Khẳng định ảnh hưởng to lớn của Nguyễn Du với văn chương hiện đại

Thứ Ba, 13/10/2015 15:34 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại” là hội thảo diễn ra ngày 13/10, tại Hà Nội do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hướng tới kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới – đại thi hào Nguyễn Du (3/1/1766 - 3/1/2016). Nhiều Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học, nhà văn, nhà thơ và đông đảo bạn đọc yêu mến Nguyễn Du đã tham dự sự kiện.

Các tham luận và đóng góp ý kiến tại hội thảo đã góp phần làm sâu sắc thêm giá trị của “Truyện Kiều” và những cống hiến của Nguyễn Du đối với đời sống văn học Việt Nam, mang lại những cái nhìn mới mẻ về đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều”. Các đại biểu thống nhất rằng Nguyễn Du có ảnh hưởng đến các nhà văn, nhà thơ và mọi thế hệ người Việt. Tác phẩm của ông cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân, nhiều người có thể đọc “Kiều” theo cách linh hoạt, biến hóa để tạo thêm sự hứng thú. “Truyện Kiều” đã đem lại giá trị tinh thần tươi mới, đặc trưng cho văn chương, ngôn ngữ. Trong một thế kỉ qua, kiệt tác "Truyện Kiều" đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với 35 bản dịch.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dâng hương, hoa tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Đại thi hào Nguyễn Du ở quê hương ông, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Tại hội thảo, Giáo sư Phong Lê khẳng định: Nguyễn Du đã có sự nghiệp sáng tác đồ sộ với hàng trăm pho sách, hàng chục vạn trang viết cùng một khối lượng người đọc không thể tính hết. Ông là một trong những người đầu tiên của Việt Nam được tôn vinh là Danh nhân văn hóa. Nguyễn Du có nhiều tập thơ chữ Hán, chữ Nôm được nhiều người biết đến: “Thanh hiên thi tập”, “Nam Trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục” và “Văn tế thập loại chúng sinh”… Tuy nhiên, “Truyện Kiều” được coi là kiệt tác làm nên tầm vóc Nguyễn Du, khiến tên tuổi của ông được xếp ngang với các đại thi hào khác của thế giới như: Aleksandr Sergeyevich Puskin (Nga), Johann Wolfgang von Goethe (Đức), William Shakespeare (Anh) …

Nhà thơ Đỗ Trung Lại cũng cho biết: Với "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã diễn đạt, phổ cập thể loại Truyện thơ và Thơ lục bát độc đáo ở Việt Nam, tạo nên một kiệt tác, cống hiến cho nhân dân Việt Nam một đỉnh cao văn chương ở thể loại truyện - tiểu thuyết bằng thơ lục bát độc nhất vô nhị.

Nhà thơ Vương Trọng chia sẻ, ông đã từng đọc Kiều từ khi tập đánh vần, chưa hết cấp hai đã thuộc toàn bộ hơn 3.250 câu thơ của tác phẩm này. Rồi ông tập làm thơ theo thể thơ lục bát, cố viết cho giống ngôn ngữ của “Truyện Kiều” và cũng có một số thành công nhất định. Sau này, khi đã hiểu “Truyện Kiều”, cảm nhận được cái hay của tuyệt tác này, ông nhận thấy mình mới chỉ vận dụng được một phần nhỏ vào hoạt động sáng tác.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: Ảnh hưởng của Nguyễn Du đối với đời sống văn chương hiện đại rất lớn, bởi Nguyễn Du là người viết kiên trì theo chủ nghĩa nhân văn sâu sắc nhất cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Bên cạnh đó, ông cũng là một trong những người tiên phong trong xây dựng nhân vật theo kiểu phức hợp, sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật đồng hiện, lối viết văn hàm súc… Nguyễn Du sẽ còn sống mãi và “Truyện Kiều” mãi là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt.

Mỹ Bình

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›