Một sự kiện đáng chú ý: Sau gần 90 năm kể từ khi ra đời, tiểu thuyết "Bỉ vỏ" của nhà văn Nguyên Hồng lần đầu tiên được dàn dựng ở hình thức nhạc kịch.
Cụ thể, vở diễn sẽ ra mắt khán giả vào tối nay 29/6 tại Nhà hát Lớn Hải Phòng, do biên đạo Tuyết Minh dàn dựng, nhạc sĩ Lưu Quang Minh đảm nhiệm phần nhạc và được các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Hải Phòng thể hiện.
Cần nhắc lại, nhà văn Nguyên Hồng viết tác phẩm Bỉ vỏ năm 1937. Và, sau khi tiểu thuyết này trở thành một tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam, tác phẩm cũng từng được chuyển thể thành phim Bỉ vỏ năm 1988 (đạo diễn Lương Đức) và thành vở kịch nói Người đàn bà bị đánh cắp năm 2005 (đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang).
Còn lần này, như chia sẻ của ê-kíp thực hiện, việc chuyển thể Bỉ vỏ sang hình thức nhạc kịch (muscial) được kì vọng sẽ giúp các khán giả "biết rung động với cái đẹp, rung động với lẽ thật ở đời, trong tim nhen lên tình yêu thiết tha với Tổ quốc, cảm nhận hết giá trị của hành trình vĩ đại mà đồng bào ta, dân tộc Việt Nam ta đã đồng khởi đứng lên đấu tranh giải thoát khỏi bức bách, bất công, giải thoát khỏi kiếp người nô lệ trước Cách mạng tháng Tám".
Biên đạo Tuyết Minh - tổng đạo diễn chương trình, đồng thời cũng là tác giả kịch bản và lời ca khúc cho nhạc kịch Bỉ vỏ - có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Chị có thể chia sẻ về cơ duyên để vở nhạc kịch "Bỉ vỏ" ra đời?
- Trước hết, điều này đến từ mong muốn của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng về việc phát triển mô hình hoạt động cho Đoàn Ca múa Hải Phòng. Ở đó, họ muốn thúc đẩy phát triển nghệ thuật sân khấu trên truyền hình, nhưng không làm những vở diễn nghệ thuật chỉ để phát sóng vào những khung giờ nhất định, mà các tác phẩm còn cần được diễn trực tiếp trên sân khấu trước công chúng. Các tác phẩm này được kết hợp với Đài Phát thanh, Truyền hình Hải Phòng để phát triển thành một kênh sân khấu và phát sóng riêng.
Tôi vốn có sự gắn bó với Đoàn Ca múa Hải Phòng trong quá trình làm nghệ thuật nên khá hào hứng khi nhận lời mời này. Bởi như kỳ vọng từ phía đoàn, đây không chỉ là việc dựng một vở diễn mà còn là cơ hội cho mỗi nghệ sĩ của đoàn vượt qua giới hạn của bản thân, nỗ lực nâng cao chuyên môn, thích ứng với nghệ thuật biểu diễn tổng hợp của thể loại nhạc kịch, bổ sung nhiều kỹ năng ca, múa, vũ đạo, diễn xuất, cảm nhận âm nhạc, tính kịch và đặc biệt là nâng cao khả năng tương tác với bạn diễn, tương tác với khán giả.
* Vậy lựa chọn này đã đưa đến những thuận lợi và khó khăn nào cho chị cũng như các nghệ sĩ thực hiện?
- Thực tế, nhiều tác giả rất ngại viết kịch bản cho nhạc kịch bằng tiếng Việt. Tôi thì may mắn có những kinh nghiệm từ trước, khi dựng những vở nhạc kịch như Người cầm lái, Dế mèn phiêu lưu ký, Vinh quang trên vai những người anh hùng... Do vậy, tôi có thể ít nhiều tự tháo gỡ những nút thắt khó khăn khi dựng Bỉ vỏ.
Cũng cần nói thêm, các ca khúc trong nhạc kịch Bỉ vỏ không có sẵn mà được viết riêng cho từng nhân vật trong câu chuyện. Tôi đã phải tiết chế nhiều ở lời thoại, nhưng khi thoại trên sân khấu thì chúng cũng phải đảm bảo có tính âm nhạc như trong các ca khúc. Màu sắc âm nhạc cũng được lựa chọn phù hợp theo đề tài. Với tính chất của nhạc kịch là hát và nói theo tính kịch, có cốt truyện và âm nhạc, khi viết kịch bản, tôi cũng phải hình dung luôn được lời và giai điệu sẽ diễn ra như thế nào để nhạc sĩ có thể dựng bài được thuận lợi.
Biên đạo Tuyết Minh (sinh năm 1981), hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam. Chị từng tham gia làm đạo diễn, biên đạo, tác giả kịch bản... của hơn 19 vở kịch múa, nhạc kịch và nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022.
* Được biết, chị đã nghiên cứu tiểu thuyết "Bỉ vỏ" rất kỹ trước khi thực hiện vở diễn. Vậy, đâu là những góc khai thác để giữ được cả tính thời đại và giá trị văn chương của tác phẩm?
- Tôi đọc Bỉ vỏ rất kỹ, rồi hình dung bối cảnh của đất cảng miền Bắc những năm 1937 - 1938 thời kỳ phong kiến nửa thuộc địa Pháp lúc bấy giờ. Tôi cũng nghiên cứu tư liệu, hình ảnh của Hải Phòng xưa để cảm nhận thêm về một thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Dương ngày ấy.
Sau khi đọc nhiều về tác giả và tác phẩm, tôi lựa chọn cách dựng vở không đi vào mô tả câu chuyện theo trình tự diễn tiến của tiểu thuyết hay cuộc đời các nhân vật đã được đa số công chúng đều biết đến từ thời còn đi học như Tám Bính hay Năm Sài Gòn. Bởi tôi không muốn nhạc kịch Bỉ vỏ chỉ là minh họa lại nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng.
Từ góc khai thác của mình, tôi muốn kết nối tư tưởng và góc nhìn của Nguyên Hồng với bối cảnh của những văn bản, những ký ức từ hình ảnh xưa cũ mang hơi thở bản sắc Hải Phòng. Âm ỉ sâu trong đó vẫn là những cuộc rượt đuổi số phận của những kiếp nhân sinh ở Hải Phòng, hay cả Việt Nam ở một thời khắc trong quá khứ.
* Vậy còn việc chị bổ sung thêm một số nhân vật so với nguyên tác?
- Tôi đưa vào rất nhiều nhân vật hư cấu để vừa lột tả được chiều sâu tư tưởng của nhà văn Nguyên Hồng khi phản ánh xã hội những năm 1937, vừa gắn kết với lịch sử của một Hải Phòng vốn vẫn đang phát triển đến giờ và vẫn giữ được hình ảnh của một thành phố cảng lớn.
Chẳng hạn, trong câu chuyện không có những nhân vật như Chánh cẩm Hải Phòng hay bà xẩm, nhưng tôi muốn xây dựng những nhân vật ấy như các điển hình để phản ánh những góc khuất của xã hội.
Và qua vở diễn, tôi hi vọng Bỉ vỏ cũng "nối dài" được hình ảnh của Hải Phòng và cốt cách người Hải Phòng từ những năm 1930 cho đến nay, sau những thăng trầm của lịch sử. Với tôi, đây là điều khó nhất khi thực hiện vở diễn này nhưng cũng là một bước tiến của mình so với những vở nhạc kịch từng làm.
* Có vẻ, chị đặt rất nhiều kỳ vọng vào vở nhạc kịch này?
- Quả thật, khi nhận lời thực hiện Bỉ vỏ, ngoài việc muốn đóng góp công sức với đường hướng phát triển nghệ thuật của Hải Phòng, tôi cũng muốn tạo một dấu ấn, một bước chuyển mình về phong cách nghệ thuật khi làm nhạc kịch.
Làm nhạc kịch ở thời điểm này vẫn đang là một lựa chọn khó khăn về mọi mặt, nên ai cũng cố gắng mỗi người đều vì mục tiêu chung và tôi cũng như vậy. Tôi trân quý nỗ lực làm việc của anh em nghệ sĩ ở Hải Phòng trong những điều kiện khá vất vả về địa điểm tập, áp lực thời gian, kinh phí.
* Vậy không biết, sau đêm diễn tại Hải Phòng, vở diễn sẽ có cơ hội đến với nhiều công chúng hơn?
- Có chứ! Chúng tôi dự định sẽ mang vở tham dự Liên hoan Ca múa Nhạc toàn quốc 2024. Ngoài ra, vở diễn cũng sẽ tiếp tục ra mắt khán giả Hải Phòng và đến với khán giả Hà Nội, cũng như có thể đến nhiều tỉnh thành khác, đặc biệt là những vùng cảng biển.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Kết cấu của nhạc kịch "Bỉ vỏ"
Nhạc kịch Bỉ vỏ có kết cấu gốm 3 hồi. Hồi 1 là bức tranh thời đại từ hiện thực về Hải Phòng năm 1937 - một hải cảng giao thương sầm uất bậc nhất của Đông Dương và cũng là một đô thị đang mở mang về công nghệ, thu hút đủ mọi thành phần xã hội bát nháo. Đô thị ấy đã nhào nặn lên một tầng lớp "anh chị" cộm cán, hung tợn, khét tiếng liều lĩnh đậm chất giang hồ và cũng là những tay chơi nghĩa hiệp - mà Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật trung tâm.
Hồi 2 của vở nhạc kịch sẽ là cuộc rượt đuổi của số phận với những mảnh đời cô độc, cơ cực, không tình thương nhưng nghĩa khí, phóng khoáng, chỉ "chôm" của người giàu và bọn quan quyền bóc lột.
Còn hồi 3 của vở diễn là "con đường bụi mờ" phơi bày bộ mặt bất công của trật tự xã hội thời bấy giờ. Từ màn bi kịch đầy nước mắt và thảm khốc của các nhân vật cùng hồi còi xình xịch nặng nề của chuyến tàu xuất phát từ ga Hải Phòng, vở diễn sẽ kéo khán giả ngược về quá khứ để thấy được một thời đại đen tối trong lịch sử của dân tộc, khi con người phải gồng mình đi qua những tháng ngày ảm đạm và khát khao ánh sáng của tự do.
"Bài toán khó" của nhạc sĩ
"Tiếng Việt rất phong phú và đa dạng nhưng luôn là bài toán khó với các nhạc sĩ khi vừa mong muốn giữ nguyên ý tưởng của đạo diễn, vừa phải hợp với giai điệu do mình sáng tác.
Và áp lực lớn nhất trong Bỉ vỏ là việc tìm mạch âm nhạc để lột tả hết được cảm xúc thống khổ của những nhân vật trong câu chuyện. Với văn hoá truyền thống của người Việt Nam, tôi cần phải điều chỉnh để khán giả cảm nhận được vở được theo phong cách nhạc kịch nguyên gốc nhưng không mất đi hồn Việt" - nhạc sĩ Lưu Quang Minh chia sẻ.
Tags