Đây không phải một mùa giải tuyệt vời, nhưng tôi chờ đợi vào một bức tranh lớn hơn", Novak Djokovic đã tuyên bố như thế sau khi bị Casper Ruud loại ở bán kết Monte Carlo Masters 2024.
Chúng ta đã quá quen với việc Novak Djokovic đoạt các danh hiệu trên khắp thế giới mỗi năm - đặc biệt là trong những tháng đầu của mỗi năm - nên thật lạ khi thấy anh rời Monte-Carlo vẫn chưa có danh hiệu nào trong năm 2024.
Tháng Tư rồi mà Djokovic vẫn trắng tay
Tình trang đó chỉ xảy ra hai lần kể từ khi Djokovic giành Grand Slam đầu tiên (Australian Open 2008). Trong suốt 16 năm qua, chỉ có hai lần, Djokovic không giành được ít nhất một danh hiệu trong bốn tháng đầu mùa, vào các năm 2018 và 2022. Năm 2018, anh đã sửa sai tại Wimbledon trong khi vào năm 2022, anh đã sửa sai ngay sau đó ở Rome. Cũng phải nhắc lại rằng, năm 2022, Djokovic không được thi đấu giải nào trên đất Australia vì vụ không tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tính rộng hơn thì trong sự nghiệp nhà nghề của Djokovic, tình trạng 4 tháng đầu không danh hiệu chỉ xảy ra 3 lần, với lần còn lại là vào năm 2006.
Djokovic đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực tại Monte-Carlo, nhưng sau khi thua Casper Ruud ở bán kết vào thứ Bảy, với việc gỡ hòa 4-4 trong set thứ ba dù bị dẫn 4-1, anh đã hiểu rõ và thừa nhận rằng đây không phải là một khởi đầu tốt cho mùa giải, ít nhất theo tiêu chuẩn cao quý của anh.
"Tôi quen với tiêu chuẩn rất cao và kỳ vọng về kết quả, vì vậy việc không có danh hiệu là, có lẽ so với 15 năm qua, không phải là một mùa giải tốt," anh nói. "Nhưng tôi đã vào bán kết Australia, bán kết ở đây. Tôi chỉ thi đấu ba giải trong năm nay. Thật bình thường khi biết rằng trong sự nghiệp của mình có những mùa giải bạn không bắt đầu tốt, và đây chính là một trong số đó.
Trở lại với trận bán kết Monte Carlo Master 2024. Khi Nole gỡ hòa 4-4 ở set thứ ba, khá nhiều người đã nghĩ đến một màn ngược dòng quen thuộc của Djokovic bởi thời điểm đó, anh đang có đà thăng hoa. Nhưng Ruud đã thi đấu rất bản lĩnh, trong khi Djokovic thất bại với một lỗi giao bóng kép, giúp tay vợt Na Uy lần đầu tiên đánh bại anh. Hẳn nhiên là Nole thất vọng, nhưng anh tin rằng đó cũng là một bài học quý giá với bản thân mình.
"Bức tranh lớn" của Nole
Trong buổi họp báo, Djokovic đã nhắc đến cụm từ "bức tranh lớn" như một mục tiêu quan trọng mà anh sẽ tập trung vào ở mùa giải này, và những thất bại như vừa rồi ở Monte Carlo rõ ràng không phải là thảm họa với tay vợt người Serbia. Sau Monte Carlo, Djokovic sẽ đến các sự kiện Masters 1000 kế tiếp ở Madrid và Roma, nhưng rất có thể anh cũng không đặt nặng chuyện vô địch, mà coi đó như những bước chuẩn bị quan trọng cho hai giải đấu lớn: Roland Garros và Olympic 2024.
Thật trùng hợp, cả hai sự kiện ấy đều diễn ra ở Paris, đều diễn ra trên mặt sân đất nện, và dĩ nhiên, đều sẽ là những thử thách lớn với Djokovic. Vô địch ở Roland Garros – giải đấu mà anh "chỉ" 3 lần đăng quang – anh sẽ chính thức vượt qua huyền thoại Margaret Court để trở thành tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất trong lịch sử, cả nam lẫn nữ, cả trước và sau kỷ nguyên Open. Còn nếu đoạt huy chương vàng Olympic, anh sẽ sưu tập nốt danh hiệu còn thiếu trong sự nghiệp của mình. Trước đó, thành tích tốt nhất của Djokovic ở sân chơi Thế vận hội chỉ là tấm huy chương đồng tại Bắc Kinh 2008. Năm 2012, Djokovic không góp mặt. Năm 2016, anh bị loại ngay từ vòng 1. Còn ở Tokyo 2020, tay vợt người Serbia thua Pablo Carreno Busta ở trận tranh huy chương đồng.
Trong số hai sự kiện này, Olympic dĩ nhiên được ưu tiên hơn cả đơn giản vì nó diễn ra 4 năm một lần. Nếu không vô địch Roland Garros 2024, Djokovic có thể chờ Grand Slam thứ 25 ở Wimbledon, US Open, hoặc thậm chí là Australian Open 2025. Nhưng nếu không thể giành HCV Olympic Paris 2024, không ai chắc anh có thể chờ đợi đến năm 2028 để hoàn tất giấc mơ của mình. Khi ấy, Nole sẽ 41 tuổi và khó lòng thi đấu đỉnh cao.
Phương Chi
Tags