Thừa Thiên - Huế vốn là chiếc nôi sản sinh của áo dài ngũ thân, đồng thời là mảnh đất gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển áo dài Việt Nam trong suốt hàng trăm năm qua. Xuyên suốt thời gian giữ vai trò là kinh đô của đất nước, Cố đô Huế cũng là Kinh đô áo dài Việt Nam, nổi danh bởi “chế độ y quan” rực rỡ - biểu trưng cho một triều đại phương Đông. Chính vì thế, áo dài là bản sắc văn hóa vùng đất, nét đẹp của con người xứ Huế.
Từ thường phục triều Nguyễn đến quốc phục nước Việt Nam
Từ đầu thế kỷ XVIII, áo dài ngũ thân đã phổ biến ở Đàng Trong. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, ông đã cho quy hoạch và xây dựng lại Đô thành Phú Xuân, xưng vương hiệu và tiến hành cải cách nhiều mặt, trong đó có chế độ y quan với nhiều điểm đổi mới.
Áo dài ngũ thân được định chế thành thường phục của toàn dân. Trang phục được cải tiến phần cổ và eo thoải mái, dễ mặc hơn nhưng vẫn giữ được ý nghĩa tốt đẹp của thường phục này. Năm thân áo bao gồm một thân con bên trong tượng trưng cho bản thân và bốn thân bên ngoài ở trước, sau tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu luôn bao bọc, che chở. Năm cúc áo mang ý nghĩa ngũ thường - những đức tính của một người quân tử cần có là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Áo ngũ thân chủ yếu có hai loại: Áo tay rộng (hay còn gọi là áo Tấc) thường được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng. Áo tay hẹp (hay còn gọi là áo tay chẽn) được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày, khi thực thi công vụ hay nhiều loại hình hoạt động khác.
Từ đó, dân chúng, bất kể giới tính, đều phải dùng kiểu áo ngũ thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống; trên đầu để tóc búi, đội khăn xếp hình chữ Nhân hoặc chữ Nhất đối với nam và khăn vành đối với nữ. Từ hoàng cung đến các bộ, viện, phủ đường, ty, nha, quân doanh… ai ai cũng mặc như thế để thể hiện sự nghiêm túc, chỉn chu của người thi hành công vụ.
Dưới thời vua Minh Mạng, từ quan điểm cần thống nhất, tự chủ về mặt văn hóa ở phương diện trang phục, vua cho ban hành nhiều quy định thay đổi trang phục để tạo ra sự thống nhất giữa hai miền Nam, Bắc. Áo dài ngũ thân cổ đứng, gài năm cúc bên phải mặc kèm với quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước ta, phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian, từ Bắc chí Nam.
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan (thành phố Huế) cho hay, thuở ấy, từ vua quan cho đến thường dân, ai ai cũng mặc áo dài. Trong lối sống sinh hoạt thường ngày như đọc sách, ra chợ đến lúc tiếp khách hay bước ra khỏi nhà, áo dài luôn luôn thường trực. Mặc áo dài là cách để thể hiện sự kính trọng đối với những người xung quanh, với không gian sống.
Sự phân biệt về đẳng cấp, thứ bậc trong xã hội chủ yếu được thể hiện qua chất liệu, màu sắc của vải may và mức độ cầu kỳ của các hoa văn trang trí trên áo dài ngũ thân. Đặc biệt, những chiếc long bào của các vị vua triều Nguyễn thường sắc sảo và tinh tế trong từng chi tiết. Chúng được làm từ lụa tơ sống và vải dệt vân đoạn. Sợi chỉ được se từ vàng, bạc và đồng tạo nên sắc màu hài hòa cho họa tiết con rồng trên áo - tượng trưng của một vị vua. Các họa tiết sóng, nước, mây bay bày trải trên tấm áo thể hiện sự hòa hợp, thẩm mỹ của nhân sinh quan và vũ trụ quan; qua đó khiến người mặc trở nên cao quý, sang trọng.
Như vậy, chiếc áo dài ngũ thân được sản sinh từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và trở thành quốc phục dưới thời vua Minh Mạng. Hành trình ấy kéo dài trong khoảng 100 năm. Đến nay, bộ trang phục đặc biệt này đã có gần 300 năm lịch sử. Vẻ đẹp cổ điển và các giá trị văn hóa của nó đã được thử thách và khẳng định. Với bề dày lịch sử ra đời và phát triển ấy, Cố đô Huế xứng đáng trở thành nơi Kinh đô áo dài của Việt Nam.
Bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô Huế
Sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên - Huế, khi mọi người nơi đây chỉ mặc áo dài, Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan là một “nhân chứng sống” hiếm hoi am hiểu tường tận và sở hữu, sưu tầm nhiều chiếc áo dài ngũ thân triều Nguyễn. Bộ sưu tập của bà với tên gọi “Áo dài xưa” có niên đại hàng trăm năm từ đầu thời Nguyễn, bao gồm nhiều chiếc áo quý do vua Khải Định, bà Từ Cung (vợ vua Khải Định), các hoàng phi của vua Khải Định từng mặc hay áo nhật bình của mệnh phụ phu nhân, các bộ áo dài nam…Những cổ vật này được nâng niu, trân trọng qua nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử đất nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan cho hay, chiếc áo dài của người dân xứ Huế thời ấy khi nhìn kỹ sẽ thấy đó là tác phẩm nghệ thuật công phu của những người thợ may. Mỗi đường kim, mũi chỉ được may thêu tỉ mỉ, việc sắp đặt nút áo cũng thể hiện năng khiếu của họ. Giá trị của mỗi chiếc áo được thể hiện ở sự phối hợp hài hòa giữa những sắc màu, quan niệm nhân sinh quan trên chiếc áo.
Dưới triều đại nhà Nguyễn, nhân dân xứ Huế thường mặc áo dài ra đường để thể hiện là con người lịch sự và cũng để thể hiện vẻ đẹp giữa những con người trong xã hội với nhau. Mỗi bộ áo dài là mỗi bản ngã riêng của người mặc; qua đó thấy được thứ bậc, giai cấp của họ trong gia đình và xã hội phong kiến xưa.
Chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển cùng nhiều biến cố của lịch sử. Nó ra đời từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ, tinh tế của con người Cố đô, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Thần kinh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải chia sẻ.
Dù đã trải qua hàng trăm năm, áo dài vẫn luôn được coi là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế. Nếu đối với phụ nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng và làm toát lên nét đẹp duyên dáng, thanh lịch của người con gái xứ Huế. Áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông.
Đến nay, vẻ đẹp truyền thống với nét dịu dàng, e ấp của cô gái Huế trong tà áo dài tím vẫn còn nguyên vẹn và có sức lay động lòng người. Phụ nữ nơi đây luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng riêng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt. Tùy theo điều kiện kinh tế, ai ai cũng có cho riêng mình vài bộ áo dài.
- Phát động Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2022
- Ấn tượng những bộ sưu tập trong Lễ hội Áo dài Trẻ em Việt Nam 2022
- Làm đẹp thêm cho áo dài truyền thống
Là một cô giáo, chị Nguyễn Thúy Vân (phường Vỹ Dạ, thành phố Huế) sở hữu không ít bộ áo dài và thường xuyên ăn vận chúng trên bục giảng hàng ngày. Chị cho hay, mỗi khi mặc áo dài chị cảm thấy bản thân duyên dáng và tự tin hơn trước các học trò. Dù đi đến nơi đâu, chị đều luôn mong muốn khoác lên mình chiếc áo dài thướt tha để tôn lên vẻ đẹp của người con gái xứ Huế và tự hào vì là con người Việt Nam.
Ngày nay, áo dài đã trở thành một món quà lưu niệm chứa đựng văn hóa, tinh thần độc đáo của vùng đất Cố đô mà nhiều du khách thập phương yêu mến, lựa chọn mỗi khi đến đây. Không cách điệu cầu kỳ, những chiếc áo dài xứ Huế vẫn giữ được nét đẹp của áo dài truyền thống nhưng tỉ mỉ trong các chi tiết đường cắt, thêu thùa, đính hạt và đơm nút.
Cùng với sự đổi thay của lịch sử, áo dài qua từng thời đại đã có không ít sự điều chỉnh. Tuy nhiên, dù điều chỉnh ra sao, áo dài vẫn là quốc phục, niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và là “món ăn tinh thần” thể hiện bản sắc riêng của văn hóa vùng đất Cố đô Huế.
Trong quá trình xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có nhiều cách làm hay nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa, vị trí của áo dài Huế, đồng thời khai thác, phát huy vị thế của nó để phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ kèm theo.
Mai Trang/TTXVN
Tags