13 phim đa dạng thể loại, đến từ 13 nước: Hà Lan, Ba Lan, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Áo, Hungary, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Đức, Ireland, Luxembourg. Đây có thể nói là dịp hiếm hoi trong năm để giới làm nghề và khán giả Việt có cái nhìn tổng quan về phim châu Âu, vốn rất ít xuất hiện ngoài rạp chiếu, thưa thớt ngay với đĩa lậu, hoặc trên mạng. Nếu có trên mạng thì thường thiếu phụ đề tiếng Việt, bởi người đưa phim lên không nghĩ đến khán giả Việt Nam, hoặc ngại dịch, vì ít người xem.
Sự thưa thớt này cũng dễ hiểu vì khoảng 15-20 năm trở lại đây, khán giả tại Việt Nam và nhiều nước khác đã bị chi phối bởi dòng phim thiên về thị giác và giải trí (kiểu của Hollywood). Phim Hollywood có tiết tấu nhanh, mạnh, kịch bản đơn giản, rõ ràng, nên thường dễ xem; hơn nữa nó lại được công nghệ sản xuất, hệ thống rạp đa dạng và chiến dịch quảng bá rầm rộ hỗ trợ, tạo thành vòng khép kín, lớp khán giả mới bắt đầu đi xem rất dễ bị chi phối. Thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng, hiện nay thế giới chỉ có 3 nền điện ảnh: Hollywood, châu Âu và những nước còn lại.
Nếu chỉ xét riêng về việc bán vé, phim Hollywood áp đảo trên toàn thế giới, tại Việt Nam cũng vậy. Đơn cử như phim Fast & Furious 7 đã bán hơn 140 tỷ đồng (khoảng 7 triệu USD) tiền vé tại Việt Nam. Theo dự báo, năm 2015 Việt Nam sẽ lọt vào danh sách “thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD”, mà trong đó doanh thu từ phim của Hollywood là chủ yếu.
Những phim kiểu “bom tấn” của Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước còn lại cũng đi theo hướng của Hollywood để dễ bán vé, thành ra khán giả mất cơ hội nhìn thấy sự đa dạng của điện ảnh ở các rạp.
Trong khi đó phim châu Âu (như 13 phim lần này là một ví dụ) thường bắt đầu bằng kịch bản sâu sắc, câu chuyện có bề dày thân phận, tiết tấu nhịp nhàng, chậm rãi nên cũng cần người xem có tâm thế tương tự. Nếu dòng phim thị giác của Hollywood mà sau 5-10 phút không có biến cố mạnh, khán giả bắt đầu nản, thì phim châu Âu nhiều khi xem 20-30 phút chẳng có biến cố gì, sự hấp dẫn ít đến từ việc “đánh lừa” thị giác. Ngày cả phim Ida (ĐD: Paweł Pawlikowski, Ba Lan) từng được 67 giải thưởng và hơn 60 đề cử từ các LHP lớn nhỏ trên thế giới; được Viện Hàn lâm châu Âu bình chọn Phim hay nhất châu Âu năm 2014 và giành giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất năm 2015, nhưng với khán giả phổ thông thì rất cần sự kiên nhẫn nhất định để theo dõi hết phim.
Vài lý do như trên, dù chưa phải là chính yếu, cũng đủ làm cho khán giả Việt (nhất là giới trẻ, vốn nhiệt tình mua vé) dửng dưng với việc đến rạp nhận vé mời xem LHP châu Âu 2015. Và điều đáng lo hơn, tình trạng dửng dưng và hệ quả của nó còn chưa dừng lại ở đây.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags