(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói, Conte là đại diện “chân truyền” của bóng đá Italy đang một mình chống lại trường phái Bielsa trong cuộc đua chức vô địch Premier League hứa hẹn đầy khắc nghiệt.
1. Kết quả của vòng 11 Premier League đã mang lại một bảng xếp hạng ngoạn mục với 6 đội bóng dẫn đầu bảng là 6 ông lớn nhất của bóng đá Anh. Điều đó sẽ hứa hẹn một cuộc đua vô địch khắc nghiệt, với Arsenal sẽ mở màn trước tiên bằng 1 tháng 11 đầy căng thẳng.
Và trong 6 HLV dẫn đầu bảng xếp hạng lúc này, chỉ có Mourinho và Wenger là những người “già”. Với xu hướng bóng đá hiện đại, mà như Lobanovsky từng tiên đoán đúng 20 năm trước, trong một phát biểu ở Kiev, rằng “hành động nhanh hơn, suy nghĩ nhanh hơn, phản ứng nhanh hơn. Đó chính là bóng đá của tương lai”, có lẽ, hai ông già vốn ghét nhau như mặt trăng – mặt trời sẽ là hai ứng viên lép vế nhất. Còn lại 4 tay đua trẻ, những người ở tuổi đẹp nhất của đời HLV, tuổi tứ tuần, ai sẽ là người đủ sức biến cuộc đua khốc liệt này thành một cuộc chiến đẹp nhất, hoành tráng nhất, bi hùng nhất mà người Anh từng có?
Đó chỉ có thể là Antonio Conte, người đang ở tư thế một mình chống lại… Bielsa…
2. Trong tất cả những người được coi là học trò của Bielsa trong thế giới bóng đá đương đại, Pochettino có thể là người tiêu biểu nhất. Cách xây dựng lối pressing của Pochettino được dựa trên nền tảng cơ bản của Bielsea rất nhiều. Đó là lối pressing quyết liệt nhằm mục đích lấy lại bóng để triển khai thế trận tấn công “tận tâm” (từ mà tạp chí 4-4-2 nói về Bielsa). Chính triết lý đó đã giúp Tottenham của Pochettino khóa chặt Arsenal ngay tại Emirates và đẩy những ngôi sao như Oezil; Sanchez; Walcott; Giroud vào thế vô vọng.
Guardiola không nhận mình là học trò của Bielsa, nhưng lại suy tôn Bielsa như HLV vĩ đại nhất thế giới bóng đá đương đại. Guardiola yêu thích bóng đá tấn công đẹp mắt, và ông say đắm với cái “tận tâm tấn công” mà Bielsa theo đuổi. Cũng chính đội hình ưa thích 3-3-3-1 của Bielsa là nguồn khơi gợi rất lớn để Pep theo đuổi hệ thống phòng ngự 3 người, từ ngày ông còn ở Barca. Để rồi từ đó, Pep tạo ra một trào lưu chơi với hàng thủ 3 người như một cách tân của bóng đá đương đại.
Klopp cũng như Guardiola, không nhận là học trò Bielsa, nhưng dấu ấn Bielsa của Klopp còn rõ rệt hơn cả Pep lẫn Pochettino. Tấn công tận tâm ư? Ai dám bảo Liverpool hôm nay không có điều đó? Pressing quyết liệt ư? Ai làm điều đó tốt hơn Liverpool lúc này? Gegenpressing được gọi là một triết lý độc lập ư? Nó là phái sinh của triết lý Bielsa thì đúng hơn.
3. Trong tình thế đó, chỉ có Conte là khác biệt. Ông giống với Sacchi và Lippi nhiều hơn, tức luôn bị ám ảnh bởi sơ đồ chiến thuật. Cái cách mà ông vận hành Chelsea hôm nay không khác gì điều mà Arigo Sacchi đã trình bày trong một bài giảng hồi 2013. Đó chính là “biến đổi ngay trong trận đấu”. Conte biến đổi sơ đồ rất nhịp nhàng, dựa trên các hướng dẫn cụ thể về di chuyển cho cầu thủ. Cách làm ấy của ông khiến nhiều người so sánh ông với Mourinho. Tuy nhiên, Mourinho chỉ đơn thuần biến đổi từ 4-2-3-1 thành 4-5-1 khi không có bóng là chủ yếu. Còn Conte đa dạng hơn nhiều. Từ 3-4-3, Chelsea của ông có thể biến đổi thành 3-3-4, thứ sơ đồ ông đã mê mẩn nghiên cứu bao nhiêu năm nay. Nhưng cũng có lúc, nó trở thành 3-5-2 hoặc 5-3-2, những đội hình mà ông đã quen thuộc. Thậm chí, việc ông dùng Luiz trong vai trò khá tự do, như một trung vệ “chơi bóng” và dâng cao lên gần hơn với hàng tiền vệ không khác gì cách ông dùng Bonucci ngày xưa đã cho thấy ông tài năng thế nào. Luiz bị coi là thảm họa, thích lao lên trên, và ông cho anh ta làm điều đó nhưng ở một giới hạn của sự thăng hoa chứ không phải là phá hoại.
Thật ra, người Italy và người Argentina luôn có những điểm gần nhau. Và ngay cả Conte cũng có những lúc (có thể vô tình thôi) hóa thân thành Bielsa. Đó là khi Chelsea biến chuyển về 3-3-3-1, với Marcus Alonso bay cao ở biên trái. Khi ấy, với Conte nhiệt huyết ở ngoài đường biên, dường như cũng là một “cuồng lão” (El Loco) Bielsa trong màu áo Chelsea…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags