(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm trở lại đây, các câu chuyện cổ tích đã liên tục trở lại trong các ấn phẩm hiện đại, với những nhân vật đa dạng được bổ sung nhằm phù hợp với thời cuộc. Điều này không mới, khi ngay cả trong thời của mình, nhà văn Đan Mạch H.C.
Andersen và anh em Grimm cũng đã sửa đổi nhiều câu chuyện cổ tích lâu đời hơn (từng xuất hiện ở dạng văn bản hoặc truyền khẩu) để phản ánh các giá trị của thời đại họ.
Hiện tại, vô số bộ phim, trò chơi điện tử và tiểu thuyết trong những năm gần đây đã góp phần “làm mới” những câu chuyện cổ tích nổi tiếng của các tác giả cổ điển châu Âu.
Truyện cổ tích đang thịnh hành
Cụ thể, trong Maleficent (Tiên hắc ám - 2014) của Disney, bà tiên đỡ đầu độc ác trong câu chuyện cổ tích Người đẹp ngủ trong rừng của Charles Perrault đã trở thành một nhân vật chính đầy bi kịch do minh tinh Angelina Jolie thể hiện. Hay với cuốn tiểu thuyết Six Crimson Cranes (2021), tác giả người Mỹ gốc Nhật Elizabeth Lim đã kết hợp câu chuyện cổ tích The Wild Swans (Bầy chim thiên nga) của Hans Christian Andersen với văn học dân gian Đông Á và tạo nên một cuốn sách bán chạy.
Có điều, xu hướng này không phải là mới. Tác giả, biên tập viên và chuyên gia truyện cổ tích người Đức Christian Handel chỉ ra rằng: “Những câu chuyện cổ tích không bao giờ biến mất”. Handel giải thích những câu chuyện cổ tích cổ điển của châu Âu như Nàng Bạch Tuyết của anh em nhà Grimm, Cinderella (Cô bé lọ lem) của Charles Perrault hay Công chúa và hạt đậu của Andersen thực tế là đều dựa trên những nguồn cổ hơn nhiều so với khi họ cầm bút sáng tác.
Đến giờ, người ta vẫn tin rằng anh em nhà Grimm đã thu thập và viết ra những câu chuyện dân gian cổ xưa mà cho đến lúc đó chủ yếu được truyền khẩu. Anh em nhà Grimm “đã bán những câu chuyện cổ tích của họ ra thế giới bên ngoài như một thứ gì đó khác với thực tế của chúng” như Handel giải thích. Thậm chí, nhiều truyện được viết từ nguồn gốc quốc tế.
Ví dụ, trước khi anh em nhà Grimm đưa Puss in Boots (Mèo đi hia) vào tập truyện cổ tích của mình được xuất bản năm 1812, Charles Perrault đã có một phiên bản viết bằng tiếng Pháp vào cuối thế kỷ 17, trong khi một phiên bản tiếng Italy thậm chí còn cũ hơn - có từ những năm 1550. Yếu tố góp phần vào sự giao thoa văn hóa này là việc thành phố Kassel, nơi anh em Grimm sinh sống, đã bị Pháp chiếm đóng trong suốt cuộc đời của họ.
Còn với Andersen, ông vẫn sử dụng những câu chuyện cổ tích đa dạng về văn hóa và lâu đời hơn để “điều chỉnh” chúng cho phù hợp với các giá trị của thời đại của mình. “Nhân vật anh hùng hoặc nữ anh hùng điển hình của Andersen là một người tốt tôn kính Chúa và sau đó được trọng thưởng” - Handel giải thích - Ít người biết rằng chúng đến từ những phiên bản cổ tích rất khác nhau trên khắp thế giới”.
Bảo tàng Andersen dưới lòng đất
Hãy nhìn một trường hợp đặc biệt về việc “cập nhật” những ý tưởng của nhà văn Andersen từ góc độ bảo tàng và kiến trúc
Hans Christian Andersen sinh năm 1805, tại ngôi nhà một tầng màu vàng ở thị trấn nhỏ Odense của Đan Mạch. Ông là con trai của một người thợ đóng giày và một người thợ giặt không biết đọc, biết viết. Khi Andersen cất tiếng khóc chào đời, không ai có thể đoán được rằng cậu bé này sẽ trở thành một trong những tác giả truyện cổ tích nổi tiếng nhất thế giới.
Năm 14 tuổi, Hans-Christian Andersen rời Odense để thử vận may ở thủ đô Copenhagen và nuôi hy vọng trở thành một diễn viên. Cuối cùng, Andersen đã tìm thấy con đường viết lách của mình và ở tuổi 30, bắt đầu viết những câu chuyện cổ tích đã mang lại cho ông sự nổi tiếng quốc tế.
Những câu chuyện của Andersen vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Từ Vịt con xấu xí đến Bộ quần áo mới của Hoàng đế, các câu chuyện của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm chuyển thể từ điện ảnh và sân khấu, bao gồm cả các bộ phim của Disney, chẳng hạn như loạt phim hoạt hình ăn khách Frozen (Nữ hoàng băng giá) được “mượn” từ câu chuyện The Snow Queen (Bà chúa Tuyết) của Andersen.
Ngôi nhà đầu tiên của tác giả người Đan Mạch trở thành Bảo tàng Hans Christian Andersen từ năm 1930 và thường đón 100.000 du khách ghé thăm mỗi năm. Bảo tàng đã trải qua 7 năm tu sửa bởi một nhóm chuyên gia đứng đầu là kiến trúc sư người Nhật Kengo Kuma (người từng tham gia thiết kế Sân vận động Olympic mới ở Tokyo). Kiến trúc sư Nhật Bản này đã mở rộng ngôi nhà, thêm một khu vườn đầy màu sắc dưới lòng đất và ở đó du khách có thể đắm mình trong những câu chuyện cổ tích yêu dấu từ thời thơ ấu của họ, như Công chúa và hạt đậu, Nàng tiên cá...
Theo Lone Weidemann, một nhân viên của bảo tàng : “Chúng tôi có cảm giác rằng những vị khách tới đây muốn nhiều thứ hơn là một bảo tàng truyền thống được hình thành từ ngôi nhà của Andersen. Họ cần trí tưởng tượng và nguồn cảm hứng của nhà văn cho cuộc sống hàng ngày của họ”.
Thực tế,12 nghệ sĩ đã tham gia thiết kế lại không gian triển lãm dưới lòng đất, bao gồm các tác phẩm sắp đặt ánh sáng và âm nhạc. Nguồn cảm hứng cho bảo tàng dưới lòng đất đến từ ý tưởng về những câu chuyện của Andersen. Theo kiến trúc sư Kengo Kuma: “Ý tưởng đằng sau thiết kế kiến trúc tương tự như phương pháp sáng của Andersen, nơi một thế giới nhỏ đột nhiên biến đổi thành một vũ trụ lớn hơn. Hơn nữa, chính quyền đô thị Odense đã quyết định cấm ô tô vào trung tâm thành phố trước khi bảo tàng được tu sửa nên mọi người có thể tận hưởng không gian xanh trải dài trong yên bình”.
Vào mùa Hè năm 2021 khi công việc cải tạo vẫn chưa hoàn thành hoàn toàn, Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe đã đến thăm bảo tàng. Đơn giản, Andersen được coi là một anh hùng dân tộc ở Đan Mạch. Trước khi qua đời vào năm 1875, ông đã viết 158 truyện cổ tích và 800 bài thơ.
Khu phức hợp bảo tàng mới chỉ mở cửa vài tháng gần đây, trước khi biến thể Omicron buộc các bảo tàng ở Đan Mạch phải đóng cửa vào mùa Đông năm 2021. Cho đến khi chờ nó mở cửa trở lại, nhiều độc giả hẳn sẽ tiếp tục đọc những câu chuyện cổ tích của Andersen như Bà chúa Tuyết, Vịt con xấu xí.
Chuyện cổ tích mang lại hy vọng
Trở lại với vấn đề “cập nhật”, Handel giải thích rằng những câu chuyện cổ tích đã quá quen thuộc góp phần tạo nên sức hấp dẫn của chúng, đó cũng là lý do tại sao một số người cảm thấy cáu kỉnh khi thấy chúng bị thay đổi với các phiên bản hiện tại. Tuy nhiên, những bản cập nhật tích hợp các giá trị hiện đại như vậy là điều cần thiết cho sự tồn tại của các câu chuyện cổ tích
“Nếu một phiên bản mới của một câu chuyện cổ tích gây tranh cãi, đó là bởi vì nó chứng tỏ rằng các giá trị của một xã hội đang thay đổi” - Handel nói - “Nhưng ngược lại, những thay đổi này thực sự là lý do để các truyện cổ tích tồn tại”.
Rồi chuyên gia này kết luận: “Tôi tin rằng những câu chuyện cổ tích vẫn tồn tại bởi vì trong hầu hết các trường hợp, chúng mang lại hy vọng. Bên cạnh việc chứa đựng những khoảnh khắc ngạc nhiên, chúng luôn giúp ta tin rằng điều gì đó tốt hơn sẽ đến”.
Thế giới cổ tích mới cho thế kỷ 21 Handel giải thích chính khía cạnh quốc tế hóa là trung tâm của xu hướng cập nhật truyện cổ tích hiện nay. Theo đó, ngày nay, nguồn gốc của những câu chuyện dân gian không còn quan trọng với những câu chuyện này nữa. Thực tế, nhiều câu chuyện cổ tích hiện đại tập trung vào các nhân vật không phải là người da trắng hoặc nam giới, như các nhân vật nữ chính mạnh mẽ theo kiểu Elsa trong Frozen (2013). Tương tự, trong bộ phim Aladdin (2019) phiên bản người đóng, công chúa Jasmine đấu tranh cho sự bình đẳng và cơ hội để nối nghiệp cha mình với tư cách là một nữ hoàng. Và trong phiên bản Beauty and the Beast (2017) được dàn dựng lại, đạo diễn Bill Condon đã tạo thêm cảnh đồng tính cho nhân vật LeFou - khiến anh trở thành nhân vật LGBT chính thức đầu tiên của Disney. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối cách làm mới những câu chuyện theo cách này. Chẳng hạn, khi Disney thông báo rằng diễn viên da màu Halle Bailey vào vai chính trong phiên bản phim The Little Mermaid (Nàng tiên cá) người đóng đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags