi công đoạn cần 58 phút để hoàn tất. Điều đặc biệt là nếu tính toán tất cả những sự lựa chọn màu sắc và chủng loại thì có đến khoảng 4 triệu cách để cho ra đời một chiếc Ferrari.


Tại xưởng bọc nội thất, các tấm da với 12 màu khác nhau được cắt bằng máy để giảm thiểu lãng phí, sau đó sẽ được may lại bằng tay. Toàn bộ nội thất của xe – từ vành vô-lăng tới táp-lô điều khiển và các miếng ốp cửa đều được vận chuyển trên một chiếc xe đẩy có gắn bảng mô tả đặc tính xe bao gồm: màu da bọc, kiểu bọc (căng hoặc chùng), kiểu may và màu chỉ, các chi tiết trang trí khác theo yêu cầu của khách hàng như sợi cac-bon hoặc hợp kim nhôm.

Quy trình sản xuất của Ferrari thực chất là sự kết hợp giữa tay nghề thủ công điêu luyện với công nghệ hàng đầu. Từ cửa trước, trông nhà máy vẫn không thay đổi so với thời điểm mới xây dựng sau chiến tranh thế giới thứ II. Vẫn còn đó các văn phòng với màu sắc y nguyên như ban đầu. Tuy nhiên, càng tiến sâu vào bên trong, càng có nhiều toà nhà mới xây dựng được trang bị máy móc thiết bị mới và công nghệ hiện đại. Ví dụ như phòng thử sức gió được kiến trúc sư nổi tiếng người Italia – Renzo Piano thiết kế; phòng nghiên cứu phát triển xe dân dụng, phòng hội thảo...

Xưởng sơn được trang bị kỹ thuật hoàn toàn tự động: các vỏ thân xe được chuyển qua buồng sơn nhúng chống ăn mòn 360º, sau đó đến sơn lót và cuối cùng là sơn xử lý trước khi sấy. Trong xưởng, không hề có bóng dáng công nhân nào vì các thân xe đầy màu sắc tự động di chuyển và các rô bốt xung quanh chúng tự động hoàn thành công việc của mình.

Tuy nhiên, xưởng động cơ nằm ở bên kia đường mới là khu vực đáng chú ý nhất. Trên khoảng diện tích rộng bằng vài sân bóng đá, có khoảng dưới 100 công nhân làm việc và sản xuất ra 50 động cơ mỗi ngày. Cả toà nhà chan hoà ánh nắng, vườn cây được bố trí tại hai bên xưởng và xung quanh khu phòng họp. Tại xưởng này, các rô-bốt thực hiện phần lớn công việc và hầu như không có sự can thiệp của con người, nhằm tăng sản lượng và nâng cao độ chính xác.


Có thể thấy rõ điều này khi quan sát các rô-bốt lắp ráp đế xu-páp vào động cơ. Đế xú-páp được chuyển tới một rô-bốt và rô-bốt này có nhiệm vụ nhúng đế xu-páp vào một thùng nước cực lạnh để làm kích cỡ đế co lại một chút (khoảng 8 micron). Trong khi đó, một rô-bốt khác nung nóng động cơ trên một tấm kim loại để làm giãn nở kích thước. Tại chặng tiếp theo, đế xu-páp đang co lại sẽ được lắp vào động cơ đang giãn ra. Sau đó, toàn bộ khối đế xu-páp và động cơ được nhúng vào nước lạnh để chúng trở lại kích thước ban đầu và ăn khớp hoàn toàn với nhau.

Chính sự kết hợp giữa công nghệ cao cùng quy trình, thiết bị hiện đại cũng như sự lôi cuốn của mỗi chiếc xe với không khí gia đình truyền thống trong nhà máy Ferrari đã khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm làm việc lý tưởng tại châu Âu. Hết giờ tan tầm, trong nhà máy vẫn rất huyên náo và đông đúc vì các công nhân dường như đều không vội về nhà. Đối với họ, mong muốn làm việc tại nhà máy Ferrari bắt nguồn từ niềm đam mê ôtô, bên cạnh đó là một môi trường làm việc lí tưởng.

Quy định và những con số về nhà máy Ferrari:

- Ferrari bảo vệ rất nghiêm ngặt nhà máy ở Maranello, Ý. Tất cả khách hàng của Ferrari đều được phép vào bên trong khuôn viên nhà máy, với điều kiện họ đã thực sự mua một chiếc xe. Khách hàng tiềm năng cũng không được vào nhà máy.

- Sản lượng của nhà máy vẫn khá thấp (6.000 xe/năm), dù doanh số của hãng đã tăng khoảng 50% trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Số lượng khách hàng mua xe Ferrari vẫn đang ngày một tăng dù giá xe không hề rẻ, thường trên 100.000 USD/chiếc.

-Có hai lựa chọn động cơ cho khách hàng mua xe Ferrari: V8 hoặc V12. Mỗi năm, nhà máy xuất xưởng khoảng 12.000 động cơ, trong đó, khoảng một nửa dành cho “người anh em” Maserati ở Modena.

- Hầu hết xe Ferrari trên thị trường vẫn là màu đỏ, nhưng ngày càng có nhiều khách hàng đặt mua xe màu khác, đặc biệt là những người mua chiếc Ferrari thứ hai hoặc thứ ba. Những khách hàng giàu có thường chọn động cơ V12.

- Do tình trạng khan hiếm nhân công ở phía Bắc nước Ý nên hầu hết công nhân ở Maranello là người đến từ miền Nam, nơi tỷ lệ thất nghiệp còn khá cao. Nhiều người trong số họ được tạo điều kiện sống trong khu cư xá của công ty.

- Công nhân nhà máy Ferrari rất tự hào về công việc của mình. Hồi tháng 7/2007, Ferrari được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất châu Âu.


Theo Autonet

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›