(Thethaovanhoa.vn) - “Thực tế, không chỉ thể thao, Việt Nam cũng chưa có nhiều thành tích so với mặt bằng thế giới, cả về công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, giáo dục… Đó là hệ quả từ nhiều vấn đề, trong đó không thể bỏ qua việc suốt một phần chiều dài lịch sử, chúng ta phải dồn hết thời gian và tâm lực cho việc giữ nước. Để rồi, bây giờ, khi đã có động lực và sự tự tin, chúng ta sẽ bước ra thế giới với tâm thế và hành trang gì”?
Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa Thể thao và Văn hóa và nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
“Chỉ số” từ lòng dân
* Chúng ta mở đầu năm 2018 với chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại Thường Châu (Trung Quốc) và kết thúc năm nay bằng chiếc cúp vàng ở giải AFF Cup tại Hà Nội. Là một người thường xuyên xuất hiện trên truyền thông và cũng rất mê bóng đá, ông “nhập cuộc” với những giải đấu ấy như thế nào?
- Tôi cũng xem từng trận đấu, cũng reo hò, cũng khoắc khoải bồi hồi như mọi khán giả khác. Cùng với cái chung ấy là một cái riêng: do công việc của mình, tôi quan tâm nhiều tới lịch sử bóng đá Việt Nam.
Thực tế, từ rất lâu rồi, theo yêu cầu của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, tôi đã tham gia biên soạn cuốn Sơ thảo lịch sử bóng đá Việt Nam. Nhưng dự án này nửa đường bị đình trệ. Mãi tới vài tháng trước, sách mới ra mắt.
Tôi nhớ, sách cơ bản biên soạn xong vào cuối 2017. Đó là những ngày u ám nhất của bóng đá Việt, sau thảm bại tại SEA Games 29. Để rồi, từ bầu không khí ảm đạm ấy, chiến thắng của đội tuyển U23 tại Thường Châu vào đầu 2018 đã vực dậy tất cả.
Khi đó, tôi đã viết thêm một khúc vĩ thanh trong cuốn sách và khẳng định: bóng đá Việt sẽ có những thành công lớn vào năm 2018 này. Nhận xét đó không chỉ bắt nguồn từ thực tế, mà với tôi còn là những chiêm nghiệm lịch sử.
Khá thú vị, nhìn lại thì hình như những năm kết thúc bằng con số 8 và con số 3 đều gắn với những vận hội riêng của bóng đá Việt Nam. Chẳng hạn, những tài liệu để lại cho rằng môn thể thao vua mà chúng ta say mê được khai sinh vào năm 1898, với một trận bóng tại châu Âu. Cũng theo tài liệu, năm 1908 là thời điểm những trận bóng đầu tiên của người Việt Nam diễn ra trên mảnh đất hình chữ S. Năm 1923 – tức là tròn 95 năm trước - các cầu thủ bóng đá Việt Nam sau một vài xung đột với ngành thể thao đã quyết định tách ra, thành lập Tổng cục bóng tròn Việt Nam. Rồi năm 1928, lần đầu tiên một đội bóng Việt Nam ra nước ngoài thi đấu tại Singapore….
Và thực tế lại một lần nữa đưa chúng ta về con số 8 rất đặc biệt: sau chiếc Cúp vàng Đông Nam Á năm 2008, chúng ta lại có những chiến tích mới ở năm 2018 này.
* “Năm của con số 8” này, như ông nói, cũng là năm mà nhiều người khẳng định rằng tinh thần dân tộc của người Việt đang lên cao cùng với bóng đá. Với ông, cách đặt vấn đề như vậy đã hợp lý chưa?
- Chỉ nhìn ở góc độ gần nhất thôi, những chiến thắng ấy giải tỏa được một vấn đề thời sự: nỗi băn khoăn lo lắng về chuyện con người đối xử với nhau trong bối cảnh xã hội hiện nay. Dù chỉ là ngắn ngủi, dù chỉ mang tính chất bột phát, hình ảnh biển người náo nức đổ xuống đường, hân hoan tay bắt mặt mừng cũng đủ để chúng ta tin vào khái niệm “tinh thần dân tộc”.
Có chuyện thế này, trận chung kết AFF Cup 2018 vừa rồi, tôi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời tới sân Mỹ Đình để cùng theo dõi. Khi bóng chưa lăn, biển người đã bắt đầu “làm nóng” với những làn sóng áo đỏ và tiếng reo hò trên khán đài. Trước bầu không khí ấy, Thủ tướng rất hào hứng. Ông quay sang bảo tôi: Anh Quốc thấy ý chí của người dân có mạnh mẽ không? Lòng người đấy.
* Vậy, ông trả lời sao?
- Tôi nói vui: Anh là lãnh đạo, nghĩ được vậy thì đáng quý quá (cười)
Thẳng thắn, tôi chia sẻ với Thủ tướng. Trong xu thế chung của cả thế giới hiện nay, cách người dân trực tiếp bày tỏ thái độ và phản ứng của mình luôn là điều mà các chính khách phải đặc biệt chú tâm.
Câu chuyện ấy, cũng giống việc dòng người đổ xuống đường, phất cao Quốc kỳ và hát Quốc ca sau mỗi trận thắng. Trong mắt một số người khắt khe, điều ấy có thể phần nào mang tính a dua theo kiểu phong trào. Nhưng, cách người dân ăn mừng chiến thắng của đội tuyển quốc gia đã diễn ra như thế cả chục năm qua. Vẫn tồn tại, nghĩa là người dân vẫn có những cái lý riêng của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà ngoài Thủ tướng, nhiều chính khách của chúng ta, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng rất quan tâm tới bóng đá. Cũng không ngẫu nhiên mà ở tuổi 93, Thủ tướng Mahathir của Malaysia cũng tới xem trận chung kết lượt đi để cổ vũ đội nhà. Bởi họ đều hiểu: môn thể thao ấy là một thước đo rất quan trọng của xã hội.
Như lời Nguyễn Trãi, “đẩy thuyền đi cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Không có gì sai nếu nói rằng từ bóng đá, chúng ta sẽ có thêm những bài học cho khát vọng vươn dậy của cả một quốc gia. Trong đó, bài học đầu tiên nằm ở câu chuyện về tinh thần dân tộc của một cộng đồng.
Nền tảng của khát vọng
* Vậy còn những bài học khác, theo ông?
- Tôi vẫn muốn nói tiếp câu chuyện về bóng đá. Những thành công của chúng ta năm qua gắn liền với cái tên Park Hang Seo. Nhưng bình tĩnh nhìn lại, ông Park thực chất là người kết nối và đánh thức tiềm năng của các cầu thủ. Chỉ mình ông, với vài tháng huấn luyện, không thể tạo ra một lứa cầu thủ xuất sắc như vậy để đặt dấu ấn tại Thường Châu, tiếp sau đó là ASIAD 2018 và giải vô địch Đông Nám Á vừa rồi.
Vẫn những con người ấy, chỉ vài tháng trước giải U23 châu Á, chúng ta thảm bại ở SEA Games 2017. Như thế, đây là câu chuyện về cách chọn những cá nhân hợp lý, vào những vị trí hợp lý để khơi dậy tiềm năng của một tập thể.
Chuyện không dừng ở đó. Nhìn xa hơn, dù gặp không ít thất bại, bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây vẫn hướng tới tính chuyên nghiệp ngày càng cao- mà điển hình là sự xuất hiện của xu hướng xã hội hóa. Các doanh nhân vào cuộc, nhưng không theo kiểu chỉ ào ạt rút tiền ra tài trợ như trước kia. Họ đã thật sự nhận thấy bóng đá là một nguồn lực rất lớn của xã hội ở mọi góc độ - trong đó có góc độ kinh tế. Và cũng từ đó, những mô hình đào tạo chuyên nghiệp của HAGL, của CLB Hà Nội hay của Viettel lần lượt ra đời.
* Như vậy, ông đang nói đến câu chuyện thu hút các nguồn lực xã hội – điều đang là vấn đề nóng không chỉ với bóng đá …
- Nếu nhà nước có cơ chế, chính sách – và cả sự tôn vinh – hợp lý để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, tôi tin rằng thành công của bóng đá Việt Nam sẽ còn kéo dài. Và quan trọng nhất, có tính bền vững cao hơn.
Sự thực, những năm qua, xã hội chúng ta đã có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức về mô hình xã hội hóa, cũng như vai trò của doanh nhân. Thẳng thắn, để có sự thay đổi ấy, chúng ta đã phải trả giá đắt cho một thời kỳ dài phát triển không bình thường.
Nhưng, sự thay đổi ấy chỉ có giá trị, khi Nhà nước tự ý thức được vai trò “người phục vụ” của mình – hoặc như cách nói của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta xây dựng một chính phủ kiến tạo. Tư tưởng đã có, điều chúng ta cần tiếp theo là những hành động thật sự, tạo những môi trường thật sự cho người dân theo đuổi khát vọng của mình.
* “Hành động thật sự” và “môi trường thật sự” theo nghĩa nào, thưa ông?
- Xin lấy ví dụ từ một câu chuyện thời sự khác. Năm vừa qua, Hà Nội chính thức có phố Trịnh Văn Bô, lấy tên nhà tư sản đã hiến 5.000 lượng vàng cho Chính phủ năm 1946.
Lịch sử vinh danh những nhà tư sản như Trịnh Văn Bô, như Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà. Nhưng, chúng ta hãy hiểu rằng họ không thể chỉ yêu nước, chỉ ủng hộ kháng chiến một cách chung chung. Với sự đóng góp ấy, họ cũng có khát vọng được trở thành doanh nghiệp tiêu biểu của một nước Việt Nam độc lập, muốn cùng Chính phủ xây dựng một nền kinh tế tự cường và vì dân tộc. Nghĩa là quyền lợi của đất nước phải song hành với quyền lợi cá nhân.
Bây giờ cũng vậy. Tôi mừng khi nhiều bạn trẻ hưởng ứng với làn sóng khởi nghiệp trong thời gian qua. Họ tự tin, nhiệt tình và nghĩ rằng cơ hội đang tới. Vậy, hãy đừng để họ thất vọng vì những câu chuyện liên quan tới nút thắt chính sách, tới cơ chế, thậm chí là tới ma trận được vẽ ra từ khái niệm mà ta vẫn gọi là “lợi ích nhóm”.
Khi lòng tin và sự nhiệt tình bị thui chột, sẽ khó khăn gấp bội để lấy lại những giá trị này. Khát vọng là cần thiết và vô cùng quan trọng với mỗi dân tộc. Nhưng, khát vọng chỉ có thể cất cánh, trên nền tảng là sự chuẩn bị và đầu tư cho nó.
Cả Việt Nam trong một bát phở
* Bây giờ, khi nói tới “khát vọng Việt Nam”, ông nghĩ chúng ta nên bước ra thế giới bên ngoài với tâm thế ra sao?
- Dòng chảy lịch sử và tốc độ của nó đang đặt ra rất nhiều thách đố. Nói một cách hình tượng, chúng ta chuyển động trong một thế giới đang chuyển động nhanh hơn gấp nhiều lần. Câu chuyện ở đây là sự tương quan của tốc độ: ta đi chậm hơn thiên hạ nghĩa là đã giật lùi rồi.
Bởi thế, trong thời đại 4.0, việc có một tâm thế tỉnh táo để tìm con đường vươn lên một cách ngắn nhất, ít tốn kém nhất và hiệu quả nhất là vô cùng cần thiết. Và tâm thế ấy gắn với những câu hỏi: Chúng ta là ai? Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới? Nội lực của chúng ta là thế nào?
Nhiều khi, trong việc hội nhập, hoặc bước ra thế giới như cách bạn nói, rào cản lớn nhất lại đến từ tâm thế của chính chúng ta…
* Ông có thể ví dụ?
- Tôi muốn nhắc lại điều từng phát biểu tại nghị trường năm vừa rồi: sau nhiều năm tiến hành cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bây giờ, chúng ta hoàn toàn có đủ tự tin để phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Dù có những mặt tích cực, nhưng những gì đã có là câu chuyện của quá khứ. Còn bây giờ, các sản phẩm của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, đã từng bước vươn tới những thị trường lớn trên thế giới. Vậy, cách tư duy cũ phải thay đổi.
Tại sao, trong lúc các doanh nghiệp nước ngoài ùn ùn kéo vào một thị trường lớn thứ 13 thế giới như Việt Nam thì chúng ta lại mải chạy đi đâu – hoặc đáng buồn hơn, vẫn xem thị trường trong nước là nơi để… giải cứu mình?
Hãy nhìn sang Nhật Bản, hàng nội địa của họ bao giờ chất lượng cũng phải là cao nhất, tốt nhất – dù có thể thiếu sự hào nhoáng bên ngoài. Bởi, phục vụ tốt đồng bào mình chính là một vị thế rất tốt để các doanh nghiệp tiến xa hơn ra thế giới bên ngoài.
Và muốn làm điều ấy, chúng ta lại quay về câu chuyện của môi trường, của cơ chế. Lâu nay, tôi vẫn cảm giác là chúng ta vẫn đang rải thảm đỏ cho người ngoài vào nhà mà quên mất rằng chính trong nhà chúng ta cũng cần có thảm đỏ, để người nhà được hưởng thụ những ưu tiên.
* Ông nói tới việc phải hiểu câu hỏi “Chúng ta là ai?”. Vậy trước hết, tôi muốn được nghe chính ông trả lời câu hỏi này?
- Tôi muốn nhìn từ một sự kiện quan trọng: câu chuyện của dòng xe VinFast vào năm qua là một ví dụ khác. Rất nhiều người đánh giá tích cực về sự ra đời của dòng xe này, và coi đó là một điển hình của câu chuyện “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” mà tôi nói.
Nhưng, cũng có rất nhiều ý kiến sa đà vào tranh cãi, xem tỷ lệ linh kiện nhập ngoại của dòng xe VinFast là bao nhiêu, cao hay thấp. Cá biệt, có những người đòi phải sản xuất 100% tại Việt Nam thì mới công nhận rằng đó là một sản phẩm Việt Nam. Còn không, nghĩa là đi lấy của thiên hạ về, chứ không phải của mình.
Thật ra, đó là một tâm thức rất cũ. Và để so sánh, tôi muốn lấy lấy hình ảnh về bát phở. Một học giả Pháp từng nói vui rằng bưng một bát phở lên, ta thấy cả một Việt Nam trong đó. Đó không chỉ là lời khen về món ăn nổi tiếng nhất của người Việt, mà chính là một nhận xét về văn hóa của chúng ta.
Phở, ai cũng biết, được làm nên từ 3 thành phần: bánh phở, nước dùng – trong đó có thịt bò và nước mắm. Thiếu một trong ba thành phần đó, phở không còn là phở nữa.
Vậy nhưng truy nguyên, bánh phở có xuất xứ từ Trung Quốc. Dùng thịt bò là cách ăn của người Pháp, còn nước mắm là sản phẩm của cả khu vực Đông Nam Á. Từ những nguyên liệu chung ấy, người Việt chế biến nên thương hiệu phở của riêng mình. Cũng giống như cách mà Việt Nam, nhờ đặc điểm địa lý, luôn biết cách tích hợp tinh hoa của các nước khác để sáng tạo nên một nền văn hóa riêng.
Đó không chỉ là câu chuyện của dòng xe VinFast, mà sẽ còn mở ra với rất nhiều sản phẩm khác. Nếu hiểu được thế mạnh và đặc trưng của mình, hiểu được sự phù hợp tới đâu với câu hỏi “ai cần ai” vốn đang là triết lý tồn tại chung của thế giới, chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi nói tới khái niệm “khát vọng Việt”.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
H’Hen Niê và chuyện “bước ra thế giới” “Cuối năm 2018, chúng ta có thêm một tin rất vui, khi H’Hen Niê lọt vào top 5 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới. Có dịp ngồi ghế giám khảo của nhiều cuộc thi sắc đẹp khác nhau, tôi rất quan tâm tới trường hợp của các thí sinh đến từ những dân tộc ít người. Thậm chí, ở góc độ cá nhân, tôi từng đóng góp ý tưởng và đề xuất tổ chức những cuộc thi hoa hậu dành cho các dân tộc ít người tại Việt Nam. Vẻ đẹp của những thí sinh ấy mang lại sự khác biệt rất độc đáo cho cái nhìn phổ thông, quen thuộc của chúng ta về nhan sắc. Bởi thế, trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, khi có nhiều ý kiến khác biệt về trường hợp H’Hen Niê, tôi là người ủng hộ cô trên cương vị một giám khảo. Thời điểm ấy, tôi đã nói rằng nếu ra nước ngoài tham dự các cuộc thi khác, H’Hen Niê sẽ được đánh giá cao. Có nhiều lý do, trong đó có việc vẻ đẹp mang chút sắc màu và mạnh mẽ của cô trở nên độc đáo, so với vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt - vốn được thế giới coi là rất gần với vẻ đẹp của phụ nữ các nước Đông Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Câu chuyện của H’Hen Niê là một gợi mở thú vị về việc phát huy sự đa dạng trong dòng chảy văn hóa Việt Nam để bước ra thế giới. Sự đa dạng ấy, với những nhân tố mà đôi khi chúng ta còn ít chú ý, sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều tiềm năng ở một sân chơi chung” - (Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ) |
Hoàng Nguyên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
Tags