(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 25/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo về dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, gắn liền với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới gói gọn trong 2 năm và tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn vì diễn biến của dịch thay đổi rất nhanh.
Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Y tế, các giải pháp được nêu trong dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới xoay quanh 4 mục tiêu lớn: Giảm tỷ lệ người mắc COVID-19; tăng tỷ lệ bao phủ vaccine; giảm tỷ lệ tử vong; bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Tại cuộc làm việc, các ý kiến tập trung làm rõ, cụ thể hơn về quan điểm, mục tiêu, biện pháp phòng, chống dịch, tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh… trong tình hình mới nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi các hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội. Theo đó, Chiến lược phải nêu bật quan điểm bảo vệ sức khoẻ người dân trên hết; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.
Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống dịch đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước, “thống nhất Trung ương, linh hoạt địa phương”, cả hệ thống chính trị vào cuộc kiểm soát đại dịch COVID-19 sớm nhất. Trong quá trình chống dịch, Việt Nam không chậm hơn so với thế giới, tranh thủ cơ hội, lợi thế để phát triển, vươn lên, thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước.
Chiến lược tổng thể cần chú trọng, nhấn mạnh hơn nữa tinh thần chủ động, khoa học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, làm cơ sở để hướng tới cá nhân hoá trong phòng, chống dịch. Toàn bộ hệ thống y tế phải được tăng cường, củng cố để sẵn sàng ứng phó với các đại dịch lây nhiễm trong tương lai.
- Chuyên gia: Tiêm quá sớm mũi vaccine tăng cường ngừa Covid-19 không thực sự hữu ích
- Dịch Covid-19: Có 11 địa phương cấp tỉnh ở Trung Quốc ghi nhận các ca mắc mới
- Dịch Covid-19 ngày 24/10: Đắk Lắk ghi nhận nhiều chùm ca bệnh ở nhiều địa bàn
Về mục tiêu, các ý kiến nêu, Chiến lược cần tập trung vào giảm tỷ lệ mắc COVID-19; giảm tỷ lệ tử vong; nâng cao năng lực ứng phó của hệ thống y tế nếu có biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 hoặc dịch bệnh mới; khôi phục, phát triển sản xuất kinh tế, đời sống sinh hoạt của người dân. Trong các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn để trở lại trạng thái bình thường mới, phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cơ quan soạn thảo cần bổ sung tiêu chí đánh giá, đo lường sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất các giải pháp, nhiệm vụ phải bảo đảm chủ động nguồn vaccine, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị… Cơ chế thực hiện giãn cách, phong tỏa theo hướng quy định các biện pháp hạn chế về di chuyển, sinh hoạt, hoạt động của người dân. Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp cận các công nghệ mới trong phòng, chống dịch, các ý kiến nhấn mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự trong các vùng cách ly, phong tỏa. Công tác hậu cần căn cứ yêu cầu chuyên môn để bảo đảm đầy đủ vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm…
Ngoài ra, các ý kiến đề nghị xem xét đưa thành nhóm biện pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch gắn với trách nhiệm cụ thể với từng tiểu ban của Ban Chỉ đạo (Y tế; An sinh xã hội; An ninh trật tự; Tài chính, hậu cần; Vận động, huy động xã hội; Truyền thông…).
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu các ý kiến của bộ ngành, địa phương, hoàn thiện dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới, sớm trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trình Chính phủ đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
TTXVN
Tags