(Thethaovanhoa.vn) - Sự quảng cáo tuyệt vời nhất cho bóng đá là các tiền đạo thượng thặng và những bàn thắng ngoạn mục. Nhưng theo thời gian, thắng bại trên sân cỏ dần trở thành cuộc chiến giữa các hậu vệ cánh.
Cầu thủ tấn công quan trọng nhất là… hậu vệ cánh
Người đầu tiên đưa ra nhận định trên là Jack Charlton, huyền thoại bóng đá Anh. Ông khẳng định sau VCK World Cup 1994 rằng cầu thủ tấn công quan trọng nhất của một đội bóng là hậu vệ cánh. Thoạt nghe có vẻ lố bịch, cho tới khi bạn nhận ra rằng kể từ năm 1994 đến nay, phần lớn những nhà vô địch World Cup đều sở hữu bộ đôi hậu vệ cánh xuất sắc: Jorginho và Branco của Brazil năm 1994, Lilian Thuram và Bixente Lizarazu của Pháp năm 1998, Cafu và Roberto Carlos của Brazil năm 2002 và cặp Gianluca Zambrotta-Fabio Grosso của Italy năm 2006.
Tất nhiên, không ai có thể chiến thắng chỉ nhờ sở hữu bộ đôi hậu vệ cánh hay nhưng rõ ràng tầm quan trọng của họ đang ngày càng lớn trong chiến thuật của bóng đá hiện đại. Chiến thắng 3-0 của TBN trước Nga ở Bán kết EURO 2008 là một ví dụ tiêu biểu cho thấy tầm quan trọng của các hậu vệ cánh.
Andrei Arshavin, ngôi sao của giải đấu, đã gặp rất nhiều khó khăn trước sự kèm cặp của Marcos Senna, nhưng khoảnh khắc quyết định của trận đấu đến ở phút 34 khi David Villa chấn thương, Fabregas vào sân và TBN chuyển từ sơ đồ 4-1-3-2 sang 4-1-4-1. Trong chiến thuật này, Andres Iniesta và David Silva liên tục khoan phá hai cánh do Alexander Anyukov và Yuri Zhirkov, hai hậu vệ cánh giỏi tấn công, nắm giữ. Với kỹ thuật cá nhân và khả năng đi bóng tuyệt vời của Iniesta và Silva, hai cánh của Nga, vốn là trung tâm trong lối chơi của họ tại giải đấu, đã bị xé toang. Đội tuyển Nga đánh mất nhịp điệu trong lối chơi trong khi TBN hoàn toàn kiểm soát tuyến giữa và dễ dàng ghi 3 bàn trong hiệp 2.
Bóng đá hiện đại không còn nhiều đội bóng chơi với các cầu thủ chạy cánh luôn bám biên. Trong sơ đồ 4-2-3-1 phổ biến hiện tại, các hai cầu thủ đá lệch cánh cũng có xu hướng bó vào trong. Thậm chí, trong sơ đồ 4-4-2 cổ điển, các tiền vệ cánh cũng hiếm khi dâng cao, điều đó có nghĩa là hậu vệ cánh là cầu thủ duy nhất trên sân thường xuyên có khoảng trống trước mặt để dâng lên tấn công.
Tất nhiên, cũng có hiểm họa cho những đội bóng nào quá dựa vào các hậu vệ cánh để tăng cường chiều sâu cho hàng công, như thất bại của Nga trước TBN ở Bán kết EURO 2008. Chelsea dưới thời Luiz Felipe Scolari sau những thành công đầu tiên với việc đẩy hai hậu vệ cánh Jose Bosingwa và Ashley Cole lên cao cũng dần bị bắt bài khi đối thủ dàn quân ở hàng tiền vệ để buộc họ phải lùi lại.
Barca, thành bại ở đôi cánh
Nếu như vai trò của các hậu vệ cánh ngày càng trở nên quan trọng, thì với Barca, vị trí này thậm chí còn mang yếu tố sống còn với họ. Giai đoạn vàng son của Barca dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola có sự đóng góp không nhỏ của cặp hậu vệ cánh Eric Abidal-Dani Alves. Abidal có thiên hướng phòng ngự trong khi Alves tấn công là chủ yếu. Chính vì vậy, họ bổ sung cho nhau cực tốt. Với Alves và Messi bên cánh phải trong khi Abidal hợp cùng Thierry Henry bên cánh đối diện, Barca đã giành cú “ăn 6”năm 2009.
Cặp Abidal-Alves có thể coi là một trong những bộ đôi hậu vệ cánh hay nhất thế giới trong 1 thập kỷ trở lại đây. Cá nhân Alves còn là hậu vệ phải số 1 thế giới trong nhiều năm liền. Mùa giải 2012-13, Barca tiếp tục cho thấy niềm tin của họ vào các hậu vệ cánh tài năng khi chiêu mộ Jordi Alba, cầu thủ hay bậc nhất EURO 2012 trước khi đến Camp Nou. Tuy nhiên, nếu như Alba vẫn đang ở đỉnh cao phong độ thì Alves đã sa sút rất nhiều trong hai mùa giải vừa qua, chủ yếu vì vấn đề tuổi tác.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Barca đang ráo riết săn đuổi Juan Cuadrado, cầu thủ chạy cánh phải đang được cả châu Âu săn đón, để làm đối tác mới cho Alba. Mùa trước, Atletico đã thành công với đôi cánh toàn diện Juanfran - Luis Filipe trong khi điều tương tự cũng xảy ra với Real, Bayern, Dortmund. Vì thế, Barca không thể nằm ngoài xu hướng này, cho dù chính họ đã gắn bó với nó từ rất lâu rồi.
Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa
Tags