Khi album vẫn là sân chơi của 'cựu binh'…

Thứ Ba, 26/04/2016 07:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Có một điều rất dễ nhận ra tại nhiều hạng mục cá nhân tại giải Cống hiến năm nay. Nếu như hạng mục Music Video của năm và Bài hát của năm là sân chơi độc chiếm của những người trẻ thì hạng mục Album của năm lại gần như là sân chơi độc tôn của những cựu binh.

Một thực tế trong năm 2015 cho thấy: những nhân tố miệt mài lao động và cho ra những sản phẩm đồng nhất, chuẩn mực nhất, đều đến từ những cựu binh. Và nó cho thấy các nhân tố trẻ đang bỏ lơ lĩnh vực này trong khi album luôn thật sự là một thước đo đẳng cấp của bất kỳ ca sĩ nào.

Album của năm luôn là hạng mục “xương” nhất. Nó quan trọng bởi đó là toàn cảnh bức tranh âm nhạc của ca sĩ, nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca khúc… Nó quyết định đến tiếng tăm của cả một ê kíp và danh hiệu đoạt được cũng làm rạng danh cả một tập thể.

Nhạc sĩ Anh Quân, khi lên trao giải cho hạng mục Album của năm đã nói rằng “Nếu như đại diện của điện ảnh là các bộ phim, thì ở âm nhạc đó chính là album”.

Trong khi đó, các nghệ sỹ trẻ có mặt hầu hết ở các để cử cá nhân, chỉ duy nhất thiếu mặt ở hạng mục album.


Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi (thứ 7 từ bên trái) và BTC tặng hoa tri ân các nghệ sĩ tại Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 11 - 2016

Vậy họ đã đi đâu?

Nghệ sỹ trẻ đua nhau làm Music Video (MV).Đây là một xu hướng ngày càng nở rộ và ở đó cũng là công sức của tập thể.Và điều này chưa cho thấy một dấu hiệu giảm nhiệt nào, trong khi mô hình album ngày càng bị đẩy xuống sâu hơn.

Sự thay đổi này đã làm lung lay nhiều giá trị. Bởi việc ra một album vẫn luôn kèm tính tích cực ở 2 yếu tố:  Phục vụ khán giả, thông qua đó để thể hiện yếu tố thẩm mỹ, thiết kế, có giá trị sưu tập cao. Nhưng bây giờ, công chúng dường như không còn quá quan trọng việc ấy.

Nhiều người tự hỏi rằng vậy số lượng CD sụt giảm nghiêm trọng thì lượng người nghe đã bốc hơi đi đâu? Câu trả lời rõ hơn: Họ chuyển sang nghe/xem MV. Giờ  đây số lượng MV phát hành mỗi năm trên thế giới có một số lượng khủng khiếp, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Điều này rõ ràng phụ thuộc vào việc thị trường lên hay xuống chứ nhiều lúc lại không phụ thuộc vào chính ca sĩ. Nhiều lúc ca sĩ rất muốn phát hành album nhưng không có đủ bài thì làm sao ra được album? Chính vì việc không có đủ bài hát nên việc ra MV là một xu thế chính được lựa chọn để thay thế hoặc với các ca sĩ trẻ, nhiều lúc ra album nhưng chỉ “hot” được 1,2 bài thôi thì thà đầu tư lớn cho một vài bài ấy thành MV có chất lượng thì sự lan tỏa cũng sẽ như nhau.

Nhưng cũng cần phải đặt ra một câu hỏi, trong xu thế MV lấn lướt như hiện nay tại Việt Nam, có thật sự nó tạo nên được những giá trị âm nhạc? Câu trả lời là: Chưa. Sự nở rộ của phong trào MV chỉ thấy được tính tích cực ở mặt thị trường, còn về chất, MV tại Việt Nam vẫn chưa thể chuyển tải được giá trị âm nhạc và cả những sáng tạo. Bởi những điều ấy, vẫn còn nằm ở dạng album.

Chính album mới thật sự vẫn là cầu nối giữa ca sĩ và công chúng “thật” bởi giữa họ đã rất hiểu nhau, thông qua âm nhạc toàn diện.

Cho nên 2015 đang chứng kiến những album đầy mồ hôi lao động của những Võ Thiện Thanh hay Giáng Son và mới đây là Bản Nguyên của Trần Thu Hà.

Sự có mặt của những chiếc album trên kệ đĩa hay trên các trang bán nhạc trực tuyến cũng là cách mà ca sĩ nói với công chúng rằng “tôi vẫn đang hoạt động, vẫn đang sáng tạo, vẫn đang làm việc”. Sự sáng tạo cộng thêm với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc sẽ vẫn luôn là mũi tên cho sự phát triển của âm nhạc. Và công chúng số đông, dù đang tạo ra một xu thế mới “bắt” các nhà sản xuất âm nhạc phải tự điều chỉnh lại, thì ở phân khúc nào đó, họ vẫn trung thành với ca sĩ của riêng mình.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›