(Thethaovanhoa.vn) - Có điểm gì chung giữa game - sản phẩm của công nghệ hiện đại - và các nhân vật lịch sử tồn tại từ vài trăm năm, cho tới cả ngàn năm trước?
Câu trả lời là nằm ở trường hợp của Sử hộ vương - dự án game có ý tưởng sử dụng “chất liệu” từ một số danh nhân Việt Nam như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huệ, Gia Long...
Từ hơn một tuần qua, dự án ấy đang gây ra một cuộc tranh cãi đặc biệt - khi nhóm tác giả lấy ý kiến về mẫu tạo hình nhân vật Hồ Xuân Hương. Với nét vẽ khá táo bạo và có phần lạ mắt, bà chúa thơ Nôm trong Sử hộ vương có mái tóc bạch kim búi nửa, chiếc áo lụa khoác hờ để lộ vòng ngực quá khổ và cặp chân trần trong một tư thế ngồi không mấy kín đáo.
Từ quan điểm cho rằng nhóm tác giả tạo hình “quá đà” và lai căng theo phong cách manga Nhật Bản, đã có những ý kiến đi xa hơn, cho rằng đó là sự xúc phạm danh nhân lịch sử - thậm chí là “mượn tên” lịch sử để quảng bá cho sản phẩm của mình.
Và ở phía ngược lại, cũng có những ý kiến bênh vực nói về sự “nhầm lẫn” (của phía phản đối) giữa lịch sử và việc cách điệu nhân vật theo phong cách game, về việc Hồ Xuân Hương vẫn luôn được coi là một đại diện cho tinh thần nữ quyền thời trung đại với những vần thơ táo bạo, về việc chân dung “bà chúa thơ Nôm” đã từng được nhiều họa sĩ Việt Nam vẽ với sự... mạnh dạn hơn nhiều.
Để rồi, khi luồng ý kiến phản đối ngày càng dâng cao, ở diễn biến gần nhất, nhóm tác giả Sử hộ vương có thư ngỏ cho biết: họ đã ghi nhận những ý kiến phản hồi và sẵn sàng thay đổi cách tạo hình – nếu thấy những đóng góp xây dựng là hợp lý.
***
Riêng với người viết, dù không thích cách tạo hình của Sử hộ vương, việc cuộc tranh luận diễn ra theo hướng quy chụp là điều không cần thiết.
Phần nào, những diễn biến ấy gợi nhớ đến một cuộc tranh luận từng diễn ra đầu năm nay – khi một học giả công bố giả thiết về chân dung “thật” của vua Quang Trung (tìm thấy từ một bức tranh cổ tại Trung Quốc). Khi thấy bức chân dung này khá... xấu, nhiều độc giả đã gay gắt mạt sát học giả bằng những lời lẽ nặng nề - thay vì tìm hiểu để phản bác bằng những quan điểm đủ khoa học và lý lẽ.
Sòng phẳng, cách tranh luận theo cảm tính ấy bắt nguồn từ một thực tế: hơn bất cứ quốc gia nào, người Việt Nam luôn hết mực yêu quý, ngưỡng mộ và tôn thờ những danh nhân lịch sử trong quá khứ. Tâm tính ấy vừa bắt nguồn từ đạo lý của người Việt, vừa đến từ bối cảnh lịch sử đặc thù, khi chúng ta luôn phải dành hết tâm lực cho câu chuyện dựng nước và giữ nước suốt mấy ngàn năm.
Bởi thế, bất cứ độc giả nào cũng rất dễ khó chịu, thậm chí là mất bình tĩnh, khi hình tượng những danh nhân của lịch sử được “tái tạo” theo phong cách xa lạ, thậm chí có phần mâu thuẫn so với cách nghĩ thông thường. Không chỉ với game, những trường hợp tương tự cũng từng diễn ra trong lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh... và thậm chí là mỹ thuật.
Và cho dù, các game lấy cảm hứng từ các lịch sử từng phổ biến ở nhiều quốc gia (thậm chí, có những sáng tạo còn... táo bạo hơn trường hợp Hồ Xuân Hương), thì rõ ràng, với con mắt nghiêm khắc của một số người, việc “điều khiển” những anh hùng dân tộc vẫn dễ bị coi là... trò nhí nhố.
Để thành công, những sản phẩm game như Sử hộ vương phải vượt qua được rào cản ấy. Và phải vượt qua bằng sự sáng tạo hấp dẫn về nội dung – chứ không phải chỉ bằng những nét vẽ đang bị coi là học theo phong cách Manga.
Giống như các chuyên gia về thiết kế game từng nói, thế giới ảo có thể tạo ra tất cả những gì mà thế giới thật ước mơ. Để thỏa mãn trí tuệ của con người một trò game chỉ hấp dẫn khi người ta thấy sức mạnh phong phú của trí tưởng tượng.
Tất nhiên, sự tưởng tượng về những danh nhân lịch sử - sao cho hấp dẫn, tinh tế và không khiên cưỡng - thì không thể dễ.
Sơn Tùng
Tags