Công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã không còn là một khái niệm xa lạ với thế giới. Trong khi đa số vẫn chỉ biết tới blockchain như công nghệ chủ chốt đằng sau đồng tiền điện tử bitcoin, trên thực tế nó đã phát triển vượt bậc và bước đầu tạo được dấu ấn trong những lĩnh vực khác ngoài tài sản điện tử.
Với đặc điểm là một sổ cái công cộng kỹ thuật số lưu trữ dữ liệu một cách an toàn, blockchain gần như không thể bị tin tặc tấn công hoặc thay đổi dữ liệu trong chuỗi nếu không có sự cho phép của các chủ sở hữu khối thông tin. Do đó, ngay cả những người chỉ trích bitcoin và các loại tài sản điện tử cũng không thể phủ nhận tiềm năng của việc sử dụng blockchain cho các lĩnh vực khác.
Dưới đây là cách công nghệ mang tính cách mạng này đang thay đổi các quy trình kinh doanh vượt ngoài lĩnh vực tài sản điện tử.
Quản lý chuỗi cung ứng
Với tính chất thị trường dễ biến động, các mô hình về nhu cầu của người tiêu dùng phức tạp cùng các dữ liệu thiếu tin cậy, việc quản lý chuỗi cung ứng không hề đơn giản. Trong trường hợp xảy ra những gián đoạn bất ngờ như đại dịch COVID-19, các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng lại càng phải mạnh mẽ để có thể truy xuất nguồn gốc và kiểm soát hàng hóa tốt hơn nhằm tránh những đứt gãy không cần thiết.
Việc chuyển từ các phương pháp lưu trữ dữ liệu truyền thống - như các trang thống kê Excel hay chuỗi email dài vô tận - sang kết hợp công nghệ blockchain có thể tạo ra rất nhiều sự khác biệt trong quản lý chuỗi cung ứng.
Blockchain có thể giúp giám sát mọi giai đoạn của quy trình trong chuỗi cung ứng, từ kiểm kho nguyên vật liệu thô đến phân phối sản phẩm cuối cùng. Một ví dụ đáng lưu ý là chuỗi siêu thị Walmart đã ứng dụng thành công blockchain từ năm 2019 để theo dõi các sản phẩm trong chuỗi cung ứng ngành thực phẩm, từ nguồn gốc sản phẩm đến quá trình giao thành phẩm tới khách hàng.
Quản lý đăng ký đất đai
Tạo hồ sơ chứng thực quyền sở hữu đất đai là một công việc phức tạp có thể kéo dài trong nhiều năm liền. Quy trình này bao gồm nhiều bước và yêu cầu phải có những dữ liệu cụ thể, chi tiết ở mọi giai đoạn. Việc mất dữ liệu ở bất kỳ giai đoạn nào đều sẽ khiến quá trình thêm phức tạp và dẫn tới nhiều vấn đề khác. Ngoài ra, mọi sự khác biệt dù nhỏ nhất trong loại dữ liệu này cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí thay đổi quyền sở hữu tài sản.
Việc ứng dụng blockchain để lưu trữ những loại dữ liệu phi tập trung này sẽ đảm bảo tính minh bạch và bảo mật cao hơn. Khả năng xảy ra sai sót do con người cũng giảm đi. Ví dụ, công ty tư vấn công nghệ Tech Mahindra đã thuyết phục cơ quan đăng ký đất đai ở Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) ứng dụng blockchain vào hoạt động quản lý. Công nghệ này sau đó đã giúp cơ quan trên loại bỏ mâu thuẫn trong việc chia sẻ tài liệu và cung cấp một môi trường an toàn, bảo mật và minh bạch cho tất cả các bên liên quan.
Quản lý khách hàng
Quy trình KYC (Know Your Customer; tạm dịch: Biết rõ khách hàng của bạn) là trọng tâm của các nỗ lực tuân thủ quy định về dịch vụ tài chính và chống rửa tiền. Nhưng dù cho ngân sách được phân bổ và nỗ lực cải thiện các quy trình này, hoạt động KYC thường vẫn thiếu hiệu quả. Việc ứng dụng blockchain tại đây có thể đảm bảo các dữ liệu liên quan không thể bị tin tặc tấn công, tăng độ chính xác của thông tin và cung cấp cập nhật dữ liệu người dùng theo thời gian thực.
Blockchain sẽ giúp thực hiện tất cả các hoạt động, bao gồm xác minh danh tính khách hàng, hợp lý hóa quy trình KYC và đảm bảo thông tin chính xác trong toàn bộ vòng đời khách hàng. Giảm chi phí xử lý dữ liệu bằng cách giảm thời gian phản hồi và loại bỏ các công việc xác nhận thủ công cũng là một vài lợi thế khác của blockchain trong quy trình này.
Hỗ trợ truyền thông hợp nhất
Truyền thông hợp nhất (UC) đã và đang chứng minh hiệu quả của chúng trong việc xử lý các hoạt động giao tiếp trong mọi tổ chức thuộc mọi ngành nghề. UC là sự tích hợp của các dịch vụ liên lạc trong doanh nghiệp như tin nhắn văn bản, tin nhắn thoại, video, hội nghị trực tuyến, chia sẻ màn hình máy tính, chia sẻ dữ liệu đa nền tảng… UC cho phép một cá nhân gửi thông tin trên một phương tiện và nhận chúng trên một phương tiện khác. Ví dụ: người dùng có thể nhận được tin nhắn thoại và chọn truy cập qua e-mail hoặc điện thoại di động.
Nhưng bất chấp những ưu điểm, UC vẫn khó quản lý và theo dõi các thông tin vì hoạt động giao tiếp không đồng bộ trên cùng nền tảng. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi ứng dụng blockchain. Nhu cầu về một trung tâm tập trung xử lý thông tin sẽ không còn, qua đó giúp giảm chi phí vận hành và thời gian hồi đáp. Thông tin liên lạc cũng được hợp lý hóa và trao đổi theo phương thức an toàn hơn trước. Tính minh bạch, thời gian thông qua và truy xuất nguồn gốc thông tin có thể được giải quyết nhanh chóng ngay cả khi phía doanh nghiệp sử dụng chatbot.
- Ứng dụng công nghệ thực tế ảo để phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính nhau ở phần đầu
- Làn sóng sa thải 'tấn công' lĩnh vực công nghệ của Bắc Mỹ
- Phòng ngừa tội phạm công nghệ cao dựa vào mã QR hoặc thông tin trên thẻ căn cước công dân
Chăm sóc sức khỏe
Blockchain mới được ứng dụng trong ngành chăm sóc sức khỏe không lâu nhưng đã nhanh chóng cho thấy những lợi ích. Với blockchain, các bệnh viện và cơ quan y tế có thể đảm bảo một mức độ toàn vẹn dữ liệu chưa từng có, trong khi đây là yêu cầu chủ chốt để xây dựng hồ sơ y tế. Một số bệnh viện đã ứng dụng blockchain để xây dựng hệ thống phân tán quản lý hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân, tạo chuỗi cung ứng minh bạch cho dược phẩm cũng như kiểm soát sự bùng phát của các loại bệnh dịch.
Bệnh nhân cũng được phép kiểm soát dữ liệu của họ để tăng sự tin tưởng vào hệ thống. Lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được từ các thiết bị y tế cũng được chia sẻ và lưu trữ một cách an toàn.
Không ai có thể phủ nhận sự phát triển của blockchain trong những năm qua, khi nó không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực tiền điện tử mà đã xuất hiện trong hầu hết các ứng dụng, dịch vụ trên không gian công nghệ thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ứng dụng của blockchain đang chờ được khai phá để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người hơn nữa trong tương lai.
H.Thủy (Tổng hợp)
Tags